.

Báo động TNGT do rượu bia

.

Theo thống kê tại hai bệnh viện lớn của Hà Nội là Việt Đức và Xanh-pôn, có đến 62% nạn nhân của các vụ TNGT đường bộ có chất cồn trong máu. Còn thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia từ năm 2005 đến 2008 cũng đưa ra con số lo ngại không kém, với khoảng 10-20% số vụ TNGT xảy ra do người điều khiển phương tiện uống rượu bia.

Chưa có thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, nên CSGT chỉ có thể kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông.

Tại Đà Nẵng, theo thống kê chưa đầy đủ của Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã cho thấy bức tranh đáng báo động về tác hại của rượu bia đối với an toàn giao thông (ATGT). Từ đầu năm đến nay, số trường hợp nhập viện do TNGT luôn ở mức rất cao, tháng thấp nhất là 870 trường hợp, còn tháng cao nhất lên đến gần 1.300 trường hợp.

Đặc biệt, qua đo nồng độ cồn trong máu với những bệnh nhân này, đã phát hiện 884/5.073 trường hợp có sử dụng rượu bia. Thậm chí trong tháng 9 - Tháng An toàn giao thông - tình hình TNGT của thành phố cũng diễn biến phức tạp và trong số ca bị TNGT, số người sử dụng rượu bia vẫn chiếm khá lớn. Đáng báo động hơn khi chỉ trong 2 ngày 2-9 và 21-9, trên địa bàn thành phố có đến 6 người tử vong vì TNGT, qua xác định ban đầu, có đến 4 trường hợp sử dụng rượu bia quá mức quy định.

Báo cáo mới nhất của Phòng CSGT Công an thành phố về các nguyên nhân chủ quan gây nên TNGT cho thấy, có đến 50% trường hợp không dùng đèn xi-nhan khi chuyển hướng đi, 85% trường hợp sử dụng còi xe không đúng quy định, 70% không sử dụng phanh tay và 90% không sử dụng đèn chiếu xa-gần. Trong số những trường hợp không điều khiển phương tiện đúng quy định, chiếm số lượng lớn nhất vẫn là những người có nồng độ cồn trong máu khá cao.

Theo Đội chống đua xe của CSGT thành phố, trong khi tuần tra, nhất là vào thời điểm từ 19 giờ trở đi, có khá nhiều “ma men” ngoài việc chạy xe với tốc độ rất cao, thì gần như cùng lúc vi phạm tất cả lỗi trên. Chính điều này khiến cho họ không những dễ gây tai nạn cho chính mình, mà còn ảnh hưởng đến những người khác.

Hiện trường vụ TNGT xảy ra trước Bến xe Trung tâm, do người đi xe máy có “hơi men” chạy quá tốc độ và không quan sát khi qua đường.

 

Xuất phát từ tình hình thực tế này mà Luật Giao thông đường bộ vừa được áp dụng từ ngày 1-7-2009, đã có sự điều chỉnh theo hướng giảm mức quy định nồng độ cồn trong máu xuống thấp hơn. Nếu như trước đây, nồng độ cồn được quy định là 80mg/100ml thì nay đã giảm xuống còn 50mg/100ml. Với quy định này, gần như người điều khiển các phương tiện giao thông phải “nói không” với ruợu bia, vì chỉ cần uống khoảng một chai bia có dung tích 500ml là đã vi phạm về nồng độ cồn trong máu. Mặc dù vậy, đến nay Luật có hiệu lực đã tròn 2 tháng, thế nhưng vẫn chưa thể thực hiện được, do Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định mới để xử phạt.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT thành phố chỉ mới được... tập huấn sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn trong máu, chứ chưa có phương tiện thiết bị để sử dụng. Theo các CSGT trực tiếp tuần tra kiểm soát trên đường, có rất nhiều trường hợp không cần máy kiểm tra khí thở cũng biết được là nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định rất nhiều lần, thế nhưng việc xử phạt vẫn chưa thể vì không có máy kiểm tra. Đây là những khó khăn mang tính khách quan mà tự thân ngành công an thành phố không thể khắc phục được. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là ý thực tự giác chấp hành Luật Giao thông của mỗi người.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.