.

Tăng cường công tác quản lý đối tượng sau cai nghiện

.

Những năm gần đây, tình trạng người nghiện ma túy sau khi cai nghiện tập trung trở về hòa nhập cộng đồng rồi tái nghiện xảy ra khá nhiều và đang có chiều hướng tăng lên. Đây thật sự là vấn đề nhức nhối đối với nhiều gia đình cũng như toàn xã hội.

Nhiều lý do để tái nghiện

Học viên cai nghiện ma túy ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06.

Sau khi cai nghiện lần 1 tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06, tháng 9-2005, học viên Ng. V. Th. (31 tuổi), trú phường Tân Chính (Thanh Khê) trở về địa phương sinh sống và được chính quyền cho vay vốn 7 triệu đồng để làm ăn. Công việc làm nghề giày dép thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình hạnh phúc đã giúp anh Th. đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Thế nhưng, năm 2007, hai vợ chồng dắt nhau vào thành phố Hồ Chí Minh làm ăn thì mọi chuyện đã thay đổi hẳn. Tại đây, Th. gặp lại “chiến hữu” cũ, vậy là họ lại tụm năm, tụm bảy chích hút. Và Th. đã tái nghiện…

Lý do tái nghiện của học viên Đ. Ng. H. (46 tuổi), trú phường Vĩnh Trung (Thanh Khê) thì khác. Sau khi cai nghiện lần 1 trở về, mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên quản lý, theo dõi, nhưng sau một thời gian nhàn rỗi, anh H. lại tìm đến “nàng tiên nâu” để… giải buồn. Nói về việc tái nghiện của mình, anh H. tỉnh bơ: “Mình thích thì chơi, chứ chẳng ai ép cả. Nghiện ngập hay không là do chính bản thân mình”.

Học viên Ph. Th. S. (30 tuổi), trú phường Hòa Cường Bắc (Hải Châu) kể: Trước đây, S. làm nghề tài xế xe tải, thu nhập hằng tháng 3 triệu đồng. Nhưng chỉ vì nghe bạn bè rủ rê, năm 2003, S. thử chơi heroin và nghiện luôn từ đó. Từ năm 2004 đến năm 2006, sau khi cai nghiện lần 1 xong, S. về địa phương tiếp tục làm nghề lái xe, nhưng khốn nỗi, mỗi lần ra đường, gặp “chiến hữu” cũ cứ rủ rê, và rồi, cuối cùng S. không cưỡng lại được lòng mình… Năm 2007, S. tái nghiện. Nhìn chung, khi được hỏi, đa số học viên tái nghiện tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 đều cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tái nghiện là do ý thức của bản thân.

Cần quản lý chặt hơn

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06, những năm gần đây, tình trạng học viên tái nghiện có chiều hướng gia tăng. Năm 2007, trong số 145 học viên cai nghiện tại trung tâm, thì có 50 người tái nghiện lần 1; 23 người tái nghiện lần 2 và 4 người tái nghiện lần 3 trở lên. Năm 2008, có 317 học viên cai nghiện thì 81 người tái nghiện lần 1, 48 người tái nghiện lần 2 và 6 người tái nghiện lần 3 trở lên. Hiện nay, trung tâm đang quản lý 306 học viên cai nghiện ma túy, trong đó, 103 người tái nghiện lần 1, 53 người tái nghiện lần 2 và 19 người tái nghiện lần 3 trở lên.
 
Số liệu thống kê cũng cho thấy, hai địa phương có số người nghiện nhiều nhất là quận Hải Châu và Thanh Khê. Nói về hiệu quả của phương pháp cai nghiện ma túy, ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 khẳng định, sau khi cai nghiện tại trung tâm, học viên trở về cộng đồng sẽ hoàn toàn khỏe mạnh như một người bình thường, không còn cảm giác thèm thuốc nữa. Như vậy, việc tái nghiện là do ý thức của đối tượng, và một phần do công tác quản lý của gia đình và địa phương.

Tìm hiểu công tác quản lý đối tượng sau cai nghiện tại địa phương, ông Lê Việt Phương, cán bộ chuyên trách Văn hóa-Xã hội phường Hải Châu 2 (Hải Châu) cho biết, trong hai năm 2007 và 2008, toàn phường có 6 trường hợp tái nghiện. Hiện nay, trên địa bàn phường có 21 đối tượng đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng. Để quản lý, chống tái nghiện, phường đã tạo điều kiện cho các đối tượng vay vốn làm ăn, tổ chức sinh hoạt trong “Câu lạc bộ niềm tin sau cai”; cử cảnh sát khu vực, cán bộ các cấp hội đoàn thể thường xuyên động viên, giúp đỡ…

Ông Lê Kim Khánh, Chi cục phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, để công tác quản lý, chống tái nghiện đạt hiệu quả, cần có sự phân công rõ ràng trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể địa phương; qua đó, kịp thời nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh sống của các đối tượng sau cai nghiện để có hình thức giúp đỡ phù hợp. Mặt khác, thường xuyên tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội và người nghiện về tác hại ma túy. Không nên phân biệt đối xử, kỳ thị với người sau khi cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ đối tượng, nắm rõ các mối quan hệ xã hội của đối tượng, từ đó có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Bài và ảnh: HÒA KHÁNH

;
.
.
.
.
.