.
Dự án KCN Hòa Khánh mở rộng ở Hòa Liên (giai đoạn 1)

Vì sao 15 hộ dân không bàn giao mặt bằng?

Gần 7 năm qua, Dự án Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh mở rộng (giai đoạn 1) cứ lặng lẽ trôi qua trong sự thấp thỏm, mong chờ của gần 300 hộ gia đình thuộc diện di dời, giải tỏa ở thôn Vân Dương 1 xã Hòa Liên (Hòa Vang). Ai cũng ngỡ dự án đã bị “treo” nay “sống lại”, nên mọi vướng mắc của người dân theo đó lại tràn đầy hy vọng...

Những hệ lụy do dự án kéo dài


Dự án KCN Hòa Khánh mở rộng (giai đoạn 1) trên địa bàn xã Hòa Liên được công bố quy hoạch vào tháng 3 năm 2003, có diện tích gần 200ha tập trung chủ yếu ở thôn Vân Dương 1, với 300 hộ dân trong diện di dời, giải tỏa. Do địa bàn nơi đây thấp trũng, thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt, bên cạnh đó nguồn nước bị ô nhiễm nặng do KCN Hòa Khánh thải ra nên đông đảo người dân trong thôn đồng tình với dự án và mong muốn sớm di dời đi lập nghiệp nơi khác.

Tuy nhiên gần 7 năm qua, dự án cứ dẫm chân tại chỗ, mọi kế hoạch về đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn phục vụ dân sinh, dân trí và phát triển kinh tế bị bỏ ngỏ vì “cấn” dự án. Nhiều hộ dân nơi đây cho biết, tuyến đường vào khu dân cư đã nhếch nhác, gồ ghề từ nhiều năm trước, mỗi khi mùa mưa về, đoạn đường lầy lội, trơn trượt; đã vậy, hệ thống lưới điện không được nâng cấp, tu sửa nên nhiều nơi như mạng nhện. “Cũng vì vậy mà mùa mưa năm ngoái, dây điện sà xuống giật chết hai con bò, may là chưa có thiệt hại về người”, ông Phạm Xuân, người dân trong thôn kể.

Theo ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, dự án KCN Hòa Khánh mở rộng (giai đoạn 1) do Công ty Khai thác hạ tầng khu công nghiệp làm chủ đầu tư. Sau khi công bố quy hoạch, công ty đã nhanh chóng kiểm định, áp giá đền bù và chi trả tiền cho nhân dân.
 
Tuy nhiên do thiếu năng lực về tài chính, vào năm 2006, UBND thành phố quyết định chuyển chủ đầu tư sang Công ty Sài Gòn-Đà Nẵng và giao Ban GTĐB các dự án ĐTXD thành phố tiếp tục kiểm định, áp giá đền bù các hồ sơ còn lại.

Chính vì nhập nhằng giữa các đơn vị nên đến nay vẫn chưa xác định được số hộ đã nhận và chưa nhận tiền đền bù. Chính UBND xã Hòa Liên nhiều lần kiến nghị các đơn vị liên quan cùng ngồi lại tháo gỡ những vướng mắc nhưng đến nay động thái tích cực đó vẫn chưa có kết quả. Cũng vì kéo dài nên khung giá đền bù của năm 2003 đã không còn thích hợp với thời điểm hiện nay. Nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành và bà Lê Thị Xây áp giá vào năm 2003, với tổng giá trị trên 174 triệu đồng.

Bà Xây cho rằng, với giá đó thì hiện nay không thể xây dựng lại nhà mới, đó là chưa kể nhà bà có hai người con đã lập gia đình và cùng sinh sống với cha mẹ từ hơn 5 năm nay. Khi kiểm định thì hai người con này chưa lập gia đình nên không tính hỗ trợ các lô đất tái định cư phụ. “Tiền của năm 2003 khác rất nhiều so với bây giờ, dù có bù trượt giá vẫn không tương xứng. Chúng tôi chỉ mong thành phố có chủ trương làm sao vừa bảo đảm lợi ích cho Nhà nước, vừa thuận lòng dân”, bà Xây nói.

Lý và tình...

Ông Nguyễn Thu cho rằng, trong số 15 hộ chưa bàn giao mặt bằng có 3 trường hợp mua đất xây nhà trước thời điểm công bố quy hoạch nhưng chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khi áp giá đền bù thì những trường hợp này không được hưởng 100% tiền đền bù đất, hoa màu. Bên cạnh đó, khi kiểm định vào năm 2003, cây cối còn nhỏ, bây giờ đã cho thu hoạch nhưng vẫn không tính chi phí chăm sóc của người dân.

Ông Phạm Xuân, một trong các hộ không bàn giao mặt bằng cho rằng, trong cơn bão số 6 năm 2006, cháu của ông có nhà bên cạnh bị ngã đổ nặng. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, cháu ông đã sửa chữa lại cho có chỗ trú nắng trú mưa, thế nhưng bây giờ đành trắng tay với lý do vì sửa chữa nhà sau công bố quy hoạch.

Trong số những vướng mắc của người dân nơi đây, có lẽ trường hợp anh Huỳnh Thành là “đau” nhất. Tuân thủ các quy định sau khi có công bố quy hoạch, anh Thành tạm gác lại những ước mơ khai phá vùng đất trũng thấp làm kinh tế, quay về với nghề thợ nề. Thế rồi năm này sang năm khác, dự án vẫn không thấy động tĩnh gì; bên cạnh đó do bức bách về nhu cầu kinh tế trong gia đình và nghề thợ nề ế ẩm, anh đánh liều vay ngân hàng 20 triệu đồng, cùng với số tiền ky cóp đào 3 hồ thả cá. Trong hai năm qua, nhờ ao cá này mà kinh tế gia đình anh khấm khá đi lên. Thấy vậy, anh tiếp tục cải tạo, nâng cấp bờ ao, xây rào…

Bây giờ dự án tiếp tục triển khai, bao nhiêu vốn liếng, công sức của anh đành trôi theo dòng nước. Anh Thành chua xót: “Tôi không đòi hỏi nhiều chỉ mong các ngành chức năng cân nhắc hỗ trợ cho tôi một phần kinh phí, chứ tôi đã đầu tư vào đây rất nhiều. Còn nói tôi đã xây dựng sau khi công bố quy hoạch nên không đền bù thì thử hỏi nếu không bươn chải, lo tính thì trong suốt gần 7 năm qua, cả gia đình tôi sống bằng cái gì?”.

Hiện nay, có một số gia đình đã nhận tiền hỗ trợ bố trí tái định cư vào năm 2003 (mỗi lô 25 triệu đồng) nhưng vẫn không bàn giao mặt bằng. Số là vào thời điểm đó, khu tái định cư chưa có nên chủ đầu tư quy giá trị mỗi lô tái định cư là 25 triệu đồng cộng với 5 triệu đồng tiền hỗ trợ di dời cho các trường hợp đi hẳn nên nhiều người đã nhận tiền.

Tuy nhiên, qua các năm bám trụ, nhiều hộ đã sử dụng gần hết số tiền đã nhận nên bây giờ không biết xoay xở thế nào. Nhiều người thừa nhận mình đã vi phạm cam kết khi nhận tiền hỗ trợ bố trí tái định cư. Bây giờ ngành chức năng bảo tháo dỡ nhà cửa đi nơi khác thì phải chấp hành, nhưng đi rồi thì ở đâu? Tiền đã tiêu rồi lấy gì mua đất, xây nhà? 

Theo nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan cần tổ chức họp dân để ghi nhận và giải quyết các vấn đề nảy sinh, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND thành phố có chính sách hỗ trợ trên cơ sở hợp lý, vẹn tình để bảo đảm chính sách an dân và tạo điều kiện cho các hộ gia đình sớm ổn định nơi sinh hoạt và sản xuất.

Hạ Sơn                                                                       

;
.
.
.
.
.