Mặc dù lực lượng công an đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc ngăn chặn, song tình trạng trộm cắp xe máy vẫn xảy ra khá nhiều và đang trở thành nỗi lo đối với người dân, nhất là thời gian gần đây xuất hiện những đường dây chuyên trộm cắp xe máy có quy mô lớn, hoạt động liên tỉnh.
Những vụ trộm bất ngờ
Xe máy - “miếng mồi ngon” mà bọn trộm cắp thường chú ý đến. |
Cách đây không lâu, chị Lê Thị Đông, trú phường Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn) đi thuê áo cưới, dựng xe máy trước cửa tiệm áo cưới số 213 đường Hoàng Diệu. Vào tiệm chưa đầy 5 phút thì phát hiện chiếc xe đã mất. Táo tợn hơn, tháng 4-2008, trong lúc để chiếc xe máy Sirius chạy rô-đa trên phòng khách, gia đình ông L. C. T, trú phường Hòa Thuận Đông (Hải Châu) cứ nghĩ đã an toàn, nên cả nhà ngồi ăn cơm ở dưới bếp mà không để ý. Đến khi nghe đứa cháu nội nói: “Xe của ông hết nổ nữa rồi”, cả nhà chạy lên xem, thì kẻ trộm đã đột nhập lấy xe từ lúc nào không hay.
Cần đề cao cảnh giác
Trước tình hình tội phạm trộm cắp xe máy hoạt động táo tợn như trên, thời gian qua, Công an các quận, huyện đã tích cực vào cuộc điều tra khám phá, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát đề phòng trộm cắp. Đầu tháng 5-2008, Công an quận Hải Châu thành lập chuyên án 345X, triệt phá thành công băng trộm cắp xe máy liên tỉnh, bắt giữ 15 đối tượng. Băng trộm này có đặc điểm chuyên trộm cắp chủ yếu hai loại xe Wave và Sirius trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, sau đó đưa vào miền Nam tiêu thụ.
Trong tháng 10-2008, Công an quận Thanh Khê đã triệt phá băng trộm có tên “Điếc câm hội”, với khoảng hơn 30 thành viên, do tên Huỳnh Nhựt cầm đầu. Theo bọn chúng khai nhận, đã gây ra 7 vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đáng lưu ý, các đối tượng gây ra các vụ án nêu trên hầu hết ở độ tuổi vị thành niên đã bỏ học. Hằng ngày, bọn chúng tụ tập tại các quán cà-phê, chia nhau đi tìm hiểu những gia đình không có người ở nhà hoặc đi làm sớm quên đóng cửa...
Qua đó, chúng lập kế hoạch đột nhập lấy những xe máy có giá trị lớn, sau đó gửi ở bãi giữ xe công cộng, gắn biển kiểm soát giả đem đi tiêu thụ. Đáng ngại hơn, chúng sử dụng cả xe máy vừa trộm cắp để đi cướp giật tài sản.
Một số đối tượng sau khi trộm được xe máy đã tìm cách tiêu thụ trong các tiệm cầm đồ. Ngày 7-11-2008, Công an quận Sơn Trà phối hợp với Công an phường Nại Hiên Đông kiểm tra dịch vụ cầm đồ của ông N. V. L, trú tổ 39 (Nại Hiên Đông), phát hiện tại đây có 42 chiếc xe máy được cầm cố nhưng giấy đăng ký xe không trùng khớp với chứng minh nhân dân của người cầm xe. Qua xác minh, có 2 xe là tài sản trộm cắp (gồm xe của anh Điểu, trú phường Thanh Bình (Hải Châu) và anh Nguyễn Quang Hưng, trú tổ 19, phường Hòa An (Cẩm Lệ) bị mất cắp trước đó), 8 xe có chủ, còn 32 xe đang được công an tiếp tục xác minh, làm rõ.
Thượng tá Dương Cảnh Mai, Chánh văn phòng Công an thành phố Đà Nẵng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trộm cắp xe máy xảy ra nhiều trong thời gian qua là do người dân thiếu cảnh giác, lơ là trong việc bảo vệ tài sản. Để ngăn chặn hiệu quả nạn trộm cắp, bên cạnh sự nỗ lực tuần tra, kiểm soát của lực lượng công an, người dân cần đề cao cảnh giác với bọn tội phạm trộm cắp xe máy, nhất là trong thời điểm áp Tết hiện nay.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN