.

Cảnh giác với các trò lừa đảo

.

Khi những cú lừa xưa như trái đất đã không còn qua mặt được ai, các tay bợm trợn đã “sáng tạo” ra những hình thức lừa đảo mới rất tinh vi, khiến cho những người lâu nay vốn kỹ tính cũng phải khóc ròng.

Chỉ còn biết bấm bụng làm khuây

Cảnh giác luôn  là không thừa đối với các hộ kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Một người đàn ông đến đề-pô vật liệu xây dựng của anh T. ở quận Hải Châu mua 2 tấn xi-măng, trả tiền mặt rẹt rẹt rồi bảo giao hàng tận nhà. Xe chở xi-măng đến đúng địa chỉ thì thấy một ngôi nhà đang xây dựng rất chi “hoành tráng”. Khoảng tuần sau, người đàn ông đó lại đến hỏi mua tiếp 10 tấn xi-măng, nhưng chỉ trả tiền 2 tấn, bảo cứ giao hàng đi rồi mai sẽ trả đủ tiền.

Qua ngày mai, anh T. trực tiếp đến lấy tiền mới tá hỏa khi thấy trong nhà không ai có tên như ghi trên hóa đơn bán hàng. Hỏi ra, trước sau 12 tấn xi-măng đó vừa bốc xuống khoảng mười phút là đã có xe khác tới bốc đi. Công nhân xây dựng trong nhà không ai để ý vì nghĩ đó là chuyện ngoài đường. Cú lừa “mượn bãi đáp công trình” này, tuy không mới mẻ gì nhưng vẫn có không ít người đành bấm bụng làm khuây vì bị mắc lỡm.

Một trong những nguyên nhân xưa như trái đất khiến các vụ lừa đảo diễn ra theo như “kịch bản” của kẻ gian là chúng biết khơi gợi một cách tài tình lòng tham của nạn nhân.

Nghe bà H. ở quận Liên Chiểu định bán nhà, một tay cò nhà đất dẫn một người tới xem. Sau khi dạo một vòng, khách ngả giá 400 triệu đồng, đặt cọc 50 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận ra công chứng làm mọi thủ tục, hẹn ngày trả tiền, nhận nhà. Mấy hôm sau, một cò khác dẫn một người khác đến xem nhà bà H. và trả giá 600 triệu đồng. Bà nói nhà đã làm giấy bán rồi thì khách bảo: “Bà cứ ra công chứng hủy giấy cũ, làm giấy mới, chứ cái nhà to đùng như thế này mà ai lại phỉnh mua giá quá bèo!”. Nói rồi, khách ứng trước cho bà 10 triệu đồng, bảo bà đi công chứng.

Khi bà mang giấy tờ về, khách xem qua rồi hẹn mai tới chồng tiền. Nhưng hôm sau, người đến chồng tiền, nhận nhà là người khách đầu tiên. Bà nói không bán nhà nữa và vui vẻ đền gấp đôi tiền đặt cọc cho anh này. Nhưng rồi bà chờ mãi vẫn không thấy người khách thứ hai đến, gọi điện thoại thì... ò í e! Chuyện đến đây, có lẽ ai cũng đoán ra: cả hai người mua nhà này đều nằm trong một nhóm lừa đảo siêu hạng. Bà H. tưởng đâu vớ bở được 150 triệu đồng, nhưng lại bị kẻ gian “móc túi” ngon ơ 40 triệu!

Những kiểu lừa ở chợ

Tội phạm lừa đảo thường chọn chợ làm địa bàn hoạt động.

Dân gian xứ Quảng còn truyền câu chuyện Thủ Thiệm xưa đi mua quần mà không… mặc quần. Thời nay có cô gái cũng tương kế tựu kế làm một vố như thế. Cô đến một quầy hàng bán đồ lót phụ nữ ở chợ Hòa Khánh mua cái nịt ngực, bà chủ đưa ra 3 cái cho cô thử. Xong, cô chỉ trả lại 2. Chủ hỏi: Còn cái nữa đâu rồi, cô trả tiền đi. Cô gái lý sự: Tôi có mua đâu mà trả tiền. Chủ giữ cô lại, thông báo với Ban quản lý chợ. Một bảo vệ nữ mời cô vào, sau một hồi trao đổi, cô gái vẫn khư khư “tôi thế này vô lẽ ra đường mà không mang nịt ngực à?”.

Chị bảo vệ chứng minh rằng cái nịt ngực cô đang mang trên người là vừa lấy ở quầy: đường kim mũi chỉ còn mới, chưa qua giặt giũ, nhãn mác vẫn còn nguyên. Qua đấu tranh bằng nghiệp vụ chuyên môn của chị bảo vệ, cuối cùng cô gái khai là sinh viên một trường đại học gần đó, năn nỉ xin được giấu tên, không thông báo về trường và tất nhiên chịu trả tiền chiếc nịt ngực.

Mới đây, cũng ở chợ Hòa Khánh, một thanh niên mang một số quần áo cũ đến bán cho chị bán đồ bành bên hông. Hôm sau có một người khác tới đòi lại số hàng đó, nói là đồ của nhà mình bị mất trộm và mô tả rõ kích cỡ, nhãn mác từng loại. Nghe chuyện, Ban quản lý chợ mời vào làm việc, xét thấy đây là hành vi tiêu thụ tài sản do trộm cắp mà có, buộc chị bán đồ bành phải trả hàng lại cho chủ sở hữu. Anh ta bảo, đồ này đã bị trộm đưa ra chợ rồi, muốn bán luôn cho chị đồ bành để lấy tiền mua đồ mới. Thế là chị đành phải trả tiền 2 lần cho một món hàng!

Cảnh giác vẫn là phương án tối ưu

Chuyện trên kết thúc không có hậu, theo ông Nguyễn Trà, Trưởng ban Quản lý chợ Hòa Khánh: “Sau đó, nhân viên bảo vệ chợ phát hiện có 2 đối tượng gặp nhau nói chuyện đồ bành trong một bàn nhậu ở chợ đêm. Xâu chuỗi lại, mới hay cả hai đã thông đồng “gài độ” hại chị bán đồ bành. Biết, nhưng đành chịu, không sao xử lý được, chỉ thông báo thủ đoạn của chúng lên loa để cảnh giác”.

Tội phạm lừa đảo thường chọn chợ làm địa bàn hoạt động. Những ngày lễ lạt, Tết nhất, kẻ gian trà trộn vào đám đông, chờ cơ hội là trổ các ngón nghề. Ông Lê Tất Hưởng, đội trưởng Đội quản lý chợ Cẩm Lệ cho biết, vào những ngày cao điểm, đội liên tục công bố số điện thoại đường dây nóng lên loa phát thanh để “răn đe” tội phạm.

Chợ cũng là mảnh đất màu mỡ để các hình thức chơi biêu, hụi phát triển. Kinh doanh ở chợ thường mang tính đột xuất, trước tiểu thương có thể nhận hàng bán trả chậm, nay phải mua đứt bán đoạn. Cần tiền, các hộ phải vay nóng với lãi suất cao, mà lãi suất cao thì kinh doanh không hiệu quả. Buôn bán khó khăn, nên một số hộ đã chuyển hướng từ kinh doanh sang chơi biêu hụi. Các vụ bể hụi xảy ra ở Đà Nẵng năm qua là hậu quả của việc các người bị hại chỉ thấy lãi suất quá hấp dẫn mà không đề phòng rủi ro.

Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng (Sở Thương mại) cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Sacombank đã cho tiểu thương ở các chợ vay ngắn hạn, trả vốn và lãi từng ngày với lãi suất thấp hơn biêu hụi. Tuy nhiên, mới đây, một phần do khủng hoảng tài chính, một phần lo lắng khả năng thu hồi vốn vay, Sacombank đã cắt hợp đồng tín dụng đối với một số hộ tiểu thương ở các chợ.

“Đây là kênh rất quan trọng, giúp hạn chế đáng kể các vụ lừa đảo qua hình thức biêu hụi. Chúng tôi sẽ đăng ký làm việc với lãnh đạo Chi nhánh Sacombank tại Đà Nẵng để nối lại việc giải ngân cho tiểu thương, tạo điều kiện cho bà con yên tâm kinh doanh” - ông Ba lạc quan.

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.