.

Vì sao sinh viên phạm tội?

.

Thời gian qua, lực lượng Công an đã triệt phá nhiều vụ án trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích dẫn đến chết người mà khi làm sáng tỏ vụ việc, chân dung các đối tượng gây án lại chính là những học sinh, sinh viên (HSSV). Nguyên nhân dẫn đến phạm tội của các đối tượng này thì có nhiều, trong đó không loại trừ túng quẫn vì tiền bạc.

Những con số báo động

Do ăn chơi đua đòi, nhiều sinh viên sa vào con đường sử dụng ma túy.

Thống kê chưa đầy đủ của Công an thành phố Đà Nẵng từ năm 2002 đến nay có trên 1.100 vụ việc HSSV vi phạm pháp luật (VPPL). Riêng trong năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009 đã có 353 trường hợp là HSSV VPPL (hình sự là 315, ma túy 12, giao thông 26 trường hợp). Qua đó, lực lượng Công an đã khởi tố 98 vụ với 124 đối tượng gồm tội phạm trộm cắp, cướp giật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo…

Ham chơi, đua đòi

Trở thành sinh viên (SV) là ước mơ của tất cả những cô cậu học trò. Vì vậy, 12 năm cắp sách đến trường là 12 năm học tập, phấn đấu không mệt mỏi để đạt được ước nguyện. Trước khi đến giảng đường, có biết bao tân SV hứa với gia đình, thầy cô và bạn bè sẽ chăm chỉ học tập để không phụ lòng mong mỏi của mọi người. Nhưng khi vào trường, nhiều SV đã quên lời hứa, lơ là học tập, thậm chí còn có quan niệm rằng:
 
“Sinh viên không ăn chơi không phải là sinh viên”... Tất cả những điều ấy xuất phát từ ý thức cá nhân, không làm chủ được bản thân trước môi trường sống mới. Biết bao SV dù trước đó rất ngoan hiền nhưng khi vào giảng đường, do có nhiều mối quan hệ (cả tốt lẫn xấu), họ đã bắt đầu con đường đua đòi, chơi bời, trở thành một con người hoàn toàn khác. Hệ lụy của những việc này là nhiều SV sa ngã vào con đường cờ bạc, cá độ bóng đá… Số tiền của gia đình chu cấp  cho việc ăn học được dùng để trang trải nợ nần.

Khi nợ nần chồng chất, không còn nguồn nào để xoay xở trả nợ thì rủ nhau đi trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, buôn ma túy, giết người… Điển hình, cách đây hơn 2 năm, do mâu thuẫn hằng ngày trong cuộc sống, các nhóm SV Trường Cao đẳng CN, Trường Cao đẳng ĐD và Trường Đại học DLDT đã dùng hung khí đánh nhau khiến 1 SV chết, 2 SV bị trọng thương. Cũng do ăn chơi đua đòi, mê cá độ bóng đá, bài bạc nên một SV Trường Đại học DLDT đã mượn xe máy của người yêu đi cầm cố rồi không có tiền trả nợ, phải treo cổ tự tử. Vào giữa năm 2006, 2 nhóm SV của Trường Đại học BK và Cao đẳng KTKH đã dùng hung khí thanh toán nhau. Hậu quả, 2 SV bị thương tích nặng, 3 SV bị phạt tù…

Mới đây, vào lúc 16 giờ 20

ngày 27-6-2009, Nguyễn Hữu Quý (SN 1985), trú huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là SV Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, do thiếu tiền nợ cá độ bóng đá nên Quý đã thực hiện liên tiếp 3 vụ trộm cắp xe máy tại chính trường mình học. Được biết, Quý là SV năm cuối, đã thi tốt nghiệp và chờ lấy bằng ra trường kiếm việc làm. Chỉ vì lêu lổng, ham mê cờ bạc, Quý đã đánh đổi tương lai tươi đẹp bằng chuỗi ngày tù tội…

Nhà trường thả nổi

Phần đông SV phải sống xa gia đình, vì thế trong cuộc sống hằng ngày, sự quản lý, giáo dục từ phía cha mẹ không còn như những năm học phổ thông, họ phải dựa vào nhà trường. Trong lúc đó, ở nhiều trường ĐH, CĐ, công tác quản lý, giáo dục  SV không được chú trọng, luôn bị thả nổi, chỉ tập trung truyền đạt về kiến thức chuyên môn.

Nhận định vấn đề này, lãnh đạo Phòng PA25 Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến HSSV vi phạm pháp luật là do công tác tuyên truyền pháp luật của nhà trường chưa sát với thực tế; phương pháp tuyên truyền, vận động còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chất lượng thấp.

Các phong trào hoạt động của nhà trường, Đoàn Thanh niên chưa thực sự tạo ra sân chơi lành mạnh và thiết thực để thu hút HSSV. Nhà trường chỉ quan tâm đến công tác đào tạo, giáo dục về chuyên môn hơn các mặt công tác phòng ngừa xã hội. Một số trường, cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy đủ về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trong trường học, chủ yếu đùn đẩy cho ngành Công an.

Để làm trong sạch môi trường giáo dục trong hệ thống các trường ĐH, CĐ, ngoài những chế tài xử lý hiệu quả của cơ quan chức năng đối với những trường hợp HSSV vi phạm pháp luật, nhà trường, gia đình cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục HSSV. Mỗi HSSV cần phải xây dựng cho mình một ý thức học tập, lối sống lành mạnh, tránh xa các cám dỗ là mầm mống nảy sinh tội phạm.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.