Mới đây, Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Đà Nẵng đã đưa vụ án tranh chấp tài sản liên quan đến ngôi nhà số 77, Lê Đình Lý (Đà Nẵng) ra xét xử lại theo quyết định giám đốc thẩm của Tòa Dân sự, TAND Tối cao (ngày 27-5-2009), nhưng sau đó phải hoãn do thiếu các đương sự quan trọng tại Tòa. Chỉ là vụ việc tranh chấp dân sự về tài sản chung, nhưng vụ án phức tạp đến nỗi phải qua nhiều phiên tòa vẫn chưa xác định được chứng lý thuyết phục về lỗi của các bên, vì không chỉ liên quan đến tình mẫu tử mà cả chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài!
Căn nhà số 77 đường Lê Đình Lý - nơi đang diễn ra sự tranh chấp tài sản. |
Vụ việc đã được đưa ra xét xử tại phiên tòa ngày 5-6-2008 của TAND quận Thanh Khê; sau khi có kháng cáo, được TAND thành phố đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày 15-9-2008 và sau đó, Viện KSND Đà Nẵng đề nghị Viện KSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm của Tòa Dân sự, TANDTC ngày 27-5-2009 chấp nhận kháng nghị này và hủy bản án dân sự phúc thẩm của TAND Đà Nẵng “về vụ án tranh chấp tài sản chung giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Bích Ngọc với bị đơn là bà Nguyễn Thị Phú Mỹ, ông Phạm Thành Trung và ông Trương Văn Chiến(...); giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Đà Nẵng xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật”. Vì sao có sự rắc rối này từ một vụ án tranh chấp dân sự?
Vụ việc tranh chấp bắt đầu từ việc mua đất, xây dựng và mua bán căn nhà 77, Lê Đình Lý (LĐL) cũng như Giấy thỏa thuận công nợ được lập vào ngày 15-6-2005 giữa hai mẹ con bà Ngọc. Giấy thỏa thuận (tóm tắt) này thể hiện: Bà Mỹ là người mua miếng đất 77 LĐL với số tiền 1,1 tỷ đồng (trong đó bà Mỹ bỏ vốn 750 triệu đồng, số còn lại mượn của bà Ngọc 350 triệu đồng).
Sau khi thỏa thuận, bà Ngọc đã hợp tác xây dựng căn nhà trên miếng đất của bà Mỹ với số tiền 1,45 tỷ đồng. Vậy, hiện nay bà Mỹ thiếu bà Ngọc số tiền là 1,8 tỷ đồng. Nhưng hiện căn nhà đã đem cầm tại ngân hàng với tổng số tiền là 1 tỷ đồng. Số tiền này đã cho bà Ngọc mượn. Sau khi bán được nhà, bà Mỹ phải trả cho ngân hàng số tiền 1 tỷ đồng và trả cho bà Ngọc 800 triệu đồng. Số tiền còn lại sau khi bán nhà hoàn toàn thuộc về quyền sở hữu của bà Mỹ.
Tại bản án số 46/2008/DS-PT ngày 15-9-2008 của TAND Đà Nẵng, kết luận: “Căn cứ vào giấy thỏa thuận công nợ (...) đối với nhà và đất nêu trên với giá trị đầu tư ban đầu của cả hai người là 2,55 tỷ đồng, thì bà Trần Thị Bích Ngọc có đầu tư số tiền 1,8 tỷ đồng với hình thức hợp tác với bà Mỹ là có cơ sở”.
Đồng thời, “tại thời điểm trước khi lập giấy thỏa thuận ngày 15-6-2005, các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ thể hiện giữa bà Mỹ và bà Ngọc không hề có chứng cứ nào xác định bà Mỹ có giao cho bà Ngọc số tiền 1 tỷ đồng”, “phù hợp với lời trình bày của các nhân chứng cho rằng việc bà Ngọc mượn 1 tỷ đồng trong cam kết ngày 15-6-2005 là không có thực”. Do đó, HĐXX “xét thấy cấp sơ thẩm (TAND quận Thanh Khê-NV) xác định nhà và đất tại 77 LĐL là tài sản chung của bà Ngọc và bà Mỹ, trong đó phần đóng góp ban đầu của bà Mỹ là 750 triệu đồng, của bà Ngọc là 1,8 tỷ đồng là có căn cứ”.
Vì thế, TAND Đà Nẵng đã quyết định “công nhận nhà đất tại 77 LĐL trị giá 4.736.026.000 đồng là tài sản chung của bà Ngọc và bà Mỹ, giao cho bà Ngọc được quyền sở hữu toàn bộ nhà ở và quyền sử dụng đất tại 77 LĐL hiện có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do bà Mỹ đứng tên (đã chuyển nhượng sang cho ông Trương Văn Chiến-NV)... Đồng thời bà Ngọc thối trả cho bà Mỹ số tiền 1.392.865.299 đồng...”.
Đưa ra quyết định trên, bên cạnh những căn cứ pháp luật hiện hành, TAND Đà Nẵng còn xét thấy trong thời gian lập giấy thỏa thuận công nợ, “Theo luật pháp hiện hành, Việt kiều chưa thể đứng tên sở hữu nhà đất, nên bà Ngọc để cho con gái là bà Mỹ đứng tên giúp trên giấy tờ sở hữu”. Đồng thời, “trước khi xuất cảnh hợp pháp vào năm 1993, bà Ngọc đã ủy quyền cho bà Mỹ quản lý sử dụng căn nhà tại thành phố Pleiku, Gia Lai và đồng ý cho bà Mỹ bán căn nhà trên với giá 750 triệu đồng”.
Trước quyết định trên, Viện KSND Đà Nẵng có đề nghị và ngày 12-3-2009, Viện KSNDTC đã có quyết định kháng nghị bản án trên theo thủ tục giám đốc thẩm. Quyết định này nêu rõ: “Lô đất 77 LĐL là do bà Mỹ mua và đứng tên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó bà Mỹ đã xin và được cấp phép xây dựng nhà ở. Khi hoàn thành, bà Mỹ đã được Sở Xây dựng Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Khi bà Mỹ chuyển nhượng nhà, đất cho ông Trương Văn Chiến thì bà Ngọc khởi kiện đề nghị công nhận quyền sở hữu nhà, đất 77 LĐL là tài sản chung giữa bà Ngọc và bà Mỹ, nhưng hồ sơ vụ án không có tài liệu nào chứng minh việc mua đất, xây dựng nhà là do bà Ngọc trực tiếp đứng tên, bà Ngọc cũng thừa nhận qua các lời khai, đơn khởi kiện là bà Ngọc đã cho bà Mỹ mượn tiền mua đất, làm nhà tổng số tiền 1,8 tỷ đồng, bà Ngọc cũng không có giấy ủy quyền cho bà Mỹ mua đất, làm nhà”.
“Bản án phúc thẩm nêu trên còn công nhận nhà đất số 77 LĐL là tài sản chung của bà Ngọc và bà Mỹ, đồng thời giao cho bà Ngọc được quyền sở hữu toàn bộ nhà ở và quyền sử dụng đất số 77 LĐL do bà Mỹ đứng tên đã chuyển nhượng cho ông Trương Văn Chiến, đồng thời buộc ông Chiến phải trả lại nhà, đất cho bà Trần Thị Bích Ngọc là thiếu căn cứ”.
Đồng thời, trong đề nghị của mình, Viện KSND Đà Nẵng đã nêu ra nhiều chứng cứ cho rằng “Tòa án hai cấp (sơ thẩm của TAND quận Thanh Khê và phúc thẩm của TAND thành phố Đà Nẵng-NV) đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và nội dung, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.
Từ kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSNDTC, ngày 27-5-2009, Tòa Dân sự, TANDTC đã có quyết định giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị trên, hủy bản án dân sự phúc thẩm của TAND Đà Nẵng “về vụ án tranh chấp tài sản chung giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Bích Ngọc với bị đơn là bà Nguyễn Thị Phú Mỹ, ông Phạm Thành Trung và ông Trương Văn Chiến (...); giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Đà Nẵng xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, quyết định giám đốc thẩm của TANDTC cũng nêu nhận định: “Việc Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm xác định nhà và đất tại 77 LĐL là tài sản chung của bà Mỹ và bà Ngọc, trong đó bà Mỹ có 750 triệu đồng = 29,41%, bà Ngọc có 1,8 tỷ đồng = 70,59% là có căn cứ, phù hợp với quy định tại Điều 215 và Điều 217 của Bộ luật Dân sự”; “Theo quy định tại Điều 121, Luật Đất đai năm 2003 và Khoản 1, Điều 126 của Luật Nhà ở, thì bà Ngọc (Việt kiều về nước đầu tư-NV) thuộc đối tượng được sử dụng đất ở và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Do đó, việc Tòa án cấp phúc thẩm giao cho bà Ngọc được sở hữu nhà 77 LĐL theo yêu cầu của bà Ngọc là có căn cứ, đúng pháp luật”.
NGUYỄN THÀNH