.
QUY ĐỊNH TRẺ EM ĐỘI MBH

Đầu chưa xuôi, đuôi có lọt?

.

Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Quyền Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Bộ Giao thông vận tải cho biết: Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ (sẽ được trình lên Chính phủ phê duyệt, thay thế cho Nghị định 146) đó là hình thức xử phạt người điều khiển mô-tô, xe gắn máy chở người dưới 16 tuổi không đội MBH với mức từ 100-200 ngàn đồng.

Trẻ em rất cần đội MBH khi tham gia lưu thông trên đường.

Vấn đề đội MBH đã được đặt ra từ trước khi có Nghị quyết 32 của Chính phủ, nhưng tất cả đều không thành công. Chỉ đến khi Nghị quyết 32 được ban hành, người tham gia giao thông đội MBH cho đến nay đã trở thành phổ biến. Tuy nhiên cũng thấy rằng, tỷ lệ rất cao người dân đội MBH chỉ dừng lại ở đối tượng là người lớn, còn đối với trẻ em thì cơ quan chức năng nhiều lúc tỏ ra lúng túng và chưa có sự nhất quán. Chính vì vậy có thời gian xảy ra tình trạng mỗi địa phương hiểu theo cách riêng mình, dẫn đến việc xử phạt trường hợp trẻ em không đội MBH cũng có sự khác biệt lớn.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng-Môi trường (Bộ Y tế) ở 100 bệnh viện trên cả nước cho thấy, thời gian qua, có 183.058 người nhập viện vì TNGT, trong đó nạn nhân dưới 19 tuổi chiếm 21,28%, và có đến 13,4% trong số này bị chấn thương sọ não. Đặc biệt trong số này, trẻ em từ 0-4 tuổi bị chấn thương sọ não chiếm đến 48,1%, từ 5-14 tuổi chiếm 36,7%. Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, đó chính là một trong những lý do nhóm biên soạn dự thảo Nghị định đưa ra độ tuổi trẻ em bắt buộc phải đội MBH là trên 6 tuổi. Đây là độ tuổi các em bắt đầu vào tiểu học, nên thời gian các em cùng gia đình thường xuyên tham gia lưu thông trên đường khá nhiều.
 
Cùng quan điểm này nên Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Quyết định 3442 chỉ đạo ngành giáo dục cả nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học sinh tiểu học và THCS đội MBH khi ngồi trên xe gắn máy, mô-tô hoặc lưu thông bằng xe đạp. Riêng tại Đà Nẵng, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo ngành giáo dục yêu cầu học sinh, sinh viên khi đi xe đạp điện phải đội MBH. Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố đã ra thông báo nêu rõ: với các trường hợp nhiều lần vi phạm việc không đội MBH sẽ có hình thức cảnh cáo đến thôi học.

Như vậy có thể thấy rằng, việc đội MBH cho học sinh từ cấp tiểu học là rất cần thiết và cũng trở nên cấp bách. Thế nhưng một lần nữa, vấn đề đội MBH cho trẻ em đã gặp những khó khăn nhất định. Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, thế nhưng khoảng đầu tháng 7 này, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông mới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy trước mắt, lực lượng chức năng vẫn phải áp dụng tiêu chí xử phạt theo Nghị định 146 vốn được coi đã lỗi thời với thực tế, nhất là nhiều nội dung không còn phù hợp với Luật mới. Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng không kém là chất lượng, kiểu dáng của loại MBH dành riêng cho trẻ em cũng là vấn đề đáng quan tâm.
 
Hầu hết những cơ sở sản xuất MBH trước đây đều sản xuất loại mũ dành cho người lớn, vì thế việc trong thời gian ngắn tổ chức sản xuất MBH trẻ em là một vấn đề thách thức. Theo các chuyên gia trên lĩnh vực này, việc sản xuất MBH trẻ em phức tạp hơn người lớn, vì MBH trẻ em vẫn phải bảo đảm về độ va đập nhưng không được nặng hơn 0,4kg để khỏi ảnh hưởng đến đốt sống cổ của các em vốn đang trong quá trình phát triển chiều cao. Ngược lại, hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại MBH trẻ em, nhưng chất lượng rất kém, không rõ nguồn gốc. Đây là câu hỏi khó cho các bậc phụ huynh khi mua MBH cho con mình.

Đặc biệt là công tác tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ nói chung, và nội dung quy định đội MBH đối với trẻ em nói riêng đến thời điểm hiện nay gần như chưa có gì, trong khi quỹ thời gian còn rất ít. Càng khó khăn hơn khi đây là dịp nghỉ hè nên bản thân ngành giáo dục cũng rất khó thực hiện công tác tuyên truyền cho học sinh.  Không biết đầu chưa xuôi thì đuôi có lọt?

TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.