.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử Trần Văn Thanh và đồng phạm:

Trần Văn Thanh lãnh 18 tháng tù treo

.

(ĐNĐT) - Ngày 7-8, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Văn Thanh và các đồng phạm bước sang phần tranh luận.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) thành phố Đà Nẵng thực hành quyền công tố tại phiên tòa, bà Lê Thị Xuân Mai đã trình bày quan điểm luận tội của Viện KSND thành phố theo Cáo trạng số 20 ngày 18-6-2009 đã tống đạt cho các bị cáo trước đó. Theo kết luận của Viện KSND thành phố, bị cáo Trần Văn Thanh là người chủ mưu, cầm đầu, chủ động móc nối, lôi kéo, kích động Đinh Công Sắt, Nguyễn Phi Duy Linh, Nguyễn Phát khiếu kiện, tố cáo sai sự thật một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, tán phát Công văn 73,77 của Viện KSND thành phố Đà Nẵng với mục đích hạ uy tín của đồng chí Bí Thư Thành ủy trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII.

Theo Viện KSND, vai trò chủ mưu, phạm tội có tổ chức của Trần Văn Thanh xuyên suốt 3 giai đoạn của vụ án. Giai đoạn 1: Trần Văn Thanh chủ động gặp gỡ, hứa hẹn, lôi kéo Đinh Công Sắt; giai đoạn 2: thông qua Nguyễn Phi Duy Linh xúi giục Sắt viết đơn tố cáo sai sự thật; giai đoạn 3: xúi giục Sắt bỏ trốn và cũng thông qua Linh, xúi giục gia đình Sắt đưa hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng (là bà nội và bà ngoại của  bị cáo Đinh Công Sắt) ra Hà Nội kêu oan, khiếu kiện. Mức án dành cho bị cáo Trần Văn Thanh phải nghiêm khắc.

Bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh có vai trò đứng thứ hai, được Trần Văn Thanh cung cấp thông tin đã hướng dẫn Đinh Công Sắt viết đơn tố cáo sai sự thật và chính Linh cũng thảo và gửi nhiều đơn tố cáo sai sự thật đến các cơ quan Trung ương. Theo chỉ đạo của bị cáo Trần Văn Thanh, bị cáo Linh đã cung cấp tiền và xúi giục gia đình bị cáo Sắt đưa hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng ra Hà Nội khiếu kiện kêu oan. Trong quá trình bị tam giam, bị cáo Linh không có thái độ khai báo thành khẩn. Ra tòa, bị cáo Linh phản cung với toàn bộ lời khai của mình. Việc này chỉ làm rõ sự tráo trở của bị cáo Linh và hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng.. Bị cáo Linh không được hưởng một tình tiết giảm nhẹ nào và cần phải cách ly khỏi xã hội để giáo dục. 

Bị cáo Dương Tiến đóng vai trò đồng phạm và lôi kéo người khác phạm tội. Tuy nhiên, bị cáo đã khai báo thành khẩn với Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng. Viện KSND đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Tiến.

Bị cáo Đinh Công Sắt có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải và giúp Cơ quan an ninh điều tra khám phá, điều tra làm rõ để đưa vụ án ra xét xử. Viện KSND đề nghị không cần thiết phải cách ly bị cáo Sắt ra khỏi xã hội.

Viện KSND đề nghị phạt bị cáo Trần Văn Thanh 2-3 năm tù giam cho hưởng án treo, bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh 30-36 tháng tù giam, bị cáo Dương Tiến 17-18 tháng tù, bị cáo Đinh Công Sắt 2-3 năm tù cho hưởng án treo.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Thanh phản bác quan điểm luận tội của Viện KSND và cho rằng hành vi của bị cáo không nghiêm trọng, không có yếu tố gây nguy hiểm cho xã hội. Việc Viện KSND thành phố Đà Nẵng truy tố Trần Văn Thanh là không có cơ sở, chứng cứ thiếu. Luật sư  cho rằng Cáo trạng của Viện KSND thành phố Đà Nẵng buộc tội theo lối suy diễn và yêu cầu chứng minh mối quan hệ giữa hành vi của bị cáo Trần Văn Thanh với hậu quả gây ra.

Luật sư Hoàng Huy Được bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh cũng bày tỏ đồng quan điểm với hai luật sư nói trên và cho rằng, việc tổ chức đưa hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ra Hà Nội kêu oan chỉ thuộc phạm vi đạo đức, chỉ cần lên án, không phải là hành vi lợi dụng để bôi xấu lãnh đạo thành phố. Việc thu thập tài liệu tại nhà vợ cũ của bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh là trái quy định của pháp luật.

Trong phần các bị cáo tự bào chữa cho mình, chỉ có bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh vẫn một mực lời khai của Đinh Công Sắt và Nguyễn Phát (cậu của Sắt) về mình là không khách quan. Cả ba luật sư đều yêu cầu Viện KSND chứng minh hai điều kiện để truy tố các bị cáo theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Đại diện Viện KSND đã viện dẫn các quy định của pháp luật để phản bác các luận cứ của các luật sư bào chữa và khẳng định Cơ quan An ninh điều tra, Viện KSND, TAND thành phố Đà Nẵng làm đúng pháp luật về quy trình tố tụng. Viện KSND đã đưa ra căn cứ về hai điều kiện để truy tố các bị cáo theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự. Đó là bị cáo Trần Văn Thanh từng là Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng nên biết rất rõ về vụ án Phạm Minh Thông đã xử xong. Việc lấy danh nghĩa nhân dân Đà Nẵng gửi các bản sao Công văn 73,77 cho các báo là có động cơ, mục đích hạ uy tín lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Hậu quả hành vi là việc khiếu kiện, tố cáo sai sự thật gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan Trung ương.

Hành vi tán phát Công văn 73,77 trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII là xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của Ủy ban MTTQ thành phố Đà Nẵng, cơ quan đã giới thiệu đồng chí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII, vừa nhằm mục đích hạ uy tín lãnh đạo thành phố, gây hoang mang trong nhân dân và phá hoại bầu cử đại biểu Quốc hội. Đây là hậu quả phi vật chất không thể cân đo đong đếm được. Do vậy, Viện KSND giữ nguyên quan điểm luận tội các bị cáo.

Được nói lời cuối cùng, các bị cáo Đinh Công Sắt, Dương Tiến đều ăn năn hối hận và xin được giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh vẫn nói mình vô tội.

Sau khi nghị án, tòa đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Thanh 18 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng, giao về Văn phòng Bộ Công an giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh 36 tháng tù giam, tính từ ngày bị bắt tạm giam (5-3-2008). Bị cáo Dương Tiến 17 tháng, 5 ngày tù, vừa đủ với thời gian tạm giam, được trả tự do ngay tại tòa. Bị cáo Đinh Công Sắt 12 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 22 tháng 1 ngày và giao về UBND phường Hòa Khê (Thanh Khê) giáo dục trong thời gian thử thách.

Tin và ảnh: S.T

;
.
.
.
.
.