.
XỬ LÝ XÂY DỰNG, CƠI NỚI NHÀ CỬA TRÁI PHÉP Ở HÒA KHÁNH NAM

Chính người xây “liều” chịu thiệt thòi

.

Chỉ 4 ngày sau khi UBND quận Liên Chiểu và phường Hòa Khánh Nam tổ chức họp dân công bố Quyết định số 2584 ngày 7-4-2009 của UBND thành phố về quy hoạch chi tiết xây dựng Khu tái định cư (TĐC) cho dự án mở rộng Trường Đại học Thể dục thể thao – Trung tâm Huấn luyện Thể thao Trung ương 3, tại tổ 3 (khu vực Khánh Sơn), phường Hòa Khánh Nam đã bùng phát nạn xây dựng, cơi nới nhà cửa, tường rào, ao cá… trái phép nhằm trục lợi chính sách giải tỏa đền bù của thành phố.

Lực lượng chức năng đang lập biên bản một căn nhà tạm được dựng trái phép.

Theo Ban Quản lý Dự án Quốc lộ 1A và Liên Chiểu – Thuận Phước, dự án đầu tư xây dựng khu TĐC phục vụ bố trí TĐC cho dự án mở rộng Trường Đại học Thể dục thể thao – Trung tâm Huấn luyện Thể thao Trung ương 3 tọa lạc tại tổ 3, phường Hòa Khánh Nam với tổng diện tích gần 9ha, hiện đang trình thành phố phương án giải tỏa đền bù, áp giá theo Quyết định số 58/2008/QĐ-UBND của UBND thành phố và phấn đấu đến tháng 10-2009 tiến hành thi công; các hộ dân được bố trí TĐC tại chỗ…

Tại cuộc họp dân ngày 20-6, sau khi công bố Quyết định số 2584 của UBND thành phố, 135/200 hộ dân ở tổ 3, phường Hòa Khánh Nam đến dự họp đã đồng tình, nhất trí với chủ trương của thành phố; người dân không thắc mắc gì, chỉ mong muốn dự án được triển khai nhanh chóng, áp giá đền bù rõ ràng, công khai minh bạch. UBND quận Liên Chiểu và phường Hòa Khánh Nam cũng yêu cầu các hộ dân trong khu vực quy hoạch không xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép… Thế nhưng, chỉ ít ngày sau, viện cớ là chịu nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của các dự án trước đó như:

Dự án nâng cấp mở rộng đường Hoàng Văn Thái, bãi rác Khánh Sơn mở rộng,… và với ý nghĩ sẽ được thành phố “thông cảm”, qua đó kiếm thêm tiền từ chính sách giải tỏa đền bù của thành phố, người dân nơi đây đã ồ ạt xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép. Được xây dựng gấp gáp, tạm bợ, thậm chí còn được tiến hành trong đêm, nhiều căn nhà tạm với khung nhà bằng cây bạch đàn, vách và mái bằng tôn cũ nát mọc lên trên nền đất nông nghiệp; nhiều nhà đã xây kiên cố cũng ùn ùn mua cát, sạn, xi-măng về đổ mê, nối thêm tầng; nhiều tường rào, cổng ngõ được xây mới bằng gạch cũng được mọc lên…
 
Ngày 24-6, Tổ Kiểm tra quy tắc phường Hòa Khánh Nam đã lập biên bản 3 trường hợp, và ít ngày sau đó mời lên làm việc với 11 hộ dân xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép. Ngày 3-7, các lực lượng chức năng của phường đã lập biên bản 13 trường hợp vi phạm; đình chỉ thi công, tích cực vận động nhân dân dừng xây dựng; đồng thời chia người canh giữ hiện trường không cho người dân tiếp tục xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép.

Đến ngày 15-7, phường Hòa Khánh Nam đã lập biên bản 27 trường hợp xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép ở khu vực tổ 3, trong đó các hộ Nguyễn Thị Thiếp, Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Đức Dương, Nguyễn Hữu Hùng, Cao Thị Phượng, Nguyễn Thị Bé… đã dựng nhà tạm với khung nhà bằng cây bạch đàn, vách và mái bằng tôn cũ nát. Đặc biệt, có hộ ông Phan Văn Mong dựng nhà tạm bên ngoài, che giấu căn nhà đang xây bằng gạch dang dở ở bên trong. Các hộ Lê Hoàng, Lê Đình Dũng, Phùng Thị Thủy, Nguyễn Đức Bình… xây dựng tường rào, ao cá, cơi nới nhà cửa bằng gạch.

Tại cuộc họp dân khu vực Khánh Sơn do UBND, khối Dân vận, Mặt trận – đoàn thể quận Liên Chiểu và phường Hòa Khánh Nam tổ chức vào chiều 15-7, sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, ông Đàm Quang Hưng – Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cương quyết: “Xin nhắc lại cho bà con được rõ, những nơi đã công bố quy hoạch, muốn sửa chữa nhà cửa, hoặc xây cái ao nuôi cá cải thiện cuộc sống… thì phải xin giấy phép tại phường.

Bà con không nên xây dựng nhà trái phép để làm gì, nếu có hoàn cảnh khó khăn, cứ đề đạt nguyện vọng, chúng tôi sẽ trình lên thành phố xem xét hỗ trợ. Đối với những căn nhà tạm, hoặc đang xây dựng dang dở thì đề nghị bà con tự tháo dỡ và để ngay tại chỗ, sau này khi áp giá đền bù, chúng tôi xem xét có chính sách gì đó hỗ trợ thêm cho bà con, chứ đợi đến khi quận và phường xuống cưỡng chế, xử phạt hành chính thì chính bà con bị thiệt thòi. Nếu có gì bức xúc, bà con cứ phản ánh bằng đơn thư hoặc trực tiếp với phường, quận, chúng tôi sẽ xem xét giải quyết và cố gắng hết sức để bảo đảm sự công bằng trong giải tỏa, đền bù.

Quận và phường dứt khoát không để tiếp diễn tình trạng xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép trên đất đã quy hoạch…”. Kiên trì giải thích, vận động và đối thoại trực tiếp thẳng thắn, điều đáng mừng là ngay sau cuộc họp dân này đã có một số nhà tạm không chỉ ở tổ 3, mà có thêm một số nhà ở tổ 1 cũng được người dân tự tháo dỡ và chính quyền địa phương đã đến ghi nhận.

Không riêng gì phường Hòa Khánh Nam mà ở nhiều nơi trên địa bàn quận Liên Chiểu và thành phố Đà Nẵng cũng đã và đang xảy ra tình trạng người dân xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép. Chính người dân chứ không ai khác gánh chịu thiệt thòi với kiểu xây “liều” này. Theo điều 11, Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ vừa mới có hiệu lực thi hành thì:

“Đối với chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng (xây dựng trái phép - PV), phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn; phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị; phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với trường hợp xây dựng công trình khác ở nông thôn và đô thị”.

Qua đây, cũng mong chính quyền các địa phương quan tâm sâu sát hơn nữa đến đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân; kiên trì giải thích, vận động và đối thoại thẳng thắn; cương quyết xử lý nghiêm những trường hợp xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép, nhất là đối với những cán bộ, hoặc người nhà của cán bộ vi phạm; bảo đảm tính công bằng trong chính sách giải tỏa đền bù… để dư luận nhân dân không phải luôn bức xúc vì tình trạng “loạn” xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.