(ĐNĐT) - Trong khi những tấn mỡ động vật không rõ nguồn gốc đang bị cơ quan chức năng “sờ gáy” ở Hà Nội, thì những người vận chuyển số mỡ này bước đầu khai nhận thu mua từ nhiều tỉnh thành, trong đó có huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Phóng viên ĐNĐT đã về xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang để tìm hiểu sự tình
Chảo rán mỡ bốc mùi hôi thối |
Đối với người dân thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, việc chế biến mỡ động vật không phải là điều mới mẻ, bởi ngay trên con đường bê-tông liên thôn của xã, hộ ông Nguyễn Trí đã đúc lò nấu mỡ động vật hơn chục năm qua. Gần đó, hộ anh Nguyễn Phi Dũng, con đầu của ông Trí, cũng vừa mở cơ sở nấu mỡ động vật khoảng 2 tháng. Một hộ dân gần đó cũng tham gia nấu mỡ động vật khiến mùi hôi từ các lò nấu mỡ này phát ra nồng nặc.
Tại cơ sở chế biến mỡ động vật của anh Nguyễn Phi Dũng, hơn 100 bao tải loại 50 kg chứa mỡ đã được nấu ra thành phẩm xếp đầy khoảng sân. Lò nấu nằm bên trong, xung quanh được đắp đất, phía trên đặt một chiếc chảo lớn chứa dầu và đầy ắp các khối mỡ. Mùi hôi thối phát từ chính chiếc chảo này, khói bốc lên nghi ngút, một người đàn ông chốc chốc lại dùng một cây gậy dài đảo các khối mỡ đang rán trong chảo dầu.
Nơi chế biến mỡ nguyên liệu ruồi nhặng bám đầy |
Khoảng vài tiếng đồng hồ sau, số mỡ đã rán được vớt ra cho khô hết dầu rồi cho vào cối, bắt đầu công đoạn ép mỡ. Lượng dầu vừa đun nấu mỡ nguyên liệu xong lại tiếp tục sử dụng để rán loạt mỡ nguyên liệu mới.
Mùi hôi tanh và ẩm thấp tại gian nhà nấu mỡ này khiến nhiều người không quen mùi muốn buồn nôn. Còn trên nền nhà của những cơ sở chế biến mỡ động vật này cơ man ruồi nhặng, những khối mỡ nguyên liệu mua về sẽ được phân loại trên những tấm bạt giăng ra giữa nền đất.
Một nhân công cho biết, mỡ nguyên liệu mua tại lò giết mổ gia súc ở Đà Sơn (quận Liên Chiểu) với giá chỉ 3.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày mỗi lò tiêu thụ khoảng 100 kg mỡ nguyên liệu, để cho ra khoảng 60 – 70 kg mỡ thành phẩm. Những lúc các đầu nậu cần nguồn hàng gấp, các cơ sở này phải tăng cường thu mua từ 1,5 – 2 tạ mỡ nguyên liệu, đốt lò nấu mỡ cả ngày đêm mới kịp xuất hàng.
Tuy nhiên, cũng theo các nhân công này, họ chỉ là người làm công ăn lương hoặc trông coi giúp cơ sở, còn chủ mua bán giá cả ra làm sao thì họ không biết. Và người ta thu mua số mỡ này để sử dụng vào mục đích gì thì họ lại càng không biết.
Vớt mỡ rán chuẩn bị đưa qua công đoạn ép lấy mỡ thành phẩm |
Mang câu hỏi này đến UBND xã Hòa Phong, thì UBND xã xác nhận, tại địa phương cơ sở nấu mỡ của ông Nguyễn Trí đã hoạt động hơn chục năm, hai cơ sở còn lại thì gần đây mới đỏ lửa, tuy nhiên, do không biết các cơ sở nấu mỡ để làm gì nên lâu nay địa phương cũng không xử lý.
Tại ba cơ sở chế biến mỡ động vật thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong, mỗi cơ sở ít nhất cũng chứa gần 100 bao mỡ động vật thành phẩm, tương đương với 15 – 20 tấn mỡ động vật không qua kiểm định chất lượng đang chờ tuồn ra thị trường.
Lục Ngạn