“Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện Thư kêu gọi đầu thú (KGĐT) trong dịp Tết Nguyên đán đối với những đối tượng phạm tội có lệnh truy nã, đem lại hiệu quả khả quan. Qua đó, đến nay, đã có nhiều địa phương trong cả nước thực hiện theo mô hình có ý nghĩa này, góp phần không nhỏ cho công tác điều tra, khám phá…”, Đại tá Nguyễn Đình Chính - Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết.
Một đối tượng phạm tội bị cơ quan công an đọc lệnh bắt. |
Trung tá Trần Phước Hương - Phó Chánh Văn phòng, Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: Từ năm 2005, khi triển khai Thư KGĐT trong dịp Tết Nguyên đán, đến nay, mỗi năm có đến vài chục đối tượng ra đầu thú dịp Tết. Bởi lẽ, ra đầu thú trong dịp Tết, gia đình được bảo lãnh đối tượng về ăn Tết tại nhà. Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp mà được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc giảm án, được đặc xá… Đây là cơ hội tốt nhất để những người lầm lỗi làm lại cuộc đời, sớm trở về với gia đình và xã hội, bởi lẽ đối tượng nếu tiếp tục lẩn trốn, phạm tội mới, khi bị bắt sẽ xử lý nghiêm khắc trước pháp luật.
Hằng năm, cứ đến dịp Tết, Thư KGĐT sẽ gửi về tận từng gia đình, người thân có đối tượng truy nã. Song song với nhiệm vụ này, lực luợng công an tiếp tục tuyên truyền đến nhân dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng, panô dán ở trụ sở UBND các cấp, các khu dân cư, nơi công cộng… để người thân và chính các đối tượng bị truy nã được tiếp cận, hiểu và hưởng ứng sự khoan hồng của Nhà nước mà ra đầu thú.
Lật từng trang sổ nhật ký các đối tượng bị truy nã ra đầu thú trong dịp Tết Nguyên đán, Trung tá Nguyễn Ái - Cán bộ phụ trách công tác truy nã thuộc Phòng Tham mưu tổng hợp cơ quan CSĐT không giấu nổi sự vui mừng với từng con số, cái tên. Trung tá Ái cho rằng, trong dịp Tết mỗi lần tiếp nhận các đối tượng ra đầu thú, không chỉ người thân, gia đình mà hầu hết các cán bộ công an đều cảm thấy vui. Bởi, đối tượng đã nhận thức được hành vi phạm tội, hơn nữa giảm tải công việc cho cơ quan CSĐT… Trung tá Ái nhớ lại: Tết năm 2005, từ ngày phát Thư KGĐT (1-1-2005), thì đến ngày 19-1-2005, đối tượng có lệnh truy nã về tội “Cố ý gây thương tích” đã ra đầu thú đầu tiên. Lúc đó ai cũng thấy phấn khởi vì Thư KGĐT đã phát huy hiệu quả. Đến bây giờ, hầu như Tết năm nào cũng có đối tượng bị truy nã tự ra đầu thú.
Đối tượng Lê Thị Hường (1965), trú tỉnh Quảng Trị, phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau 14 năm bị truy nã, dịp Tết 2007 Hường ra đầu thú và được hưởng chính sách miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Nguyễn Văn Vinh, trú tỉnh Nghệ An, phạm tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” cũng ra đầu thú dịp Tết 2007 sau hơn 10 năm lẩn trốn. Sau khi đầu thú, Vinh được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì xét thấy tính chất nguy hiểm không còn. Đặc biệt, đối tượng Vũ Đình Cường (1988), trú xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, là đối tượng phạm tội nguy hiểm.
Tuy nhiên, sau khi phát lệnh truy nã đầu tháng 1-2008, Cường đã tiếp cận với Thư KGĐT và ra đầu thú ngay sau đó hơn 1 tháng. Khi xét xử, nhờ vào tình tiết tự đầu thú mà Cường được giảm nhẹ hình phạt… Có thể thấy, được tiếp cận Thư KGĐT và chọn con đường ra tự thú trước cơ quan công an, các đối tượng có lệnh truy nã đã tự mở lối thoát cho mình để được pháp luật khoan hồng, nhanh chóng trở về hòa nhập cùng cộng đồng…
Hiệu quả thiết thực đem lại từ Thư KGĐT trong những năm qua đã được nhiều cấp, ngành đánh giá cao. Tại buổi làm việc với Công an thành phố mới đây, Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đánh giá cao và dự kiến sẽ áp dụng rộng rãi mô hình này trong cả nước…
NGỌC PHÚ