.
Bảo đảm trật tự an toàn giao thông các tháng cuối năm

Bài 1: Vấn nạn tai nạn giao thông

.

Điều đáng ngạc nhiên là trong suốt 8 tháng đầu năm 2009, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm ở cả 3 mặt: số vụ, số người chết và bị thương nặng, thế nhưng bắt đầu từ tháng 9, khi mà các cấp, các ngành nỗ lực triển khai thực hiện Tháng An toàn giao thông (ATGT) và chủ đề được tuyên truyền, được nói đến nhiều nhất chính là “Văn hóa giao thông” (VHGT), với mong muốn giảm thiểu thảm họa TNGT thì số vụ TNGT và số người chết, bị thương nặng lại tăng mạnh…

TNGT tăng mạnh, VHGT chưa chuyển biến

Mới qua 2 tháng mùa mưa, tai nạn giao thông đã tăng mạnh trên cả 3 mặt.Trong ảnh: Vụ va chạm giữa xe container và xe máy gây chết người tại vòng xoay Nguyễn Hữu Thọ - Duy Tân lúc 10 giờ trưa 30-10-2009.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) – Công an thành phố Đà Nẵng, từ ngày 15-12-2008 đến 15-10-2009, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 114 vụ TNGT đường bộ nghiêm trọng, làm chết 105 người, bị thương nặng 68 người, so với cùng kỳ năm 2008 giảm 26 vụ và giảm 40 người bị thương. Thế nhưng chỉ trong Tháng ATGT 2009 (tháng 9), trên địa bàn thành phố đã xảy ra 17 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết 13 người, bị thương nặng 12 người và so với tháng 8-2009 tăng 10 vụ, tăng 7 người chết và tăng 4 người bị thương; trong đó có đến 13/17 vụ tai nạn là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông gây ra.
 
Mặc dù đã nỗ lực kéo giảm, nhưng trong tháng 10-2009 cũng đã xảy ra 13 vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 11 người và bị thương nặng 8 người, so với tháng 8-2009 vẫn tăng 6 vụ, tăng 5 người chết, trong đó có 11/13 vụ là do người tham gia giao thông chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi không đúng phần đường, không chú ý quan sát.

Cũng trong 10 tháng qua, lực lượng CSGT đã xử lý 40.248 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, tạm giữ 4.327 xe các loại. Còn trong Tháng ATGT 2009, đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 6.686 trường hợp vi phạm, trong đó có 4.291 xe mô-tô, 616 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 596 trường hợp không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và tạm giữ 698 xe… Ông Nguyễn Hữu Cường – Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố cho hay:
 
“Có thể thấy, tuy lực lượng CSGT đã ra quân kiểm tra, xử lý và tuyên truyền mạnh mẽ thực hiện VHGT, nhưng ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một số lượng lớn người tham gia giao thông còn rất hạn chế, số vụ TNGT lại tăng mạnh!”. Trung tá Lê Văn Kiểm – Đội phó Đội CSGT, Công an quận Thanh Khê cũng cho rằng:
 
“Trong Tháng ATGT, các cơ quan chức năng đã tập trung tuyên truyền mạnh pháp luật về ATGT, thế nhưng ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông chưa thấy có sự chuyển biến! Và nếu như trong Tháng ATGT 2009 chỉ xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết 2 người, thì trong tháng 10 đã xảy ra 4 vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 3 người!”.

Nan giải công tác bảo đảm giao thông

Qua thống kê, chúng tôi nhận thấy TNGT xảy ra nhiều và thường xuyên trên các đoạn đường vừa đang thi công nâng cấp, vừa cho xe cộ lưu thông như: quốc lộ 1A đoạn Hòa Cầm – Hòa Phước, đường Lê Văn Hiến – Trần Đại Nghĩa.
 
Đoạn đường Nam cầu Cẩm Lệ - ngã ba Tứ Câu cũng thường xuyên xảy ra TNGT nghiêm trọng do xe chở đất đá thi công cơ sở hạ tầng khu dân cư va chạm với xe máy. Các tuyến đường mới mở, rộng rãi như Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Sơn Trà – Điện Ngọc, Ngô Quyền, Túy Loan – Nam hầm Hải Vân… thường xuyên xảy ra TNGT nghiêm trọng, mà đa số đều do người điều khiển phương tiện phóng nhanh, không kiểm soát được tốc độ, có uống rượu bia, người qua đường không quan sát... Đặc biệt, trục đường Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Hữu Thọ thường xảy ra TNGT nghiêm trọng giữa xe ô-tô, xe container và người đi xe máy, nhất là tại vòng xoay Nguyễn Hữu Thọ - Duy Tân… Tại các lối qua đường (giữa hai đầu dải phân cách) trên đường Trường Chinh, Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng… cũng thường xuyên xảy ra TNGT.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, trên các tuyến đường đang thi công nâng cấp, các nhà thầu lơ là, không cắm biển cảnh báo nguy hiểm, không cử người hướng dẫn, phân luồng giao thông, dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Dễ nhận thấy là đường phố kém an toàn do lượng ô-tô, xe máy tăng nhanh, tham gia giao thông đông đúc, trong khi đó tổ chức giao thông lại yếu kém: thiếu đèn tín hiệu giao thông, các vạch kẻ đường còn thiếu hoặc bị mờ, thiếu vạch cho người đi bộ qua đường, biển báo đã thiếu lại bị mưa bão làm hư hỏng nhiều, đèn điện chiếu sáng thì nhiều đoạn đến ngã tư lại tắt mất, cây xanh che khuất tầm nhìn…

Đặc biệt, ý thức chấp hành trật tự ATGT của người tham gia giao thông còn nhiều yếu kém, như: thiếu quan sát, phóng nhanh vượt ẩu, đi lấn phần đường, điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia say… trong khi đó việc kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT lại còn hạn chế trong giờ cao điểm TNGT (từ 18 đến 24 giờ đêm)…

Mới chỉ qua 2 tháng mùa mưa, TNGT gia tăng chóng mặt. Việc giảm TNGT từ nay đến cuối năm là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nỗ lực, rà soát lại những đoạn đường thường xuyên xảy ra TNGT, khắc phục bất cập, yếu kém trong tổ chức giao thông. Đồng thời, mỗi người dân cần nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, VHGT để an toàn cho chính mình và cho mọi người.          

(Còn nữa)

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.