.

Cuối năm, lại rầm rộ khai thác cát

.

Trong tháng cuối cùng của năm, các công trình xây dựng càng đẩy nhanh tiến độ thi công, “đội quân” ghe thuyền khai thác cát trên sông thuộc huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn càng ra sức hoạt động.

“Công trường” trên sông

Kẻ xúc người đổ, khẩn trương y như một công trường trên sông.

Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn khai thác cát trên sông, ông Trần Văn Hóa - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong lắc đầu: “Gần tháng nay, ghe ở các xã lân cận chạy lên sông Túy Loan ồ ạt. Có thể họ (những người khai thác cát - P.V) tranh thủ cuối năm lấy cát bỏ cho các công ty, xí nghiệp để ứng tiền tiêu Tết, hoặc để dồn ra giêng bán”. Cát Túy Loan là loại cát đẹp, nên vùng sông này nghiễm nhiên trở thành tâm điểm của mấy chục chiếc ghe từ khắp nơi đổ về.

Ngồi trên chuyến tàu du lịch của ông Đặng Văn Hòa ngược dòng Hàn giang lên Hòa Thọ Đông, Hòa Phong, Hòa Nhơn rồi vòng về Ngũ Hành Sơn, chúng tôi ước tính khoảng 50 chiếc ghe chở cát hoạt động hết công suất. Ghe tập trung thành từng nhóm chục chiếc, chở cát vừa hút tấp lên bờ sàng lọc.

Ghe tấp nập ra vào, kẻ xúc, người đổ rầm rộ y như một công trường trên sông. Nhiều chiếc chở cát nặng đến độ nước tràn cả vào be ghe, mũi ghe sắp chạm mặt nước. Trong khi mọi người đi chung tàu du lịch với chúng tôi đều há hốc vì sợ ghe cát chìm, những người trên đó vẫn tỉnh bơ, quay ống bơm cho nước thoát ra. Đa số ghe đều hút từ vài nơi cố định, rồi chở về đổ ở điểm tập kết dọc hai bên bờ.

Có chiếc “hoành tráng” hơn, bắt một đầu ống hút cát từ lòng sông, đầu ống kia chĩa lên bờ (đường kính khoảng 40cm – P.V), từ đó cát tha hồ chảy ngược mà không phải tốn công chuyên chở. Ông Đặng Văn Hòa, người đi lại hằng ngày trên vùng sông nước này khẳng định: “Hút liên tục từ 3 - 4 giờ sáng. Buổi sáng công an tới, họ bỏ đi uống cà-phê hết rồi”.

Cũng theo ông, việc hút cát dữ dội làm lòng sông hẵm sâu, rất nguy hiểm cho ghe thuyền qua lại. Không chỉ thế, bà Phùng Thị Dầu, trồng rau sạch ở tổ 29 Hòa Thọ Đông than phiền: “Họ hút cát dữ quá làm lở cả bờ. Hai năm nay, nước ăn vô hơn chục mét. Còn trước kia (khi tình trạng khai thác cát chưa ồ ạt), mỗi năm nước chỉ ăn vô từ 1-3 mét thôi”. Ông Trần Văn Hóa còn tính toán được khoảng 1ha đất màu của xã Hòa Phong đã mất do cát bị hút, và dự đoán diện tích đất sẽ tiếp tục bị ăn mòn vào những mùa lũ sau.

“Ông ngon thì xuống đây” (?!)

Khai thác cát trên sông đã không còn là chuyện lạ, nhưng lại chưa bao giờ được giải quyết tận cùng. Một cán bộ của UBND huyện Hòa Vang ngán ngẩm: “Chừng nào còn xây dựng, chừng đó cát vẫn bị hút, sông cứ bị xói lở”. Nhiều biện pháp được các địa phương ráo riết áp dụng như lập biên bản, thu ghe, thu máy, phạt hành chính... vẫn không làm chùn bước đội quân hùng hậu kia. “Bắt phạt tiền thì họ liều đưa mình không ra đó, thấy dân nghèo, chúng tôi cũng không nỡ.

Nhiều khi họ quăng máy bỏ chạy, sau lại tiếp tục hành nghề”, cán bộ trên nói. Bà Phùng Thị Dầu bức xúc: “Tụi tui chạy lên phường báo, cán bộ xuống cắm bảng cấm, nhưng làm chi cản được họ”. Cuộc đuổi bắt giữa ngành chức năng và chủ ghe cát, theo ông Hóa là cuộc truy đuổi không hồi kết.

Ông kể: “Có lần, tôi và công an, dân phòng ở trên ghe, phát hiện ghe hút cát, họ không sợ còn rồ máy đâm thẳng làm bể cả ghe chúng tôi”. Mấy ngày trước, những chủ ghe cát còn đứng xa xa thách thức cán bộ: “Ông ngon thì xuống đây”. Cán bộ vừa quay lưng, họ cũng quay ghe thản nhiên hút cát.

Cách đây khoảng 1 tháng, xã Hòa Phong điều dân phòng ra sông trực chiến để bắt tại trận. Nhưng sau vài ngày thức canh, nằm ngoài trời mưa gió, chịu không thấu, dân phòng đành rút quân. Ông Hóa đưa ra khó khăn: “Không đủ người và kinh phí nên khó kiểm soát thường xuyên, trong khi lượng ghe hút cát rất đông, có cả những ghe không số ở những vùng khác tới. Thêm nữa, số tiền phạt mỗi lần chỉ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng là không đủ sức răn đe. Họ chấp nhận chịu phạt rồi đâu lại vào đấy”.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.