.

Giả danh phó phòng để lừa đảo

.

(ĐNĐT) - Lợi dụng những sinh viên mới ra trường đang cần việc làm, Trịnh Văn Mạnh (tên gọi theo đơn trình bày của nạn nhân, không rõ nơi cư trú) giả danh Phó trưởng phòng Thiết kế khảo sát công trình của Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ VINACONEX (gọi tắt là Công ty VISCO), đóng tại lô 1166-1167, đường Phan Đăng Lưu, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu để tuyển dụng lao động và lừa đảo nhiều nạn nhân, với số tiền từ 10-15 triệu đồng/người…



Hai nạn nhân Nhã và Liễu cùng hợp đồng lao động giả.
Cuối tháng 7-2009, Đà Nẵng điện tử nhận được đơn yêu cầu giúp đỡ của 2 nạn nhân Lê Thị Ngọc Nhã (SN 1988) và Vũ Thị Liễu (SN 1988) cùng trú huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum. Theo đơn trình bày của 2 nạn nhân này, vào ngày 3-1-2009, Vũ Thị Liễu đến Công ty TNHH TM-DV& Đào tạo Ngân Việt (gọi tắt là Công ty Ngân Việt) trên đường Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê và được công ty này giới thiệu đến Công ty VISCO để dự phỏng vấn và xin việc làm.

Cùng ngày, Liễu đã đến địa chỉ công ty trên và gặp một người tên là Trịnh Văn Mạnh. Sau ba lần gặp ở hành lang công ty và 2 lần gặp ở quán cà phê Khúc Tịnh Trà (đường Nguyễn Tất Thành), Mạnh nói là đồng ý nhận Liễu vào làm việc nhưng lại đưa ra quy định của công ty rằng: trước khi vào làm việc, để góp phần tăng vốn điều lệ thì ai cũng phải đóng cổ phần 10 triệu đồng và số tiền đó tăng dần tùy thuộc vào bằng cấp?!

Vì mong muốn có công việc ổn định để giúp gia đình nên sau một hồi suy nghĩ, Liễu đồng ý với Mạnh để đóng 10 triệu đồng. Dù gia đình Liễu rất nghèo nhưng khi nghe con điện về báo vay 10 triệu đồng để có việc làm thì cả nhà đã chạy khắp làng trên, xóm dưới để vay nóng tiền cho con kẻo lỡ việc. Thấy hơi lâu mà Liễu vẫn chưa “đóng cổ phần”, Mạnh đã ra sức hối thúc Liễu và nói đây là cơ hội để em dễ dàng vào công ty.

Do không đủ tiền đóng 1 lần, Liễu đóng trước cho mạnh 8 triệu, 2 triệu còn lại hẹn hôm khác sẽ đóng. Để tiếp tục “câu mồi”, Mạnh nói: “Thấy em tội, nghèo, lại mới ra trường nên anh sẽ giúp đỡ em vào công ty với danh nghĩa bằng cấp cao đẳng. Tuy nhiên, em phải đóng thêm cho công ty 5 triệu đồng nữa”. Thấy quá lợi cho mình, Liễu đã đồng ý ngay và điện thoại về cho gia đình tiếp tục vay mượn thêm tiền. Đến ngày 6-2-2009, Liễu “đóng” tiếp cho Mạnh 7 triệu đồng trước hành lang công ty. Điều đáng nói, cả hai lần đóng tiền, Liễu không nhận được một biên lai nào. Lý do khi Liễu hỏi thì được Mạnh trả lời là do anh gấp việc quá, hẹn em bữa khác anh sẽ đưa.

Cũng trong thời gian này, Mạnh điện cho Liễu hỏi xem có bạn nào cùng cảnh ngộ mà chưa có việc làm thì giới thiệu cho Mạnh, vì trong công ty chuẩn bị có một người nghỉ việc. Nghe vậy, Liễu đã giới thiệu Nhã để xin việc. Chiều ngày 21-1-2009, Mạnh hẹn gặp Liễu và Nhã để duyệt hồ sơ, sau đó đưa ra yêu cầu như cũ và Nhã đồng ý. Để có 10 triệu “đóng cổ phần” cho Mạnh, Nhã phải điện thoại mượn của bạn Huỳnh Văn Anh (ở thành phố Hồ Chí Minh) 4 triệu đồng, Lê Thị Ngọc Diệu (ở Huế) 2 triệu đồng, Lê Thị Ngọc Linh (ở Đà Nẵng) 2 triệu đồng, còn 2 triệu đồng, Nhã đã cầm cố chiếc xe máy của mình.



Danh thiếp có hình ảnh của Trịnh Văn Mạnh.
Sau khi cả hai hoàn tất khâu nộp tiền “đóng cổ phần”, Mạnh đưa cho Liễu và Nhã hai bảng hợp đồng làm việc nhưng không có dấu mà chỉ có một chữ ký đơn sơ và hẹn Liễu đi làm vào ngày 1-4, còn Nhã sẽ đi làm vào ngày 1-7. Thấy hợp đồng lạ, Liễu và Nhã lên tiếng thì được Mạnh biện bạch nhiều lý do: hợp đồng dạo này cần chi dấu, vả lại do sếp đi công tác xa.

Ngày 25-3-2009, Mạnh tiếp tục điện thoại cho Liễu và nói do tiến độ của công ty nên ngày đi làm của em bị hoãn lại. Mạnh cũng cho biết thêm, công ty đang cần tuyển thêm 4 người nữa, nếu em có bạn bè gì thì giới thiệu luôn thể. Nghe vậy, Liễu đã điện thoại báo ngay cho bạn là Nguyễn Trọng Hiếu, trú tại Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa để xin việc làm. Sau khi Hiếu đến Đà Nẵng, Mạnh hẹn gặp Hiếu tại quán cà phê Chik3l, đường Phan Đăng Lưu để xem hồ sơ. Tuy nhiên, để được vào làm việc, Hiếu phải “đóng cổ phần” cho công ty 30 triệu đồng vì lý do bằng trung bình. Nghe vậy, Hiếu hốt hoảng và rút lui thì Mạnh đã nhanh chóng “hạ giá” xuống 15 triệu đồng rồi 10 triệu đồng nhưng con mồi cũng không cắn câu vì Hiếu đã nghi ngờ. Trước khi rời khỏi Đà Nẵng, Hiếu đã có lời cảnh báo với hai bạn nữ của mình nhưng tiền đã lỡ trao tay và “đâm lao thì phải theo lao” nên cả hai cùng chờ đợi.

Tiếp đến, ngày 10-4-2009, Mạnh hẹn gặp Bùi Thị Lý (Lệ Thủy, Quảng Bình, người được Liễu giới thiệu) trước công ty. Khi Lý đến, do chờ lâu mà vẫn không thấy Mạnh nên đã đi thẳng vào công ty hỏi thì được lễ tân cho biết là công ty không có ai tên là Mạnh và chị ta còn nói thêm, mấy ngày nay có rất nhiều người đến hỏi. Biết bị lừa, Lý về báo lại cho Liễu và Nhã. Lúc này, cả hai người vẫn liên lạc được với Mạnh nên chưa tin vào điều đó. Nhưng đến ngày 1-7-2009, khi cả hai gọi điện liên lạc cho Mạnh thì máy đã tắt. Đến lúc này, Liễu và Nhã mới biết mình đã bị lừa.

Để làm rõ sự việc có liên quan đến Công ty VISCO, ngày 4-8, chúng tôi đến trụ sở công ty này. Tại đây, ông Nguyễn Tâm, Giám đốc công ty cho rằng, VISCO chưa bao giờ đặt vấn đề với Công ty Ngân Việt để giới thiệu duyển dụng vào công ty và cũng chưa có ý định tuyển dụng lao động. Để xác minh trong nhân viên có người tên Mạnh hay không, ông Tâm đã cho người xác nhận thì được biết công ty từ trước đến nay không có ai tên là Trịnh Văn Mạnh.



Chữ ký của ông Nguyễn Tâm thật (bên phải) và chữ ký giả của ông Nguyễn Tâm (bên trái).
Ông Tâm cho biết, do ở trụ sơ có nhiều công ty khác đóng ở đây nên đối tượng lợi dụng phía hành lang để “câu con mồi” và in logo của công ty lên danh thiếp để giả mạo, lừa đảo. Theo ông Tâm, hình thức tuyển dụng của Công ty VISCO phải qua nhiều công đoạn, không đơn giản như trong đơn này trình bày. Trước hết phải qua phê duyệt của Hội đồng quản trị, sau đó mới tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Vậy, Trịnh Văn Mạnh này là ai? Vì sao Công ty Ngân Việt giới thiệu người lao động đến Công ty VISCO và trước khi đi, người được giới thiệu cho biết, công ty này đã cho xem mặt Trịnh Văn Mạnh này từ danh thiếp có hình ảnh cho người được giới thiệu?

Để đối chiếu chữ ký của ông Nguyễn Tâm là giám đốc thật và chữ ký giả mang tên ông Nguyễn Tâm trong bản hợp đồng lao động được Liễu và Nhã cung cấp, chúng tôi đã yêu cầu ông ông Tâm ký để đối chứng thì được biết, nét chữ ký của hai bên khác nhau hoàn toàn.

Ông Tâm bức xúc, đây là đối tượng lợi dụng công ty lớn, có uy tín để lừa đảo, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của doanh nghiệp. Vì vậy, ông đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra để trả lại danh dự cho VISCO cũng như ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo của đối tượng.

Qua tìm hiểu tại quầy lễ tân của công ty, chúng tôi được biết, thời gian qua có hàng chục người đến đây tìm người tên là Trịnh Văn Mạnh. Vậy, Trịnh Văn Mạnh này đã lừa đảo của bao nhiều người, vẫn là câu hỏi dành cho các cơ quan chức năng?

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.