.
QUY ĐỊNH VỀ MŨ BẢO HIỂM

Vẫn chưa hết rối

.

Tính đến nay, quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) theo tinh thần Nghị quyết 32 của Chính phủ đã gần tròn một năm. Đây là quãng thời gian không dài, nhưng cũng đủ kiểm chứng cái được và chưa được của một chính sách thiết thực với hàng chục triệu người.

Hầu hết người dân khi tham gia giao thông đều chấp hành việc đội MBH.

Khi triển khai Nghị quyết 32, chính nội dung quy định về việc đội MBH đã có khá nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn là rất khó để tất cả mọi người thực hiện. Đây không phải là sự băn khoăn vô cớ mà có cơ sở, bởi lẽ trước đó đã nhiều lần triển khai đội MBH trên quốc lộ nhưng gần như ngay lập tức, kế hoạch này bị thất bại. Thế nhưng khi triển khai Nghị quyết 32, chủ trương này lại được người dân ủng hộ nhiều nhất. Và cho đến nay, việc đội MBH khi tham gia lưu thông đã trở thành chuyện đương nhiên. Đây là sự thành công ngoài cả mong đợi của cơ quan chức năng.

Thế nhưng có một nghịch lý là trong lúc người dân chấp hành rất tốt, thì phía cơ quan Nhà nước đã tỏ ra lúng túng trong việc ban hành những văn bản hướng dẫn khi phát sinh những vấn đề liên quan đến MBH. Trong đó phải kể đến văn bản của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đưa ra mốc thời gian từ ngày 15-11-2008, MBH thời trang không được sử dụng. Khi khái niệm MBH thời trang ra đời, nhiều người dân bối rối trong việc xác định thế nào là MBH thời trang và Tổng cục này đã phải giải thích thế nào là MBH đạt chất lượng.
 
Chưa hết, mới đây, cơ quan này lại đưa ra thêm hướng dẫn về quy chuẩn trên MBH phải có chữ CR thay vì chữ CS và RS, cùng với các tiêu chí như MBH phải có logo của tổ chức chứng nhận, số giấy chứng nhận… Riêng với MBH được nhập về Việt Nam sau ngày 15-11-2008 phải có thêm dòng chữ “MBH dành cho người đi xe mô-tô, gắn máy”.

Theo giải thích của Tổng cục, lý do có dòng chữ này là tránh việc MBH dành cho người đi xe đạp lại dùng cho xe mô-tô hay xe gắn máy. Nói chung, sau mỗi lần có văn bản bổ sung như vậy, cơ quan chức năng đều đưa ra những lý lẽ hết sức thuyết phục. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng càng đưa ra văn bản bổ sung thì người dân càng thêm rối.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, khá nhiều người chẳng hiểu được chữ  CR, CS và RS là gì, hay loại MBH thời trang nào được đội, loại nào không. Thậm chí, việc đội MBH như thế nào cho đúng cũng ngoài khả năng của họ. Điều đáng nói nữa là theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, từ ngày 15-11-2008, quy định này sẽ có hiệu lực. Thế nhưng CSGT thành phố thì lại cho biết, chưa có thông tin này thì làm sao kiểm tra. Đó là chưa nói đến trường hợp nếu cơ quan CSGT có văn bản, nhưng chưa bổ sung vào Nghị định 146/2007 thì cũng không thể xử phạt được.

Tại Đà Nẵng, ngày 29-8, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố phải yêu cầu học sinh, sinh viên đi xe điện, xe đạp điện cũng phải đội MBH. Và mới đây nhất, Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố đã cụ thể hóa chỉ đạo này bằng việc xử phạt những trường hợp đi xe điện, xe đạp điện không đội MBH với các hình thức như cảnh cáo, ghi học bạ, thậm chí có thể buộc thôi học nếu vi phạm nhiều lần. Thế nhưng khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT-Công an thành phố lại khẳng định:

Quy định như thế nhưng không thể xử phạt được. Lực lượng CSGT chỉ xử phạt các trường hợp vi phạm được ghi trong Nghị định 146/2007. Ngay cả quy định đội MBH nhưng không cài dây của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất luợng và đội MBH thời trang, CSGT cũng nhắc nhở chứ không thể xử phạt do chưa bổ sung vào Nghị định 146/2007. Vì thế, học sinh vi phạm thì ngành Giáo dục-Đào tạo xử lý. Tìm hiểu vấn đề này ở Cục CSGT được biết, hiện nay cơ quan chức năng đang bổ sung những nội dung trên vào Nghị định 146/2007 của Chính phủ, nhanh nhất cũng phải giữa năm 2009 mới có thể áp dụng.

Có nhiều bất cập quanh chiếc MBH, vì kiểu ban hành văn bản sai đâu sửa đấy, sót đâu bổ sung đó mà không cân nhắc kỹ càng trước khi đưa ra áp dụng. Do vậy, những vướng mắc chung quanh chiếc MBH chưa đến hồi kết.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.