.

Đi bắt hàng lậu

Những món hàng không hóa đơn chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không thừa nhận... nghiễm nhiên trở thành hàng lậu, nhưng đó là hàng “chết”. Dạng hàng “sống” mà cơ quan chức năng “bắt tận tay, vay tận cánh” không nhiều và không đủ sức để truy tố hình sự.

Âm ỉ hàng lậu

Buôn lậu trong những ngày cuối năm bao giờ cũng sôi động vì đây là thời điểm mà các chủ hàng tận thu được nhiều món hời nhất. Có thể nói, một tháng bằng cả một năm. Anh Huy, cán bộ hải quan chống buôn lậu trên biển thuộc Hải đội Kiểm soát Hải quan số 2 (Tổng Cục Hải quan) đóng tại Đà Nẵng nói: “Nói là bắt hàng lậu theo đúng nghĩa thì chỉ tịch thu được hàng chứ người thì chịu. Đối tượng buôn lậu nắm rất rõ hành vi buôn lậu, trong đó có quy định về hình thức xử lý và mức độ vị phạm. Do đó, nếu bị bắt, các chủ đầu nậu thường tìm cách trốn chạy, chấp nhận mất hàng”.

Riêng trong năm 2008, trên thị trường Đà Nẵng nổi lên một số vụ buôn hàng lậu bị tịch thu nhiều nhất, đó là thuốc lá. Theo số liệu cung cấp, chỉ tính trong hai đợt gần đây, đã có khoảng 180.000 bao thuốc lá các loại được thiêu hủy.

Đây là mặt hàng vận chuyển nhẹ và dễ tiêu thụ cho nên các chủ hàng tìm cách móc nối với các đầu nậu biên giới Việt – Lào, nhất là cửa khẩu Lao Bảo, con đường ngắn nhất về thị trường Đà Nẵng. Mới đây, ngày 2 và 3-12, lực lượng QLTT thành phố phối hợp với Công ty CP XNK Bình Tây, TP.HCM phát hiện và thu giữ hơn 200 máy tính casio bỏ túi.
 
Đem đến lợi nhuận cao không thể không nhắc tới mặt hàng điện thoại di động. Trong thời gian qua, hầu hết mặt hàng này bị thu giữ qua lời khai của chủ hàng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Số hàng này được tuồn qua các tỉnh phía Bắc, qua được các trạm kiểm soát và bằng mọi cách về được miền Trung. Nóng hơn là các loại băng đĩa lậu được in sao dưới nhiều hình thức, trong năm qua, đã có hơn 3.000 chiếc đĩa nhạc, 4.000 viên pin 9V bị tiêu huỷ.
 
Những mặt hàng này thuộc danh mục hàng không được phép tái sử dụng. Hàng chục lô hàng quần, áo may sẵn, vải, hàng chén bát đĩa, thuỷ tinh không rõ nguồn gốc đã bị thu giữ và được bán đấu giá, sung công quỹ Nhà nước theo đúng quy định.

Bắt hàng lậu như đi câu cá

Ông Trần Văn Đạm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị  trường (QLTT) Đà Nẵng cho hay: Dù bất cứ vào thời gian nào, khi đường dây nóng của Chi cục QLTT nhận được thông tin về hàng lậu đang trên đường “tuồn” vào thành phố, ngay lập tức, Ban chỉ đạo 127 thành phố cũng như lãnh đạo QLTT cử lực lượng QLTT theo dõi bám sát điểm xuất phát cũng như đường đi của hàng lậu.

Theo ông Đạm, đi bắt buôn lậu cũng giống như đi câu cá, hôm được, hôm không. Mặc dù, thông tin từ cơ sở cung cấp đầy đủ chi tiết về đường đi của hàng lậu, thậm chí còn biết được trên xe đó trở những mặt hàng gì. Thế nhưng, khi phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) dừng xe để kiểm tra thì hàng lậu đã được phi tang. Một cán bộ trong Đội QLTT số 2 kể:

Đầu năm 2008, khi Đội QLTT số 2 “bắt” tín hiệu được xe ô tô BKS 29Y-4619 đang chạy theo hướng Bắc-Nam, Sau khi phát lệnh dừng kiểm tra, nhìn bên ngoài xe không có gì đặc biệt nhưng bên trong giấu gần 20.000 bao thuốc Zet nhập lậu. Nhiều hôm trời mưa gió, nhận được lệnh là anh em lên đường, có lúc phải thức trắng đêm để rình phục, bắt được thì dù mệt, khó khăn vất vả bao nhiêu, anh em cũng thấy phấn khởi, còn không thì sự mệt mỏi tăng gấp bội. Theo cán bộ này, thủ đoạn cất giấu hàng lậu rất đa dạng. Chẳng hạn, hàng lậu được trà trộn với hàng thật, được cất giấu vào cả xe đông lạnh có niêm phong đàng hoàng...

Với thủ đoạn buôn lậu ngày một tinh vi, để bắt được một vụ buôn lậu không phải đơn giản. Đối tượng buôn lậu lại có trăm phương, ngàn kế để “qua mặt” lực lượng chức năng. Ngày đêm chúng luôn tổ chức người theo dõi, giám sát chặt chẽ từng cử chỉ, hành động của các cơ quan chức năng. Thông thường, các chủ đầu nậu thường chọn giờ nghỉ, giao ban của lực lượng CSGT, hoặc lợi dụng đêm tối để “đánh nhanh rút gọn”.
 
Muốn “bắt” buôn lậu đạt kết quả, từng vụ việc phải lập phương án,  kế hoạch tỉ mỉ; cử lực lượng kiên trì đeo bám, rình phục trong mọi hoàn cảnh, điều kiện; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác để dừng phương tiện kiểm tra, bắt, thu giữ hàng hoá. Hiện nay, khó khăn nhất đối với lực lượng chức năng trong việc bắt hàng lậu đi qua hoặc vào thành phố lại gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử, nếu lực lượng QLTT xác định được hàng lậu trên xe nhưng lúc đó không có CSGT để phối hợp dừng xe thì QLTT cũng đành bó tay. Nhiều trường hợp, khi  khi phát hiện đối tượng buôn lậu, CSGT ra lệnh dừng phương tiện để kiểm tra, đối tượng vờ cho xe giảm tốc độ, rồi bất ngờ tăng ga chạy trốn.

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu đạt hiệu quả, đặc biệt trong những thời điểm cận Tết, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát, đồng thời phối hợp tốt giữa lực lượng CSGT và QLTT trong việc kiểm tra các đối tượng vận chuyển hàng lậu bằng đường bộ đi qua địa phân thành phố Đà Nẵng.

 XUÂN DUYÊN 

;
.
.
.
.
.