.

Bắt đối tượng lừa đảo tuyển dụng lao động liên tỉnh

.

(ĐNĐT) - Từ sự cảnh giác của khách sạn Blue Ocean, Công an quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng đã bắt quả tang một đối tượng hoạt động lừa đảo tuyển dụng lao động liên tỉnh quy mô lớn.

“Cán bộ quản lý và nhân viên khách sạn Blue Ocean đã rất cảnh giác, giúp cơ quan công an bắt được đối tượng lừa đảo quy mô lớn và có tính chất liên tỉnh”, Thượng tá Nguyễn Viết Lợi, Trưởng Công an quận Ngũ Hành Sơn phát biểu với PV báo Đà Nẵng điện tử sáng 23-4 sau khi bắt quả tang một đối tượng tên Hằng hoạt động lừa đảo tuyển dụng lao động vào chiều 22-4.

Từ sự cảnh giác của khách sạn Blue Ocean, công an đã bắt được đối tượng lừa đảo người lao động.

Trước đó, từ ngày 11-4, đối tượng này đến thuê phòng tại khách sạn Blue Ocean (đường Hoàng Kế Viên, tổ 20, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) và xưng là cán bộ Công ty cổ phần rượu quốc tế ISC (địa chỉ ở 258/9B, Đông Chiêu, Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương), có nhiệm vụ ra miền Trung để tuyển lao động cho công ty.

Tuy nhiên, sau một thời gian Hằng lưu trú tại đây, nhân viên khách sạn nhận thấy có những biểu hiện rất đáng nghi vấn nên đã bí mật báo cáo Công an quận Ngũ Hành Sơn, đề nghị làm rõ. Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận đã tiến hành xác minh qua điện thoại với Công ty cổ phần rượu quốc tế ISC và nhận được câu trả lời là không hề cử nhân viên nào ra miền Trung tuyển lao động. Cùng lúc, một số người cũng báo cáo với Công an quận nghi vấn về một đối tượng lừa đảo tuyển dụng lao động.

Trên cơ sở những kết quả xác minh ban đầu, chiều 22-4, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã kiểm tra đột xuất khách sạn Blue Ocean và bắt quả tang Hằng đang nhận 1,5 triệu đồng của 3 sinh viên có nhu cầu tìm việc và đến nộp hồ sơ cho Hằng để xin được tuyển dụng. Ngoài ra, công an còn thu giữ tại phòng nghỉ của Hằng 49 hồ sơ tuyển dụng do người lao động nộp cho Hằng, trong đó có 22 hồ sơ của người lao động tại Đà Nẵng và 27 hồ sơ của người lao động ở Đồng Hới (Quảng Bình).

Tại cơ quan công an, Hằng khai nhận sinh năm 1981, do mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên không biết mình họ gì. Hằng được một gia đình ở thôn 1, xã Yên Phong, huyện Yên Định, Thanh Hóa nhận nuôi nhưng đến năm 14 tuổi thì bỏ nhà đi lang thang kiếm sống ở Hà Nội, Thái Nguyên, Gia Lai, Quảng Bình, TP.HCM...

Năm 2004, Hằng nhặt được một giấy chứng minh nhân dân mang tên Phạm Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1981, quê ở Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, thường trú tại 6A Hoàng Văn Thụ, Kon Tum) nên đã dán ảnh của mình vào và bắt đầu từ đó, Hằng nhận mình tên là Phạm Thị Tuyết Nhung.

Với cái “mác” cán bộ tuyển dụng lao động cho Công ty cổ phần rượu quốc tế ISC, Hằng đã lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của người lao động để in tờ rơi, mở website quảng cáo tuyển dụng. Khi bắt được “con mồi” thì gọi điện thoại hẹn họ đến khách sạn gặp để nộp hồ sơ. Mỗi lần nhận hồ sơ, Hằng đều ghi giấy biên nhận để “làm tin” và thường là yêu cầu người lao động phải nộp 500.000 đồng/hồ sơ gọi là khoản tiền trách nhiệm.

Theo Thượng tá Nguyễn Viết Lợi, bước đầu có thể khẳng định Hằng hoạt động lừa đảo tuyển dụng lao động mang tính chất liên tỉnh, trước khi thực hiện ở Đà Nẵng, đối tượng này cũng đã thực hiện trót lọt tại Quảng Bình. Công an quận Ngũ Hành Sơn đang tiếp tục làm rõ việc liệu có chăng một đường dây liên tỉnh với nhiều đối tượng khác cùng tham gia với Hằng trong hoạt động lừa đảo này?

Cẩm An

;
.
.
.
.
.