.
Hôm nay 20-7: Xét xử vụ án liên quan đến Đinh Công Sắt

Làm rõ những hành vi đồng phạm của ông Trần Văn Thanh

Trong phiên tòa sơ thẩm của TAND thành phố Đà Nẵng diễn ra trong 2 ngày 22 và 23-9-2008 tại Nhà hát Trưng Vương, xét xử công khai vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” đối với các bị cáo: Đinh Công Sắt (sinh năm 1965), nguyên Thiếu tá, công tác tại Phòng Quản lý hành chính và TTXH, Công an Đà Nẵng; Dương Tiến (1956), nguyên Trung tá Công an, Trưởng VP đại diện Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội và Nguyễn Phi Duy Linh (1969), nhiều tình tiết mới xuất hiện.

Vì vậy, ông Nguyễn Thành, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa đã công bố quyết định đình chỉ phiên tòa. Hội đồng xét xử cũng đề nghị khởi tố ông Trần Văn Thanh, Thiếu tướng, Chánh Thanh tra Bộ Công an về hành vi đồng phạm trong vụ án. Chiều 24-2-2009, Cơ quan ANĐT, Công an thành phố Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Thanh, người bị coi là đồng phạm của vụ án ở Đà Nẵng.

Theo cáo trạng số 20/CT-KSĐT-TA ngày 18-6-2009 của Viện KSND thành phố Đà Nẵng, xác định trên cơ sở kết quả điều tra: Trong các ngày từ 15 đến 18-5-2007, ngay trước thời điểm ngày bầu cử QH khóa XII, tại một số điểm công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Cơ quan điều tra đã thu giữ một số tài liệu photocopy các văn bản nêu kết quả điều tra vụ án Phạm Minh Thông, Giám đốc Công ty Hợp doanh xây lắp và Kinh doanh nhà QN-ĐN bị khởi tố điều tra về tội “Tham ô tài sản” và “cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; trong đó có một số lời khai của Phạm Minh Thông liên quan đến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Vụ án này đã được TAND thành phố Đà Nẵng và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đưa ra xét xử từ năm 2001 và kết quả hai phiên tòa khẳng định lời khai của Phạm Minh Thông không có căn cứ. Nhiều năm đã qua, mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng các ông Trần Văn Thanh, Nguyễn Phi Duy Linh, Đinh Công Sắt và Dương Tiến cùng một số người khác đã lợi dụng thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, lợi dụng các quyền tự do dân chủ dùng hai tài liệu này cùng một số tài liệu khác dựng lên những đơn kiến nghị, tố cáo sai sự thật tán phát nhiều nơi, kích động, xúi giục gây khiếu kiện không đúng pháp luật, gây ảnh hưởng đến trật tự trị an, hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, đến uy tín lãnh đạo địa phương.

Diễn biến hành vi phạm tội của các bị can được xác định như sau: Với động cơ cá nhân, từ năm 2002, ông Trần Văn Thanh (nguyên Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, năm 2001 là cán bộ cao cấp Bộ Công an) đã trực tiếp soạn thảo, sửa chữa bản thảo các đơn kiến nghị, thư kiến nghị do Nguyễn Phi Duy Linh thảo ra để Linh căn cứ các tài liệu này làm ra các đơn thư kiến nghị.

Các đơn này sử dụng tên ông Huỳnh Ngọc Toản (đại tá quân đội nghỉ hưu trên địa bàn Đà Nẵng) và mạo danh đại diện nhân dân thành phố Đà Nẵng đứng đơn với nội dung chủ yếu là tố cáo, kiến nghị về vụ án Phạm Minh Thông và vụ án Nguyễn Hưng có một số lời khai liên quan đến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhưng chưa được xử lý do có sự bao che của Trung ương, bỏ lọt tội phạm và trù dập cán bộ điều tra. Sau khi làm ra các đơn thư kiến nghị này, Nguyễn Phi Duy Linh đã thực hiện hành vi tán phát đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan báo chí.

Khoảng gần cuối năm 2006, trong lần về Đà Nẵng, ông Trần Văn Thanh tìm hiểu thông tin về Đinh Công Sắt. Ngày 28-11-2006, khi ông Trần Văn Thanh vào dự hội nghị tại Đà Nẵng, Đinh Công Sắt đã điện thoại 2 lần để hẹn thời gian và địa điểm gặp ông Trần Văn Thanh. Khoảng hơn 16 giờ cùng ngày, cả hai đã gặp nhau tại Nhà hàng Đại Dương (Sơn Trà) và tại đây, ông Trần Văn Thanh yêu cầu Sắt làm đơn gửi Bộ Công an xét lại kỷ luật và hứa hẹn sẽ giúp đỡ, đồng thời đề cập một số vụ việc:

Công an Đà Nẵng có những vi phạm như lập quỹ đen từ việc dập biển số xe phản quang, chia nhau tiền của UBND thành phố Đà Nẵng hỗ trợ hằng năm, một số vụ án kinh tế như vụ Đồng Nò, vụ Cụm cảng Hàng không... báo chí đã đăng nhưng không được điều tra, xử lý để so sánh với kỷ luật của Sắt mà ông cho là quá nặng. Từ sự hướng dẫn và hứa hẹn này, Đinh Công Sắt đã về làm đơn xin cứu xét, một do Sắt ký và một do 2 Bà mẹ VNAH là bà nội và bà ngoại của Sắt điểm chỉ.

Sau đó, Đinh Công Sắt liên lạc với ông Trần Văn Thanh để hỏi về nơi gửi đơn thì được ông Trần Văn Thanh tiếp tục yêu cầu Sắt làm một số đơn nói về tham nhũng của một số lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và giới thiệu Sắt gặp Nguyễn Phi Duy Linh-một người quen thân của ông Thanh để Linh hướng dẫn Sắt cách làm đơn.

Thông qua sự giới thiệu của ông Trần Văn Thanh, bắt đầu từ ngày 7-12-2006, Sắt thường xuyên điện thoại, gặp gỡ Nguyễn Phi Duy Linh và từ đó có quan hệ mật thiết với nhau. Linh đã hướng dẫn Sắt cách viết đơn thư kiến nghị sai sự thật tố cáo lãnh đạo Đà Nẵng và gửi các cơ quan ở Trung ương, các cơ quan báo chí theo yêu cầu của ông Thanh...

Tháng 4-2007, Đinh Công Sắt và Nguyễn Phi Duy Linh gặp nhau ở Hà Nội, Linh đã đưa cho Sắt một đơn tố cáo tham nhũng có tiêu đề nhằm thẳng vào một lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian này, cả Linh và Sắt đã gặp Nguyễn Trịnh Thăng, Linh đã bảo Thăng dẫn Sắt đến gặp Dương Tiến, Trung tá, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Tại Văn phòng đại diện Báo CA TPHCM tại Hà Nội (175, Nguyễn Thái Học, Hà Nội), Sắt đã đưa cho Dương Tiến đơn tố cáo nêu trên do Sắt ký tên.

Ngày 14-5-2007, vài ngày trước bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, Dương Tiến điện thoại bảo Sắt ra Hà Nội ngay gặp Tiến có việc cần và hứa sẽ hỗ trợ tiền đi lại. Tại phòng làm việc của mình, Dương Tiến đã đưa cho Sắt và Thăng đọc 2 văn bản số 73,77/KSĐT-KT của Viện KSND Đà Nẵng. Khi  Sắt và Thăng đọc xong, Dương Tiến bảo Sắt đi photo đem về tán phát cho nhân dân Đà Nẵng đọc. Sắt và Thăng đem hai tài liệu trên đi photocopy 80 bản rồi trả bản gốc lại cho Dương Tiến.

Trưa ngày 15-5-2007, Sắt về Huế và đến Bưu điện Hương Thủy, ghi tên người gửi là Phan Trường Sơn, Phó Viện trưởng Viện KSND Đà Nẵng và gửi bằng thư chuyển phát nhanh công văn số 77 cho một số cơ quan báo chí. Sau đó, Sắt đón taxi về Đà Nẵng; Sắt yêu cầu lái xe chạy qua các tuyến đường thuộc địa bàn các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê rồi mới về nhà Sắt. Trên đường đi, Sắt đã thực hiện việc tán phát các công văn 73, 77 xuống đường ở những địa điểm khác nhau. Ngày 16-5-2007, Sắt photocopy thêm 10 bản công văn 77 rồi tiếp tục tán phát trên địa bàn thành phố.

Từ ngày 17-5 đến 19-5-2007, Dương Tiến vào ở Khách sạn Xanh, Đà Nẵng. Tại đây, Tiến gặp Thăng và Sắt nhiều lần để nắm tình hình dư luận của nhân dân Đà Nẵng khi đọc bài báo do Tiến viết về khiếu kiện của Đà Nẵng và việc Sắt tán phát các tài liệu đã nêu.

Sau khi hành vi tán phát tài liệu của Sắt bị phát hiện, Sắt đang bị cơ quan ANĐT gọi hỏi, thì vào lúc 13 giờ 30 ngày 22-5-2007, Nguyễn Phi Duy Linh lúc này đang ở Hà Nội đã gọi điện thoại gặp Sắt và chuyển máy cho Sắt được gặp ông Trần Văn Thanh.
 
Tại cuộc điện thoại này, ông Thanh đã xúi giục Sắt bỏ trốn khỏi địa phương và Sắt đã bỏ trốn ngay chiều hôm đó. Trong thời gian bỏ trốn, Sắt nhiều lần gọi điện cho Linh để hỏi thăm tình hình của Sắt và tỏ ý muốn ra trình diện, nhưng Linh ngăn cản, xúi giục Sắt liên lạc với người nhà để đưa 2 Bà mẹ VNAH ra Hà Nội khiếu kiện. Ngày 1-6-2007, Sắt, Linh và ông Thanh gặp nhau tại nhà nghỉ Quỳnh Anh ở thành phố Hồ Chí Minh. Từ cuộc gặp này, Sắt càng được củng cố niềm tin nên không ra trình diện và liên lạc với người nhà để đưa 2 Bà mẹ VNAH ra Hà Nội khiếu kiện.

Trong thời gian điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu tại nhà vợ cũ của Nguyễn Phi Duy Linh một số tài liệu liên quan đến vụ án Phạm Minh Thông cùng nhiều tài liệu là các đơn, thư kiến nghị do ông Trần Văn Thanh soạn thảo và sửa chữa được cất giấu tại đây. Nội dung các đơn thư thể hiện ông Trần Văn Thanh mạo nhận là đại diện cho nhân dân Đà Nẵng tố cáo lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có hành vi tham nhũng trong vụ án Phạm Minh Thông và tố cáo lãnh đạo Công an Đà Nẵng có hành vi trù dập các cán bộ Công an Đà Nẵng đã tham gia điều tra vụ án này. Lời lẽ trong các đơn thể hiện động cơ cá nhân, nội dung của các bản thảo này đều trùng khớp với các đơn, thư mà Linh đã gửi đi.

Tại bản Kết luận giám định số 276/GĐ/HS ngày 30-10-2008, Phòng KTHS Công an Đà Nẵng kết luận: “Chữ viết trên các bản thảo, có tiêu đề “Thư kiến nghị”, mở đầu ghi: Tôi tên H.N.Toản và bản thảo tiêu đề “Đơn kiến nghị” mở đầu ghi “Chúng tôi đại diện cho nhân dân thành phố Đà Nẵng...” cần giám định (ký kiệu A1, A2) với chữ viết của Nguyễn Phi Duy Linh là do một người viết ra”.

Tại bản Kết luận giám định số 277/GĐ/HS ngày 30-10-2008, Phòng KTHS Công an Đà Nẵng kết luận: “Chữ viết trên 9 biên lai thư phát nhanh đề tên người gửi “Trung tâm VH-TT 84-Hùng Vương, Đà Nẵng” gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là chữ viết của Nguyễn Phi Duy Linh”.

Tại bản Kết luận giám định số 335/GĐ/HS ngày 14-2-2009, Phòng KTHS Công an Đà Nẵng kết luận: “Chữ viết trên bản thảo không có tiêu đề, có phần mở đầu ghi “Vụ án Phạm Minh Thông”, chữ sửa trên 2 bản thảo thư kiến nghị và đơn kiến nghị của Nguyễn Phi Duy Linh với chữ viết của ông Trần Văn Thanh là do cùng một người viết ra.

Cơ quan ANĐT đã thu thập list điện thoại mà các bị can Trần Văn Thanh, Nguyễn Phi Duy Linh, Đinh Công Sắt và ông Nguyễn Pháp đã liên lạc với nhau, cụ thể: Trần Văn Thanh (TVT) điện thoại cho Nguyễn Phi Duy Linh 59 cuộc, điện thoại cho Đinh Công Sắt 2 cuộc vào ngày 28-11-2006. Nguyễn Phi Duy Linh điện thoại cho TVT 9 cuộc, cho Đinh Công Sắt 10 cuộc (riêng trong ngày 22-5-2007 điện thoại 7 cuộc), cho Nguyễn Pháp 10 cuộc. Đinh Công Sắt điện thoại cho Nguyễn Phi Duy Linh 73 cuộc, điện thoại cho TVT 1 cuộc vào ngày 3-12-2006, Nguyễn Pháp điện thoại cho Nguyễn Phi Duy Linh  6 cuộc.

Với những chứng cứ đã nêu, Viện KSND Đà Nẵng kết luận các bị can Trần Văn Thanh (sinh năm 1953), Nguyễn Phi Duy Linh (sinh năm 1969), Dương Tiến (sinh năm 1956) và Đinh Công Sắt (sinh năm 1965) phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo khoản 1, Điều 258, Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, cáo trạng này cũng nêu các trường hợp: Nguyễn Pháp có hành vi tán phát nhiều tài liệu và tố cáo sai sự thật chưa đến mức xử lý hình sự mà chuyển sang xử lý hành chính; Ngô Thanh Bình tán phát tài liệu nhưng bị tai nạn giao thông chết ngày 26-12-2007; Nguyễn Văn Yên, sĩ quan Công an công tác tại Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo Dương Tiến khai là người cung cấp công văn số 73, 77 của Viện KSND Đà Nẵng qua xác minh là không có cơ sở kết luận; về vụ cố ý làm lộ bí mật Nhà nước và chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, qua điều tra không có cơ sở nên Cơ quan ANĐT, Công an Đà Nẵng đã ra quyết định đình chỉ điều tra ngày 17-11-2007.

“Điều 258 Bộ luật Hình sự quy định: 1- Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2- Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.


Nhóm Phóng viên TSCT

;
.
.
.
.
.