.

Xung quanh phiên tòa xét xử bị cáo Trần Văn Thanh và đồng phạm: Những câu hỏi cần làm sáng tỏ

.

Phiên xét xử vụ án hình sự bị cáo Trần Văn Thanh (nguyên Thiếu tướng, Chánh Thanh tra Bộ Công an) và đồng phạm vào ngày 20-7 vừa qua đã tạm hoãn do sức khỏe của bị cáo Trần Văn Thanh không bảo đảm để dự phiên tòa. Sau đó, một số tờ báo thông tin rằng: Mặc dù bị cáo Trần Văn Thanh bệnh nặng nhưng tòa vẫn triệu tập, vì thế bị cáo phải đến tòa trong tình trạng nằm trên xe cấp cứu của Bệnh viện 199 Bộ Công an (BCA), (đóng tại số 216 Nguyễn Công Trứ, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đang được chuyền dịch, thở ôxy. Vậy chuyện thực hư thế nào?

Phải chăng “kế hoãn binh”?

Sau khi thụ lý vụ án vào ngày 19-6-2009 đến ngày 3-7-2009, Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 14/2009/HSST-QĐ đưa vụ án ra xét xử và ấn định ngày xét xử bị cáo Trần Văn Thanh cùng đồng phạm vào ngày 20 và 21-7-2009 tại Nhà hát Trưng Vương (86 Hùng Vương-Đà Nẵng). Ngày 7-7-2009, tại Hà Nội, TAND thành phố Đà Nẵng đã tống đạt quyết định này cho bị cáo Trần Văn Thanh và các luật sư bào chữa cùng giấy triệu tập bị cáo Thanh đến phiên tòa. Một ngày sau đó, TAND thành phố Đà Nẵng tiếp tục tống đạt quyết định đến các bị cáo: Đinh Công Sắt (nguyên Thiếu tá Công an), Dương Tiến (nguyên Trung tá Công an) và Nguyễn Phi Duy Linh theo quy định tại Điều 182, Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Bị cáo Trần Văn Thanh không đến phiên xử ngày 20-7, liệu có tiếp tục vắng mặt ở phiên xét xử ngày 6-8 tới đây?

Để xác định bị cáo Trần Văn Thanh có bảo đảm sức khỏe để dự phiên tòa hay không, TAND thành phố đã có văn bản yêu cầu Bệnh viện 19.8 và Tổng Cục Xây dựng lực lượng, BCA cùng phối hợp giám sát và tạo điều kiện để Bệnh viện 19.8 cung cấp giấy sao trích bệnh án của bị cáo Trần Văn Thanh. Theo giấy sao trích bệnh án của bị cáo Thanh số 782/BV198 do Bệnh viện 19.8 cung cấp ngày 14-7-2009 xác nhận tình trạng hiện tại:

- Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, còn có lúc đau đầu, không buồn nôn, đại tiểu tiện bình thường
- Mạch 60 chu kỳ/phút. Huyết áp 110/70mmHg
- Bệnh tạm ổn định.

Giấy sao trích có đủ chữ ký của đại diện X13, BCA; Giám đốc Bệnh viện 19.8 và Phòng Kế hoạch-Tổng hợp của bệnh viện. Sau đó, TAND thành phố đã được Bệnh viện 19.8 cung cấp bản phô tô toàn bộ hồ sơ bệnh án của bị cáo Trần Văn Thanh từ ngày nhập viện 199 (lúc 18 giờ 7 phút ngày 20-2-2009) đến ngày 16-7-2009. Như vậy, bị cáo Trần Văn Thanh bảo đảm về sức khỏe để đến phiên tòa.

Thế nhưng, ngày 14-7-2009, TAND thành phố nhận được đơn của hai luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Thanh xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe bị cáo không bảo đảm. Đơn có kèm theo giấy tóm tắt đợt điều trị từ ngày 26-2-2009 đến ngày 10-7-2009 của Bệnh viện 19.8 kết luận: Yếu nửa người do TBMMN (tai biến mạch máu não-PV) do Giám đốc Bệnh viện 19.8, Chủ nhiệm khoa và bác sĩ điều trị cùng ký xác nhận. Ngay trong ngày 15-7-2009, TAND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 02/QĐ-TA không chấp nhận đơn xin hoãn do giấy xác nhận về tình trạng sức khỏe của luật sư bào chữa đưa ra mâu thuẫn với kết quả yêu cầu giám định sức khỏe của tòa. Đồng thời, tòa đã tống đạt quyết định yêu cầu bị cáo Trần Văn Thanh và các luật sư có mặt tại phiên tòa đúng thời gian.

Hai giấy xác nhận tình trạng sức khỏe của bị cáo Trần Văn Thanh ngày 10-7 và ngày 14-7 có mâu thuẫn (?!)

Ngày 16-7, bị cáo Trần Văn Thanh và các luật sư bào chữa lại có đơn khiếu nại về quyết định của tòa buộc bị cáo phải có mặt tại phiên tòa vào ngày 20-7-2009 và chuyển đơn qua máy Fax gửi đến tòa. Lúc 10 giờ ngày 17-7-2009, một luật sư bào chữa của bị cáo Thanh vào Đà Nẵng đem đến tòa đơn khiếu nại của luật sư bào chữa gửi TAND tối cao và Viện KSND tối cao đề nghị thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa vì cho rằng: Quyết định 02/QĐ-TA là không khách quan. Tuy nhiên, ngày 17-7 là ngày thứ sáu, trong khi phiên tòa đã ấn định vào ngày thứ hai (20-7). Mặt khác, việc yêu cầu thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa là Chánh án thuộc thẩm quyền của Chánh án TAND tối cao. Do đó, TAND thành phố vẫn tiến hành phiên xét xử vào ngày 20-7.

Ai đưa bị cáo đến phiên tòa trên băng ca?

Sáng ngày 20-7-2009, phiên tòa xét xử vụ án hình sự bị cáo Trần Văn Thanh và các đồng phạm được tiến hành, nhưng đến 8 giờ vẫn chưa có mặt bị cáo Trần Văn Thanh và các luật sư. Đúng lúc này, luật sư Hoàng Ngọc Biên là luật sư bào chữa của bị cáo Trần Văn Thanh đem đến Hội đồng xét xử một tờ phiếu theo mẫu của Khoa HSCC (Hồi sức cấp cứu-PV), Bệnh viện 199 kính gửi lãnh đạo các cấp với nội dung: “Bệnh nhân Trần Văn Thanh, 54 tuổi đã vào HSCC Bệnh viện 199 chiều tối 19-7. Đêm không ngủ, huyết áp giao động mạnh từ 160-220/100-105 mmHg, đã được theo dõi điều trị tích cực. Sáng nay rất mệt, huyết áp còn giao động nhiều, có lúc trên 180-220mmHg. Bệnh nhân cần bất động và điều trị tích cực, có dùng đường truyền để dùng thuốc. Xin báo cáo lãnh đạo các cấp để phối hợp và chỉ đạo sát về chuyên môn”. Giấy có phê chuẩn và chữ ký của lãnh đạo Bệnh viện 199 và Khoa Hồi sức cấp cứu.

Chỉ 10 phút sau khi trình tờ giấy này đã thấy xe cấp cứu của Bệnh viện 199 chở bị cáo Trần Văn Thanh đang nằm trên băng ca đến nơi xét xử. Người nhà bị cáo thông báo với Hội đồng xét xử: Bị cáo Trần Văn Thanh bị tăng huyết áp. Ngay lập tức, tổ y tế phục vụ phiên tòa xử lý kiểm tra huyết áp của bị cáo Trần Văn Thanh, đồng thời yêu cầu Bệnh viện 199 đưa bị cáo Trần Văn Thanh trở lại bệnh viện ngay. Sau đó, Hội đồng xét xử đã cho hoãn phiên tòa xét xử bị cáo Trần Văn Thanh và đồng phạm.

Được biết, bị cáo Trần Văn Thanh từ Hà Nội vào Đà Nẵng từ chiều ngày 19-7. Câu hỏi mà dư luận đặt ra ở đây là:

1- Tại sao bị cáo Trần Văn Thanh nhập viện 199 vào Khoa Hồi sức cấp cứu từ chiều tối 19-7 mà tòa không được thông báo, mà chỉ được báo đúng vào giờ phiên tòa diễn ra?

2- Bệnh nhân tăng huyết áp, cần bất động để điều trị tích cực, nhưng vẫn được đưa đến nơi xét xử nhằm mục đích gì khi biết chắc tòa sẽ không xử một bị cáo đang được cấp cứu?

TAND thành phố đã ban hành quyết định đưa các bị cáo Trần Văn Thanh, Dương Tiến, Đinh Công Sắt và Nguyễn Phi Duy Linh ra xét xử vào ngày 6 và 7-8-2009. Tại Khoản 2, Điều 187, Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định tòa chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp sau:

a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

;
.
.
.
.
.