.
LIÊN QUAN VỤ TRANH CHẤP NGÔI NHÀ SỐ 77, LÊ ĐÌNH LÝ, ĐÀ NẴNG

Tòa viện chứng, Viện kháng lý! - Kỳ 2: Có dấu hiệu tẩu tán tài sản đang tranh chấp?

Theo bản án số 46/2008/DS-PT ngày 15-9-2008 của TAND Đà Nẵng: “Mặc dù bà Mỹ thừa nhận tại thỏa thuận ngày 15-6-2005 là có sự hợp tác xây dựng nhà và đất nêu trên (77-Lê Đình Lý-NV) cùng với bà Ngọc, và bà Mỹ cũng biết rất rõ nhà và đất nêu trên là đối tượng tranh chấp của các bên được Tòa án thụ lý giải quyết nhưng khi thực hiện việc chuyển nhượng toàn bộ nhà, đất cho người khác lại cố tình không thông báo cho bà Ngọc biết, cố tình giấu giếm cam đoan không trung thực trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ngày 10-9-2007 rằng “Lô đất và tài sản gắn liền trên đất đem đi chuyển nhượng... không phải là đối tượng của bất cứ sự tranh chấp nào” (...). Do vậy, HĐXX xét thấy việc chuyển nhượng nhà đất của bà Mỹ và ông Trung là không ngay tình, có hành vi tẩu tán tài sản đang tranh chấp và trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ dân sự”.

       >> Tòa viện chứng, Viện kháng lý!

Bản án này cũng đưa ra nội dung “Quá trình giải quyết vụ án, ông Trương Văn Chiến là người nhận chuyển nhượng toàn bộ nhà và đất tại 77 LĐL do bà Mỹ, ông Trung chuyển nhượng trình bày ông không biết việc tranh chấp tài sản chung giữa bà Ngọc và bà Mỹ về nhà và đất này, khi ông nhận chuyển nhượng, không có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền ngăn cản việc chuyển nhượng giữa ông và bà Mỹ, ông Trung, do vậy việc chuyển nhượng nhà và đất nêu trên là hợp pháp”(...).
 
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Chiến trình bày nếu ông biết trước việc tranh chấp nhà giữa bà Ngọc và bà Mỹ, ông sẽ không nhận chuyển nhượng ngôi nhà này, nhưng sau 7 ngày kể từ ngày 11-9-2007 được công chứng chứng thực hợp đồng, ông mới biết việc nhà đất này có tranh chấp, do vậy các ông Nguyễn Hữu Vành, Nguyễn Hữu Đấu (những người chung vốn mua nhà và đất 77 LĐL với ông Chiến-NV) lo ngại việc đầu tư không hiệu quả nên rút vốn, chỉ còn lại mình ông, nên buộc ông phải lập hợp đồng sửa đổi bổ sung ngày 2-11-2007 để chuyển tên bên nhận chuyển nhượng do mình ông đứng tên” (...).

Thế nhưng, điều khó hiểu ở đây là hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ nhà và đất tại 77 LĐL ngày 10-9-2007 xác định giá trị là 3,9 tỷ đồng; nhưng đến khi thay đổi bên nhận chuyển nhượng vào ngày 2-11-2007 chỉ còn một mình ông Trương Văn Chiến đứng tên, giá chuyển nhượng chỉ còn 1 tỷ đồng! Chỉ sau 14 ngày, ông Chiến đã dùng tài sản này bảo lãnh cho ông Lê Võ Thao vay của Ngân hàng Phương Đông - Chi nhánh Trung Việt số tiền 2,4 tỷ đồng(!?).

Trước những chứng cứ và lập luận này, bản án đã nêu nhận định: “Với hành vi xác lập hợp đồng sửa đổi này (ngày 2-11-2007 - NV) của các đương sự, đã thể hiện ông Chiến, bà Mỹ và ông Trung tuy biết rõ nhà đất có sự tranh chấp với bà Ngọc, nhưng vẫn cố tình cùng nhau giấu giếm việc tài sản chuyển nhượng đang có tranh chấp, cùng thỏa hiệp che lấp bản chất thật của giao dịch do các bên đang tiến hành để thực hiện cho bằng được việc chuyển nhượng để tẩu tán, chuyển dịch tài sản”.

Với nhận định này, HĐXX đã quyết định hủy cả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất ngày 10-9-2007 và hợp đồng sửa đổi, bổ sung ngày 2-11-2007 vì vô hiệu; buộc bà Mỹ và ông Trung phải trả cho ông Chiến số tiền là 3.818.013.000 đồng; buộc ông Chiến phải trả lại ngôi nhà và đất tại 77 LĐL cho bà Mỹ sở hữu (sau đó được TAND thành phố Đà Nẵng sửa chữa, bổ sung là “trả lại ngôi nhà và đất tại 77 LĐL cho bà Ngọc sở hữu” do có sai sót giữa Biên bản nghị án và biên bản gốc được thông qua tại phòng nghị án với biên bản chính do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ký-NV).

Tuy nhiên, ngay sau đó, Viện KSNDTC có quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND thành phố Đà Nẵng liên quan đến việc chuyển nhượng này với nhận định “Ngày 10-9-2007 giữa bà Nguyễn Thị Phú Mỹ với ông Trương Văn Chiến có lập hợp đồng chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền trên đất và ngày 2-11-2007 hai bên có làm hợp đồng sửa đổi bổ sung với nội dung trên...
 
Hợp đồng trên đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và hai bên mua bán đã giao nhận tiền, giao nhận nhà”. Với nhận định đó, Viện KSNDTC cho rằng bản án phúc thẩm hủy hợp đồng chuyển nhượng trên là “không có cơ sở”, và đề nghị giám đốc thẩm.

Theo đề nghị này, ngày 27-5-2009, Tòa Dân sự, TANDTC đã có quyết định giám đốc thẩm số 215/2009/DS-GĐT nêu rõ: “Theo quy định tại Điều 223 của Bộ luật Dân sự và Điều 96 của Luật Nhà ở, thì bà Mỹ bán nhà 77 LĐL là nhà thuộc sở hữu chung của bà Mỹ và bà Ngọc cho các ông Nguyễn Hữu Đấu, Nguyễn Hữu Vành và Trương Văn Chiến mà không có sự đồng ý của bà Ngọc bằng văn bản, thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đương nhiên bị vô hiệu theo quy định...

Tòa án cấp phúc thẩm xác định hợp đồng trên và hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng trên ngày 2-11-2007 vô hiệu là có căn cứ, đúng pháp luật”. Tuy nhiên, quyết định giám đốc thẩm cũng nêu rõ “Do Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá không đúng về lỗi của các bên làm cho hợp đồng bị vô hiệu để xác định trách nhiệm chịu thiệt hại do hợp đồng vô hiệu” nên đã quyết định “cần phải hủy bản án dân sự phúc thẩm để giao hồ sơ vụ án cho TAND Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại vụ án theo hướng giải quyết hậu quả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất giữa bà Mỹ, ông Trung với ông Đấu, ông Vành và ông Chiến ký ngày 10-9-2007 và hợp đồng sửa đổi, bổ sung ngày 2-11-2007”.

Vụ án đang chờ được xét xử sơ thẩm lại khi có đủ điều kiện. Vấn đề là phải giải quyết cho được vai trò đồng sở hữu của bà Ngọc đối với đất và tài sản trên đất ở 77 LĐL; đồng thời xác định giá trị pháp lý và lỗi của các bên trong việc chuyển nhượng liên quan đến ngôi nhà này giữa bà Mỹ với ông Chiến.

Tuy nhiên, qua vụ việc này cũng cho thấy, không chỉ cần phải cảnh giác với việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật, mà cũng cần phải dự lường trước những vấn đề diễn ra trong đời sống tình cảm, nguyên tắc ứng xử và đạo đức cuộc sống, giữ được mối quan hệ hài hòa giữa con người với nhau và với khuôn khổ của pháp luật.

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.