.
HÔM NAY 6-8, MỞ LẠI PHIÊN TÒA XÉT XỬ SƠ THẨM BỊ CÁO TRẦN VĂN THANH VÀ ĐỒNG PHẠM

Liệu có tiếp tục trì hoãn phiên tòa?

Hôm nay ngày 6-8, Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Đà Nẵng mở lại phiên xét xử sơ thẩm các bị cáo Trần Văn Thanh (Thiếu tướng, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an); Dương Tiến  (nguyên Trung tá Công an); Đinh Công Sắt (nguyên Thiếu tá Công an) và Nguyễn Phi Duy Linh.
 
Dư luận đang chăm chú theo dõi lần xử thứ ba này liệu bị cáo Trần Văn Thanh có diễn màn kịch mới nào nữa không. Bổn cũ nằm xe cứu thương, với bình chuyền lủng lẳng của bị cáo Trần Văn Thanh, ào tới phiên tòa, nhằm tạo ra dư luận rằng phiên tòa là vô nhân đạo, xét xử bị cáo trong tình trạng hôn mê là vi phạm pháp luật (...) đã bị dư luận lật tẩy.

Sau khi Báo Đà Nẵng đăng bài “Xung quanh phiên tòa xét xử bị cáo Trần Văn Thanh và đồng phạm: Những câu hỏi cần làm sáng tỏ” (30-7-2009), được bạn đọc chia sẻ và đồng tình. Để hiểu hơn diễn biến vụ án, vẫn còn một số câu hỏi cần được trả lời.

Tòa xử thì huyết áp tăng, tòa hoãn thì huyết áp ổn định

Tại phiên xét xử ngày 20-7 vừa qua, bị cáo Trần Văn Thanh được Bệnh viện 199 Bộ Công an (BCA) đóng tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng đưa đến nơi xét xử tại số 86 Hùng Vương bằng xe cấp cứu, và do huyết áp tăng cao nên được yêu cầu trả về lại Bệnh viện 199 để điều trị. Sự thật diễn biến trước và sau khi tạm hoãn phiên tòa như thế nào? Trước đó, theo kết quả trưng cầu giám định sức khỏe của TAND thành phố (ngày 14-7-2009) tại Bệnh viện 19.8 (BCA, Hà Nội), sức khỏe bị cáo Trần Văn Thanh hoàn toàn bình thường, đủ sức khỏe để dự phiên tòa.

Việc bị cáo bay vào Đà Nẵng chiều ngày 19-7 cũng diễn ra bình thường, nhưng chẳng hiểu vì sao chỉ sau một đêm, bị cáo Trần Văn Thanh lại trong tình trạng huyết áp tăng 200/90 mmHg và  được Bệnh viện 199 chu đáo đưa đến tòa trên xe cấp cứu. Trên vài tờ báo và trang mạng có thông tin lập lờ rằng, TAND thành phố Đà Nẵng cố tình triệu tập bị cáo Trần Văn Thanh khi đã biết “tình trạng nguy kịch”, điều này hoàn toàn không đúng. Trước phiên toà như đã nói, huyết áp của bị cáo Trần Văn Thanh là hoàn toàn ổn định.

Ý đồ trì hoãn phiên toà, cố tình tạo dư luận để bôi xấu thành phố của ông Trần Văn Thanh càng thấy rõ hơn. Vì sao vé máy bay khứ hồi được lấy trước đó là vào tối ngày 20-7? Vì sao luật sư chính bào chữa cho ông ta vắng mặt trong buổi khai mạc phiên toà? Người ta có quyền nghi ngờ rằng cái kịch bản “nằm xe cứu thương đến toà” đã được dàn dựng từ trước. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn, sau khi Tòa hoãn xử, bị cáo Trần Văn Thanh trở ra ngay Hà Nội.
 
Vì sao không đi theo vé máy bay đã được mua sẵn trước đó? Vì sao lại phải đi bằng ô tô cứu thương, khi biết rằng huyết áp cao và thể trạng “hôn mê” như vậy? Thông thường trong những trường hợp như vậy người ta dễ chọn 60 phút ngồi máy bay hơn là bằng ô tô cả ngày đêm để vượt qua gần 800 km đường bộ! Chưa hết, màn kịch huyết áp cao bị lật tẩy ngay sau đó. Bốn ngày sau khi tạm hoãn phiên toà, ngày 24-7-2009, đại diện TAND thành phố Đà Nẵng ra Hà Nội tống đạt Quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 6 và 7-8-2009.

Trước khi tống đạt quyết định, đại diện của tòa đã hỏi ý kiến Bệnh viện 19.8 về tình trạng sức khỏe và đã được chính thức thông báo:  huyết áp của bị cáo Trần Văn Thanh là 110/70mmHg, mạch 58 chu kỳ/phút. Cần nhắc lại rằng: tất cả những lần đại diện các cơ quan tố tụng của thành phố Đà Nẵng tiếp xúc với bị cáo Trần Văn Thanh để tống đạt cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập thì sức khỏe của bị cáo Trần Văn Thanh ổn định, huyết áp đo được đều ở mức bình thường là 110/70mmHg, mạch 60 chu kỳ/phút. Cũng cần nhấn mạnh rằng, suốt 5 tháng điều trị tại Bệnh viện 19.8 (BCA, Hà Nội) bệnh nhân Trần Văn Thanh chỉ có một ngày huyết áp lên 170, còn lại là bình thường, nếu không muốn nói là lý tưởng so với tuổi của ông (120/80 hoặc 110/70).

Tòa chỉ làm việc với bị cáo Trần Văn Thanh khi đã được bác sĩ thông báo tình trạng sức khỏe của ông ta ổn định. Mặc dù được Bệnh viện 19.8 kết luận có ổ xuất huyết mới do TBMMN (tai biến mạch máu não) và yếu nửa người bên trái do tai biến, nhưng trong quá trình điều trị tại Bệnh viện 19.8, bị cáo vẫn đi ra khỏi bệnh viện một cách bình thường.
 
Theo sao trích bệnh án của Bệnh viện 19.8, ông Trần Văn Thanh đã ra khỏi bệnh viện 3 lần: Lần thứ nhất là ngày 17-6-2009, ông Trần Văn Thanh có báo cáo với trưởng khoa Nội A  do có việc riêng phải ra ngoài, giám đốc bệnh viện chưa kịp có ý kiến thì bị cáo đã ra khỏi bệnh viện. Lần thứ hai vào ngày 29-6-2009, bị cáo ra khỏi bệnh viện từ 6 giờ sáng và trở lại lúc 11 giờ 20, có yêu cầu và được bác sĩ đồng ý. Lần thứ ba bị cáo ra khỏi bệnh viện lúc 8 giờ 30 phút ngày 8-7-2009 và trở lại lúc 13 giờ 30 phút. Lần này bị cáo có yêu cầu nhưng giám đốc bệnh viện cũng chưa kịp có ý kiến. Rõ ràng việc “yếu nửa thân người” không đến mức ảnh hưởng đến việc đi lại của bị cáo Trần Văn Thanh.

Theo giới chuyên môn, việc làm cho cơ thể tăng huyết áp, tăng nhịp tim nhưng vẫn kiểm soát được tình hình sức khoẻ, không phải là chuyện quá khó và trong thực tế có rất nhiều mẹo để thực hiện.

Có tội hay không phải được tuyên tại tòa

Theo nguồn tin của Báo Đà Nẵng được biết, ngày 29-7-2009, người nhà của bị cáo Trần Văn Thanh đã có đơn đề nghị gửi lên Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao phản ánh: Các cơ quan Tố tụng tại Đà Nẵng đã cố tình không quan tâm tình trạng sức khỏe của bị cáo Trần Văn Thanh mà vẫn bắt phải nhận quyết định, giấy triệu tập xét xử, không được hoãn xét xử.

Đơn yêu cầu người có trách nhiệm quan tâm giải quyết vụ việc của bị cáo để bảo đảm đúng pháp luật, khách quan.Theo quy định pháp luật, tòa sẽ không xét xử bị cáo nếu sức khỏe của bị cáo không bảo đảm, nhưng cũng sẽ không có chuyện phiên tòa bị đình chỉ, và bị cáo được miễn truy tố hình sự vì lý do sức khỏe theo kiểu dao động huyết áp. Việc bị cáo có tội hay không có tội phải được xét xử công khai, minh bạch, đúng thủ tục tại phiên tòa.

Ở đây cũng cần nói thêm, có ý kiến xấu nói rằng, thời điểm khánh thành cầu Thuận Phước được cố tình chọn đúng vào ngày 19-7, sát ngày 20-7 là ngày khai mạc phiên tòa. Ai cũng biết, ban đầu thành phố đã quyết định khánh thành cầu Thuận Phước vào ngày 13-7. Giấy mời đã được phát hành đến tất cả đại biểu dự Kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố (ngày 7-7-2009), nhưng do thời điểm đó, lãnh đạo Trung ương bận việc đột xuất không dự được, nên thành phố chuyển sang ngày 19-7. Việc khánh thành cầu Thuận Phước và việc xét xử vụ án Đinh Công Sắt và đồng phạm không liên quan gì với nhau. 

Nhân dân Đà Nẵng anh hùng, trong hơn 10 năm qua đã vượt qua biết bao thử thách. Chỉ riêng 85 vạn hộ vì sự phát triển của thành phố đã chấp nhận giải toả, đến nơi tái định cư mới đã là một kỳ tích. Cây cầu Thuận Phước tuyệt đẹp kia không thể khánh thành sát với ngày xét xử một con người, mà trong quá khứ đã từng chịu sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân, đồng chí, nhưng đã phản lại sự tin cậy của thành phố này.
 
Điều duy nhất mà ông Trần Văn Thanh có thể làm trong phiên toà hôm nay, là thành thật biết và nhận ra sai lầm. Ai cũng có thể có thiếu sót, sai lầm, nhưng điều quan trọng là nhận thấy và sửa chữa sai lầm. Nhân dân cũng sẵn sàng vị tha, bao dung đối với những người biết hối cải. Song qua theo dõi diễn biến vụ án này, có thể nhận thấy ông Trần Văn Thanh luôn tìm mọi cách để tránh né, không dám đối diện với sự thật. Ông và luật sư bào chữa của ông cũng đã từng ký vào biên bản đề nghị Toà xử vắng mặt. Điều mà dư luận cần lúc này, là ông Trần Văn Thanh nên dũng cảm đối diện với sự thật. 

Hoàng Anh

 

;
.
.
.
.
.