.
Vụ án tranh chấp đất đai giữa hai anh em ruột tại xã Hoà Khương, huyện Hòa Vang:

Đất “phá” tình anh em

.

(ĐNĐT) - Vụ tranh chấp đất đai tại xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang giữa hai anh em ruột làm chúng tôi nhớ đến đạo lý sống của người xưa.

Ngày 30-8-2008, TAND huyện Hoà Vang đưa ra xét xử vụ án dân sự, theo thụ lý số 10/2008/TLST-DS ngày 17-4-2008 về việc: “Yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất (QSDĐ) hợp pháp” của ông Trần Công Thanh (SN 1942), trú thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang bị nguyên đơn khởi kiện là ông Trần Khải Minh (SN 1948 – thực tuổi SN 1953, em ruột của ông Thanh) và bà Nguyễn Thị Sang (SN 1953 - vợ ông Minh), hiện trú thôn Vĩnh Hải, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Nỗi buồn của mẹ con bà Lý khi việc tranh chấp đất đai của ông Thanh và ông Minh liên quan đến gia đình bà gần 9 tháng qua vẫn chưa được giải quyết.

Theo đơn khởi kiện của ông Minh và bà Sang ngày 10-4-2008, trong thời gian chiến tranh, anh chị em ruột đi thoát ly chỉ còn bà Trần Thị Lý (SN 1950 – chị ruột của ông Minh) ở cùng mẹ là bà Đinh Thị Miễn (nay đã mất) sống tại ấp Bắc Phú Sơn. Sau năm 1975, mẹ và chị ông trở về ở tại đội 8 thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang làm một căn nhà tre lá ở tại khu đất do Hợp tác xã Nông nghiệp 2 quản lý. Năm 1976, bà Lý lấy chồng ra ở riêng thì vợ chồng ông Thanh về ở ngôi nhà đó cùng mẹ ruột của ông.

Tuy nhiên, do cảnh mẹ chồng nàng dâu không hợp, thường xảy ra bất hòa nên vợ chồng ông Thanh tự ra ở riêng trên mảnh đất khác. Do thấy mẹ ở một mình không có người chăm sóc nên ông Minh chuyển công tác từ Lâm Đồng về Hòa Vang để phụng dưỡng mẹ già từ năm 1977.

Năm 1979, vợ chồng ông Minh đã xây dựng lại ngôi nhà mới ba gian trên diện tích đất 1.049m2 (đất do Hợp tác xã Nông nghiệp 2 quản lý). Trong quá trình sử dụng, ông Minh đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. Tuy nhiên, khi kê khai theo chỉ thị 299 của Chính phủ, vợ chồng ông bận công tác xa nên tổ kê khai điền tên bà Miễn vào danh sách. Năm 1996, vợ chồng ông Minh được UBND huyện Hòa Vang cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhiều thửa đất với tổng diện tích là 2.918m2, trong đó có 1.049m2 đất thổ cư (qua đo đạc thực tế là 1.073m2). Vợ chồng ông Minh đã xây dựng nhà ở trên mảnh đất đó. Năm 2003, do không có nhu cầu sử dụng đất nữa nên ông đã chuyển nhượng lại cho bà Lý với diện tích 350m2 (thực tế đo đạc là 367m2) và ông Trần Văn Mười (người trú cùng thôn) với diện tích 699m2 (thực tế đo đạc là 706m2) để làm nhà ở thì lúc này ông Thanh đã ngăn cản việc chuyển nhượng và đến tranh chấp nên ông Minh chưa thể làm thủ tục chuyển nhượng được cho hai người này.

Ông Minh đã giao tạm thời cho bà Lý và các cháu của ông là Trần Thị Lựu, Trần Văn Sinh (con bà Lý) được sử dụng 367m2 đất ở và đưa 15 triệu đồng cho bà Lý xây dựng 3 kiốt để làm kế mưu sinh. Ông Minh khẳng định, toàn bộ số đất là 1.049m2 (thực tế là 1.073m2- đất thổ cư) tại thửa số 806m tờ khai bản đồ số 14 và ngôi nhà trên đất là của ông được nhà nước công nhận, không phải là tài sản do cha mẹ ông để lại. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, đất đó là do cha mẹ ông để lại nên phải được quyền thừa kế.

Trong quá trình xét xử, xét thấy những chứng cứ đưa ra của ông Minh cũng như ý kiến của những người liên quan như bà Lý, chị Lựu và anh Sinh… là hợp lệ nên Hội đồng xét xử đã buộc ông Thanh chấm dứt hành vi cản trở QSDĐ hợp pháp của vợ chồng ông Minh. Tại bản án phúc thẩm số 67/2008/DS-PT ngày 29-12-2008 của TAND thành phố Đà Nẵng đã giữ nguyên quyết định của bản án dân sự sơ thẩm và bác kháng cáo của ông Trần Công Thanh.

Mặc dù bản án có hiệu lực gần 9 tháng nay nhưng việc thi hành án vẫn chưa thực hiện. Ông Thanh vẫn còn ngang nhiên cản trở các căn nhà trên, cản trở không cho ông Minh làm thủ tục chuyển QSDĐ, đồng thời không để cho mẹ con bà Lý cũng như ông Mười làm ăn, sinh sống.

Chị Lựu cho biết, do gia đình không có nhà ở nên khi được mẹ cho mảnh đất (mảnh đất do ông Minh chuyển nhượng lại) làm kiốt vừa cho thuê vừa để ở tạm thì rất vui nhưng mọi chuyện không diễn ra như ý muốn. Hiện tại, dù đã xây xong nhưng chị phải ở nhờ tại nhà mẹ đẻ của mình. Chị mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết ổn thỏa việc tranh chấp trên để chị có nhà sinh sống.

Còn anh Sinh, đã có vợ con nhưng do sức khoẻ yếu vì bị bệnh động kinh, không có khả năng lao động nên anh cần được các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời vụ tranh chấp đất đai bất hợp pháp của ông Thanh để anh có thể đưa vào sinh hoạt.

Trong vụ án này, trước khi xảy ra tranh chấp, ông Trần Văn Mười (người trong thôn) đã mua của ông Minh mảnh đất diện tích 706m2 với giá 21,5 triệu đồng. Ông Mười cho biết, trong quá trình sinh sống tại thôn Phú Sơn 3, ông thấy ngôi nhà trên không có xảy ra trành chấp gì. Khi ông Minh bán đất, ông Mười đã đặt vấn đề mua.

Ngày 21-10-1997, ông Mười đã giao số tiền là 21,5 triệu đồng cho ông Minh trước sự chứng kiến của gia đình trong đó có ông Thanh. Ông Mười đã dùng một nửa mảnh đất mua được xây dựng một căn nhà để ở còn ngôi nhà cũ thì ông Thanh cản trở, không cho ông Mười toàn quyền sử dụng. Theo ông Mười, hiện tại ngôi nhà đó, ông Thanh đem bàn thờ tổ tiên ra trưng dụng đồng thời dựng một cái chòi nhỏ cạnh bên để cho một người con “canh giữ”. Dù đã nhiều lần cơ quan chức năng đến giải quyết nhưng ông Thanh vẫn chưa thực thi bản án.

Ông Trần Văn Ngộ, Chấp hành viên cơ quan thi hành án huyện Hòa Vang cho biết, sau khi TAND thành phố đưa ra xét xử phúc thẩm, ông Minh đã có đơn yêu cầu gửi cơ quan thi hành án, cơ quan đã quyết định thụ lý và thực hiện nhiệm vụ thi hành án… Tuy nhiên, khi Thi hành án đến giao các quyết định thi hành án cho ông Thanh thì ông này không chịu hợp tác, buộc cơ quan này phải đang niêm yết các quyết định theo đúng thủ tục. Hiện Thi hành án Hòa Vang đang đề nghị TAND huyện Hòa Vang giải thích rõ hành vi mà Tòa sơ thẩm tuyên: “Buộc ông Trần Công Thanh chấm dứt hành vi cản trở QSDĐ hợp pháp” đối với ông Trần Khải Minh là hành vi cụ thể gì để Thi hành án thi hành theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Ngộ, nếu khi có kết luận của TAND huyện Hòa Vang, Thi hành án thực thi nhiệm vụ, nếu ông Trần Công Thanh không tự nguyện thì sẽ xử phạt hành chính. Nếu tiếp tục cản trở, sau khi xử phạt hành chính thì buộc cơ quan Thi hành án đề nghị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật…

Vụ tranh chấp đất đai giữa hai anh em ruột làm chúng tôi nhớ đến đạo lý sống của người xưa. Câu chuyện kể rằng: Xưa, có hai anh em nhà nọ nghèo nhưng rất chăm chỉ làm ăn, người anh đã lập gia đình còn người em vẫn sống độc thân. Khi cha mẹ họ qua đời, gia tài được chia đều cho cả hi. Họ trồng lúa. Khi đến mùa thu hoạch, đêm đêm, người em nằm thao thức nghĩ thầm: ta còn độc thân sống sao cũng được nhưng anh ta đã có vợ con, tất nhiên cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, ta nên bớt một nửa lúa cho anh chị mới hợp lẽ. Người anh cũng nghĩ rằng: ta có vợ con, thế nào cũng dễ xoay xở, em ta sống độc thân một mình cô đơn. Là anh thì phải biết lo cho em, phải lấy một nửa lúa chia cho em mới được...

Nói rồi, trong đêm ấy, cả hai vác lúa cho nhau thì đã chạm mặt nhau giữa đường. Họ hiểu ra, buông rơi lúa và ôm chầm lấy nhau khóc ròng. Từ đó họ không tách biệt nhau nữa mà sống quấn quýt bên nhau. Bài học xưa sao thắm đượm tình người nhưng nay, khi “tấc đất tấc vàng”, sao nhiều người lại chỉ đặt nặng vật chất, bỏ qua tình người...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.