.

Tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp

.

Hiện nay, hoạt động tội phạm kinh tế tại thành phố Đà Nẵng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tính từ đầu tháng 12 năm 2007 đến cuối tháng10-2008, Công an thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận xử lý 62 nguồn thông tin, điều tra làm rõ 9 vụ phạm tội về kinh tế, bắt 14 bị can.

Một đối tượng phạm tội trong lĩnh vực kinh tế phải ra hầu tòa trong năm 2008.

Tội phạm kinh tế trong thời gian qua diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên là tội phạm lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đột nhập tài khoản, trộm cắp tại ngân hàng, tội phạm rửa tiền...

Điển hình, ngày 17-7-2008, Công an quận Liên Chiểu nhận được tin báo của vợ chồng bà Trương Thị Mai Thanh và ông Nguyễn Văn Tịnh, trú tổ 13, phường Hòa Khánh Bắc có vụ xiết nợ. Qua điều tra được biết, nguyên nhân là bà Trương Thị Mai Thanh đã vay của 7 người và làm chủ biêu hụi của 126 người khác, sau đó chiếm đoạt tài sản của họ với số tiền hơn 30 tỷ đồng từ tháng 1-2007 đến tháng 5-2008.

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Nguyễn Quỳnh Mỹ Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Bội (đường Nguyễn Tri Phương) xảy ra vào giữa năm 2008 cũng làm cho hàng chục người dân hoang mang. Cũng với hình thức lợi dụng sự quen biết, quan hệ buôn bán làm ăn, bà Ngọc đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Sau một thời gian khẩn trương xác minh, thu thập tài liệu, ngày 30-7, Công an Đà Nẵng bắt tạm giam bà Mỹ Ngọc về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Được biết, cho đến thời điểm bị bắt, cơ quan Công an đã thu thập được những chứng cứ ban đầu xác định có 8 nạn nhân đã bị bà Mỹ Ngọc thực hiện hành vi lừa đảo với số tiền gần 100 tỷ đồng...

Cũng trong năm 2008, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xuất hiện loại tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia. Theo Công an Đà Nẵng, từ ngày 20-9-2008, Phòng An ninh kinh tế (PA17) đã phát hiện một người có quốc tịch Mozambique đến chi nhánh một ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng mở cùng lúc 2 tài khoản. Chỉ sau một thời gian rất ngắn đã có người chuyển hơn 4 tỷ đồng vào tài khoản trên. Đáng chú ý là đối tượng lập tài khoản gấp gáp xin rút tiền.

Phòng PA17, Công an thành phố Đà Nẵng phối hợp với A17, Bộ Công an, và PA17, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an Bà Rịa - Vũng Tàu điều tra xác minh. Qua đó, các lực lượng chức năng biết được nguồn gốc của việc rút tiền này là từ chỗ đổi 295.650 bảng Anh tại một ngân hàng khác. Lực lượng Công an đã tạm giữ khẩn cấp đối tượng làm thẻ và rút tiền là Baggio Carlitos Linska (sinh năm 1971, quốc tịch Mozambique) tại thành phố Hồ Chí Minh.
 
Qua xác minh, nguồn tiền trên do các đối tượng đánh cắp từ một tài khoản nước ngoài, chuyển vào Việt Nam tại 2 Chi nhánh ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu...  Được biết, đây là vụ án rửa tiền xuyên quốc gia đầu tiên ở Việt Nam đã được phát hiện, xác định rõ nguồn gốc xuất xứ tiền phạm pháp và bắt được đối tượng...

Công an quận Liên Chiểu bắt đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản năm 2008.

Bên cạnh đó, năm 2008, tình hình trộm cắp đột nhập ngân hàng lấy cắp tài sản cũng gia tăng. Điển hình, rạng sáng ngày 29-2-2008, Phòng giao dịch Cẩm Lệ thuộc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Hàng hải (MaritimeBank) tại Đà Nẵng (đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu) bị kẻ trộm cạy cửa đột nhập lấy cắp tài sản.
 
Tiếp đó, rạng sáng ngày 10-10-2008, Phòng giao dịch số 2 Hòa Khê, Chi nhánh Ngân hàng Vietinbank quận Liên Chiểu (đường Điện Biên Phủ) đã bị kẻ gian đột nhập. Tại hiện trường, cửa sắt bị phá, cửa kính bị đập vỡ. Qua kiểm tra ban đầu, ngân hàng bị mất 4 màn hình máy tính LCD cùng một số vật dụng, chủ nhà bị mất 1 điện thoại, 1 ví tiền và hơn 5 triệu đồng tiền mặt...

Bước vào năm 2009, tội phạm kinh tế có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Trung tá Lâm Cao Luynh – Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Trưởng phòng PC15 cho biết, do tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới và khu vực, năm 2009, các loại tội phạm về kinh tế sẽ còn diễn biến phức tạp như tội phạm ngân hàng, tham ô, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, biêu hụi, gian lận thương mại, trộm cắp…

Từ đầu năm đến nay, Công an thành phố đã phát hiện và bắt giữ 5 vụ phạm tội liên quan đến tội phạm kinh tế. Để phòng tránh hiệu quả, Trung tá Lâm Cao Luynh cho biết, người dân cần cảnh giác, đặc biệt khi giao dịch cho vay theo hình thức lãi suất cao; các ngân hàng cần tăng cường bảo vệ, nâng cao nghiệp vụ về công nghệ nhằm bảo vệ tài sản của mình…

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.