.
DỰ ÁN XÂY DỰNG NGHĨA TRANG THÀNH PHỐ TẠI HÒA SƠN

Lại xây “liều”

.

Mấy ngày qua, thấy đoàn kiểm tra của huyện Hòa Vang và xã Hòa Sơn đến lập biên bản đình chỉ các trường hợp cơi nới, xây dựng nhà trái phép thuộc Dự án xây dựng Nghĩa trang thành phố (giai đoạn 4) tại thôn Hòa Khê (Hòa Sơn), nhiều người dân nơi đây chép miệng: “Bài học nhãn tiền  vì làm trái pháp luật tại tuyến đường ĐT 602 vừa qua đã làm nhiều người... trắng tay, thế mà nay nhiều người vẫn cứ đua nhau xây “liều”. Thế nào cũng có ngày... “tham thì thâm”!

Đua nhau xây “liều”

Hòa Khê “loạn” xây nhà trái phép.

Chỉ sau vài ngày công bố quy hoạch xây dựng Nghĩa trang thành phố (giai đoạn 4) trên diện tích 90 ha tại thôn Hòa Khê (Hòa Sơn) vào ngày 22-6 thì nhiều hộ dân nơi đây đã đua nhau cơi nới, xây dựng nhà cửa trái phép chờ... kiểm định đền bù. Theo thống kê, hiện toàn thôn Hòa Khê có 84 trường hợp cơi nới, xây dựng trái phép, trong đó có 31 trường hợp phát sinh sau công bố quy hoạch giai đoạn 4.

Điều đáng nói là nhiều hộ dân liều lĩnh tung tiền để đầu tư xây dựng kiên cố với hy vọng sẽ “trúng” đậm. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù huyện Hòa Vang và xã Hòa Sơn đã cử đoàn công tác xuống hiện trường tuyên truyền, kiểm tra, lập biên bản đình chỉ xây dựng, cơi nới trái phép, nhưng nhiều hộ dân vẫn ngang nhiên tập kết vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công để trục lợi.
 
“Tới kiểm tra thì họ ngừng xây, khi đi rồi thì đâu lại hoàn đấy. Họ xây bất kể đêm ngày, mưa hay nắng miễn sao hoàn thành là được; trong khi đó lực lượng chúng tôi mỏng, không thể bám trụ 24/24 giờ để theo dõi...” - một thành viên trong đoàn kiểm tra của xã Hòa Sơn phân bua.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người dân xây dựng trái phép nơi đây nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn cố ý xây... càng để “kiếm” thêm lô đất phụ khi bố trí tái định cư. Và cũng không ít trường hợp “cố đấm ăn xôi” vay mượn hòng kiếm chác... chút đỉnh.

Thiệt hại “kép”

Rõ ràng, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, tháo dỡ các trường hợp xây dựng trái phép tại Hòa Khê là việc phải làm để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Và những ai xem thường kỷ cương phép nước, cố ý vi phạm phải trả giá đắt cho hành vi của mình. Điều trăn trở là, vì sao chúng ta để nhiều người dân biết sai mà vẫn làm càng như thế? Quay lại Dự án nâng cấp và mở rộng tuyến đường ĐT 602 (trên địa bàn xã Hòa Sơn), 61 trường hợp cơi nới, xây dựng trái phép kết cục đành... trắng tay.
 
Không những vậy, khi cưỡng chế, chính quyền địa phương phải bỏ ra một nguồn kinh phí kha khá lo thuê mướn lao động tháo dỡ vật kiến trúc, huy động phương tiện cơ giới cùng các lực lượng khác tham gia. Đúng ra, những khoản chi phí này người vi phạm phải chi trả, nhưng trên thực tế đều ngược lại.
 
Trở lại vụ việc ở Hòa Khê, rồi đây “bài cũ” vẫn cứ soạn lại, và như thế chuyện “Nhà nước và nhân dân cùng... thiệt” là điều khó tránh khỏi. Nếu chính quyền và cả hệ thống chính trị của xã Hòa Sơn quyết liệt hơn ở những giai đoạn đầu của dự án, thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở mọi người dân nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thì cơ sự đâu đến nỗi như hôm nay.

HẠ SƠN

;
.
.
.
.
.