.
VẤN ĐỀ BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Báo động từ súng đồ chơi

.

Từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu đến nay, nhiều học sinh (HS) ở các trường từ tiểu học, THCS đến THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thường đem đến lớp những khẩu súng, cung đồ chơi y như thật, có tầm bắn xa, mạnh, “sát thương” đau, bên cạnh đó còn có cả kiếm, dao găm…

Hội chứng head soft…

Súng đồ chơi dành cho học sinh THPT

Đây là một loại game hành động gần đây được tường thuật trên truyền hình, giữa hai đội chơi. Một đội được đóng vai hững kẻ khủng bố, gài bom vào mục tiêu; một đội đóng vai là đặc nhiệm tấn công vào trụ sở bọn khủng bố đang bảo vệ vị trí đặt bom. Hai bên “uýnh” nhau quyết liệt, bằng dao găm, súng tối tân các loại… và khi người cuối cùng của một đội bị đả thương ngã xuống, cụm từ “head soft” được bình luận viên reo vang cùng chiến thắng của một đội.
 
“Head soft” cũng là cụm từ cửa miệng của nhiều HS trong các trường học, từ tiểu học đến THCS, THPT, nghe mà rợn người. Qua các trò chơi game, các nhà sản xuất cũng đã kịp tung ra các loại súng đồ chơi y như thật và giống hình dạng với vũ khí mà các nhân vật hóa thân từ những người chơi game ưa thích sử dụng.

Hiện tại, nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố, các em thường mang đến những khẩu súng ngắn bằng nhựa cứng có xuất xứ từ Trung Quốc, trông qua hình dáng và cách thức sử dụng thì chẳng có gì khác súng thật (ảnh 1). “Đạn” của dạng súng này là những viên nhựa đặc có đường kính khoảng 0,5cm, được nạp từng viên vào thanh đạn rồi đẩy vào trong tay cầm. Sau đó nắm phần trên nòng súng, kéo ra phía sau để lên đạn; có cả tia laser màu đỏ trước nòng súng để ngắm trúng mục tiêu… và bóp cò, “tạch”, viên đạn lao ra với tốc độ rợn người, bay thẳng về mục tiêu (nắp chai uống nước) cách xa hàng chục mét. Có đứng gần hứng viên đạn này thì đúng thật là rất đau.
 

Học sinh tiểu học cũng không khó để mua được súng từ xe hàng rong trước cổng trường

Chỉ với giá 25.000 đồng, tuy bị lực lượng quản lý thị trường, công an kiểm tra gắt gao, nhưng các em HS cũng không khó để mua được dạng súng đồ chơi đầy nguy hiểm này. Cá biệt, có em còn đem tới lớp khẩu súng nòng to, dài khoảng 50cm, dạng y như súng săn, sau khi bắn ra khỏi nòng, viên đạn mẹ (bằng nhựa, to bằng ngón chân cái) tách ra thành 7 viên đạn con cùng lao đến cắm quanh mục tiêu cách xa hàng chục mét. Không biết khi các em đùa chơi lỡ tay, hoặc giận bạn cố ý ngắm bắn thì hậu quả sẽ như thế nào?

Học sinh tiểu học cũng không khó kiếm “đồ” chơi…

Đến trước xe đẩy hàng rong trước cổng trường tiểu học N (ảnh 2) lúc tan trường, chúng tôi dò hỏi mua một khẩu súng nhựa đồ chơi. Cô chủ quán chỉ lên những bao ni-lông treo đầy súng nước với giá 5.000 đồng/chiếc; cung 2.000 đồng/chiếc; dao, kiếm 3.000 - 8.000 đồng/chiếc. Chúng tôi hỏi súng bắn đạn nhựa, cô chủ quán liền mở nắp hòm lôi ra gần một chục chiếc thuộc hai dạng súng ngắn có giá 7.000 đồng/chiếc và 10.000 đồng/chiếc.
 

Súng bắn đạn nhựa mềm học sinh tiểu học hay chơi . 

Chúng tôi chọn mua một khẩu súng ngắn bắn đạn nhựa mềm (ảnh 3) với giá 10.000 đồng. Đang lóng ngóng không biết lắp đạn và bắn thế nào, thì một em HS tiểu học đứng gần đó chỉ ngay cách lắp đạn, kéo nòng súng lên đạn… Té ra nãy giờ khi chúng tôi chọn mua súng đã có nhiều ánh mắt dõi theo rất cuốn hút. Em HS bóp cò, “póc!” viên đạn lao thẳng về phía trước, xa chục mét chứ không ít. Em HS cho biết: “Trước đây có nhiều bạn đem súng vô lớp, giờ thì bị cô giáo cấm, nhưng vẫn có mấy bạn lén lút chơi…”.

Súng giả, đồ chơi, nhưng y như thật và nguy hiểm thật. Không những thế, nó còn mang đến một tiêu cực khác là tình trạng làm quen, thực hành với bạo lực, một điều không nên có trong các nhà trường. Mong các cơ quan chức năng và nhà trường có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng trên!  

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.