.

Những mánh lừa mới

.

Khi những hành động cướp giật trên đường phố, đột nhập vào nhà dân và cơ quan, công sở lấy cắp tài sản đã bị lực lượng công an phát hiện và trấn áp thì bọn  tội phạm lại tung ra những chiêu lừa  mới,  đánh vào sự mất cảnh giác của người dân.

Những đối tượng móc túi thường trà trộn ở những khu vực đông người trong bệnh viện để thực hiện hành vi gian lận. (Ảnh minh họa)

Cho đến bây giờ, chị T., trú tại quận Thanh Khê vẫn chưa quên chuyện xảy ra cách đây gần một tháng. Chị kể, khi ấy khoảng 12 giờ trưa, có hai thanh niên đi trên chiếc xe Wave tìm tới tiệm cầm đồ để cầm xe. Nghe tiếng gõ cửa, chị T. bước ra, một người thanh niên ngồi sau bước xuống nói: “Chị cho em hỏi xe này cầm bao nhiêu tiền? Bà chị em đang nằm bệnh viện nên em cần cầm gấp”. Nhìn hai người thanh niên dáng dấp thư sinh, ăn mặc khá lịch sự, nói năng nhẹ nhàng khiến bà chủ tiệm cầm đồ mất cảnh giác.

Chưa nhìn kỹ chiếc xe để định giá thì người thanh niên tiếp lời: “Hay em gửi tạm xe ở đây. Chị đưa em 1 triệu đồng để em vô bệnh viện gấp”. Chị T. chưa biết xử lý thế nào thì người thanh niên tiến sát người chị và giật phăng sợi dây chuyền vàng tây trị giá gần 10 triệu đồng đeo trên cổ. Nhanh như chớp, tên tội phạm vọt lên xe đồng bọn và chạy mất.

Nếu như những thủ đoạn hỏi thăm đường, làm quen trên đường tập thể dục, xách đồ giúp những người già khi đi chợ đã cũ thì bọn tội phạm cướp giật tài sản chuyển qua chiêu mới là bám theo những cô gái trẻ đi một mình trên đường phố để tán tỉnh, lợi dụng thời cơ thuận lợi chúng ra tay thực hiện hành vi cướp giật điện thoại, ví tiền. Gần đây, bọn tội phạm vào các bệnh viện lợi dụng sự mệt mỏi, thiếu cảnh giác của người bệnh và người nhà bệnh nhân để trộm cắp tài sản.

Chỉ tính riêng Bệnh viện Đà Nẵng, trong năm 2008 đã xảy ra 5 vụ mất cắp ở một số khoa, phòng điều trị, nhất là các khu vực có đông người bệnh và người thăm bệnh ra vào. Bọn trộm cắp thường giả làm người nuôi bệnh, lấy cắp quần áo người bệnh để đóng giả bệnh nhân, trà trộn vào các khu vực đông người, xác định những người giữ tài sản có giá trị như tiền, vàng, điện thoại di động để tìm cách tiếp cận, theo dõi, chờ cơ hội thuận lợi lấy cắp.

Thời gian qua, có nhiều đối tượng phạm tội trộm cắp, lừa đảo bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ và truy tố trước pháp luật. Mặc dù luôn được cảnh báo, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, thậm chí thờ ơ trước tài sản mình đang mang. Qua khám phá nhiều vụ án, lực lượng Công an cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trộm cắp và lừa đảo liên tục xảy ra trong thời gian qua, một phần do người dân chưa đề cao cảnh giác, có ý thức phòng chống tội phạm.
 
Trong khi đó, tội phạm thường xuyên sử dụng những mánh lừa mới, chủ yếu đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin của người dân. Vì thế, để phòng chống tội phạm trộm cắp, cướp giật có hiệu quả, mọi người dân ngoài việc chủ động đề phòng cho bản thân, cần phát huy tinh thần tố giác tội phạm, đoàn kết, nhắc nhở nhau trong việc cảnh giác, bảo vệ tài sản cá nhân và tập thể.

 

Theo các cơ quan chức năng, hiện nổi lên tình trạng một số tội phạm lợi dụng sự cả tin, không biết ngoại ngữ, tin học của nhiều người dân để thực hiện hành vi lấy tiền thông qua thẻ ATM. Thủ đoạn của chúng là dùng điện thoại di động gọi vào số máy nào đó để mời tham gia mua hàng do công ty chúng đang khuyến mãi.

Sau đó báo cho người này biết đã trúng thưởng với số tiền lớn, muốn nhận được số tiền này cần phải có trong tài khoản thẻ ATM giá trị hàng chục triệu đồng trở lên rồi hướng dẫn cho họ thao tác trên máy. Do không biết ngoại ngữ và hệ thống giữ tiền qua thẻ, những người này đã chuyển tiền vào thẻ bọn tội phạm ở một tài khoản ATM khác. Ngay lập tức, số tiền này đã bị rút ra và việc liên lạc cũng bị cắt đứt vĩnh viễn.

 

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.