.

Nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng

.

Thời gian gần đây, công tác quản lý bảo vệ rừng ở Đà Nẵng triển khai quyết liệt, có sự phối hợp đồng bộ của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng. Chỉ trong tháng 10 và tuần đầu tháng 11, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đà Nẵng phối hợp với công an, dân quân địa phương, kiểm lâm triển khai 12 đợt truy quét quy mô lớn tại khu vực đầu nguồn, xử lý 6 vụ phá rừng, tiêu hủy 24 lán trại của lâm tặc, cảnh cáo đưa ra khỏi rừng gần 20 đối tượng, tịch thu 3 cưa máy và hàng chục m3 gỗ rừng tự nhiên…
 

Tổ liên ngành huyện Hòa Vang tịch thu gỗ lậu tại một cơ sở cưa xẻ gỗ. 
Ông Phạm Ngọc Sự, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đà Nẵng cho hay: Tình trạng rừng bị xâm hại đã giảm đến mức thấp nhất kể từ trước đến nay. Gỗ khai thác bị tịch thu hoặc tiêu hủy, việc tiếp tế hàng hóa từ ngoài vào bị ngăn chặn nên lâm tặc phải mò ra khỏi rừng. Tại rừng đặc dụng Nam Hải Vân, bảo vệ rừng cùng Bộ đội Biên phòng chặn bắt các đối tượng chặt phá gỗ thông. Quận Liên Chiểu huy động 1 trung đội dân quân phối hợp với bộ đội, công an chốt chặn tại bìa rừng. Hiện tại, Ban Quản lý rừng đặc dụng cùng chính quyền địa phương đã lập danh sách 15 đối tượng thường xuyên có hành vi phá rừng để quản lý giáo dục. 

Từ cuối tháng 9 đến nay, hai tổ liên ngành của huyện Hòa Vang đã chốt chặn khá hiệu quả ở Ngầm Đôi trên đường 604 và ở Suối Ty thượng nguồn sông Cu Đê. Trong tháng 10, tổ chốt chặn ở Ngầm Đôi đã phát hiện 6 vụ cất giấu gỗ lậu, tịch thu 6,55m3.

Hàng chục cơ sở cưa xẻ gỗ vi phạm bị xử lý nghiêm minh. Trong đó, Tổ liên ngành do UBND thành phố thành lập buộc đình chỉ hoạt động 6 cơ sở, tổ của huyện Hòa Vang buộc đình chỉ hoạt động 11 cơ sở, tổ của quận Liên Chiểu xử lý 1 cơ sở và buộc đình chỉ toàn bộ hoạt động cưa xẻ gỗ 8 cơ sở.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Liên Chiểu cho biết: Quận sẽ triển khai các giải pháp kiên quyết và đồng bộ để bảo vệ rừng. Ngoài việc truy quét, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ lậu, chấm dứt hoạt động cưa xẻ gỗ, quận đã tính đến việc phát triển kinh tế cho người dân vùng cận rừng. Vừa qua, đã hỗ trợ 1 máy cày cho nông dân, triển khai một số dự án kinh tế nhỏ ở Kim Liên. 

Huy động lực lượng liên ngành với quân số nhiều như hiện nay cho công tác bảo vệ rừng là cần thiết, song đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng cần có giải pháp bền vững dựa trên cơ sở toàn dân tham gia bảo vệ rừng. Và như vậy, tốt nhất phải cải thiện đời sống người dân vùng rừng, tức là tạo công ăn việc làm, đầu tư các dự án phát triển kinh tế, cho vay vốn ưu đãi…
 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm, cần giao từng nhóm hộ chịu trách nhiệm bảo vệ từng khu vực rừng thông cụ thể. Để gắn trách nhiệm của những hộ nhận khoán bảo vệ rừng thông, cần tạo điều kiện cho họ có quyền lợi tại khu rừng đó, như giao đất để họ phát triển kinh tế.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.