.
Giáo dục thanh-thiếu niên hư, vi phạm pháp luật bằng cách nào?

Kỳ 1: Những bước chân lạc lối

.

Trộm cắp tài sản, cướp giật, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng là những hành vi vi phạm thường gặp ở những thanh-thiếu niên phạm pháp. Sự nông nổi của tuổi trẻ cộng với việc thiếu giáo dục, quản lý của gia đình, nhà trường và tác động tiêu cực của môi trường xã hội đã khiến cho không ít thanh-thiếu niên lầm đường, lạc lối khi tuổi còn non trẻ.

Phạm pháp khi chưa thành niên

Một số thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.

Tháng 9 năm 2009, Công an quận Hải Châu đã bàn giao cho Hội Cựu chiến binh quận 42 trường hợp thanh-thiếu niên hư, vi phạm pháp luật để giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ. Chủ yếu các em này ở độ tuổi từ 13 đến 17. Như vậy, theo quy định của pháp luật, những đối tượng trên vẫn còn nằm trong độ tuổi vị thành niên, chưa thực sự trưởng thành về tâm sinh lý. Vậy mà những hành vi vi phạm pháp luật của các em lại rất đa dạng và nhiều khi mang tính côn đồ, nguy hiểm như: đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự và đáng chú ý là trong số 42 trường hợp trên, có đến 27 em phạm tội trộm cắp tài sản.

42 em này đều là những người chưa thành niên, tức là chưa ổn định về tâm sinh lý, còn hạn chế về nhận thức, thiếu kinh nghiệm sống, chưa có khả năng đánh giá đúng về các sự việc, chưa tự chủ được bản thân.
 
Chính vì vậy, các em dễ bị chi phối bởi sự tác động xấu từ bạn bè và những ảnh hưởng tiêu cực của môi trường xung quanh, từ đó dễ lâm vào con đường hư hỏng, phạm pháp. Trong 42 em, một số trường hợp thuộc diện giáo dục, cảm hóa theo Nghị định 163/CP của Chính phủ về biện pháp giáo dục đối tượng vi phạm tại xã, phường, thị trấn. Một số khác đã bị xử phạt tù và được đặc xá trong dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua. Ngoài ra, có em đã trải qua thời gian giáo dục, cảm hóa tại Trường Giáo dưỡng và hiện đã trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Đáng lẽ ra, ở lứa tuổi các em, chuyện học phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, có đến 29/42 em bỏ học, thậm chí có em bỏ nhà đi lang thang, tụ tập bạn bè, chơi bời thâu đêm. Quá nửa trong số 42 em kể trên đã phạm pháp từ 2 lần trở lên và không ít trường hợp bị xử lý hình sự, bị phạt tù. Đối với những em còn đang đi học thì nguy cơ bỏ học là rất lớn. Chính quyền địa phương và những cơ quan liên quan của quận Hải Châu đang phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn tình trạng này.

Có thể khẳng định, ranh giới giữa bỏ học, hư hỏng để lâm vào con đường vi phạm pháp luật là rất mong manh. Không chỉ ở quận Hải Châu mà ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều phải đối mặt với tình trạng gia tăng của các đối tượng thanh-thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Mức độ vi phạm cũng ngày càng nguy hiểm và phức tạp hơn, thậm chí có trường hợp còn gây ra án mạng hoặc thương tích nặng.

Nguyên nhân vì đâu?

Ông Phạm Đức Tuệ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thuận Phước cho rằng: sự giáo dục, quản lý của gia đình, nhà trường và tác động của môi trường sống là 3 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự hình thành tâm lý, nhân cách của trẻ vị thành niên. Ông Tuệ là người trực tiếp tham gia giáo dục, cảm hóa hai đối tượng trẻ vị thành niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn phường Thuận Phước, thậm chí ông còn đến tận nhà chở đối tượng đang quản lý đến trường học mỗi ngày.

Thế nhưng, nỗ lực của chính ông cộng với sự tham gia tích cực của tổ dân phố, của hội, đoàn thể ở địa phương vẫn không nhận được phản ứng tích cực từ phía đối tượng. Chuyện bỏ học vẫn diễn ra và ở đây, tác động của gia đình hầu như không có. Cha mẹ ly hôn, trẻ lúc ở với mẹ, lúc về với cha, cả hai bậc phụ huynh đều lo làm ăn kiếm sống. Do vậy, trẻ thiếu sự quản lý, kèm cặp thường xuyên, dẫn đến chuyện hư hỏng, phạm pháp.

Đối với 42 trường hợp thanh-thiếu niên hư, vi phạm pháp luật ở quận Hải Châu, đáng lưu tâm là phần lớn đều xuất thân trong những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Cha mẹ chủ yếu có trình độ học vấn thấp, làm ăn buôn bán nhỏ hoặc bán hàng rong, lao động phổ thông, đi làm thuê hoặc không có việc làm. Trong hoàn cảnh và điều kiện như vậy, các em không hoặc ít được gia đình chăm sóc về vật chất và nhất là tinh thần. Chính sự thiếu thốn đó đã dẫn các em vào con đường hư hỏng, phạm pháp để thỏa mãn những nhu cầu bản thân mình và đồng thời, cũng là để thể hiện “cái tôi” của tuổi mới lớn.

Phần lớn các em hư đều bỏ học và chỉ muốn đi học nghề. Mặc dù chỉ mới học đến lớp 6, lớp 7 nhưng các em vẫn không muốn tiếp tục hoàn thành hết chương trình học cấp hai của mình. Do nghỉ học, không được nhà trường giáo dục, quản lý, các em ngày càng dễ phạm vào những hành vi trái pháp luật hoặc nghe theo sự lôi kéo của bạn bè xấu. Một điều chắc chắn rằng, chuyện bỏ học sớm sẽ khiến cho năng lực tiếp thu và kiến thức của trẻ vị thành niên bị hụt hẫng và ảnh hưởng không nhỏ đến việc các em muốn học nghề sau này. 

Chuyện các em hư hỏng, phạm pháp cũng có tác động rất lớn từ môi trường xã hội. Những trẻ em có nguy cơ cao về phạm pháp thường bị lôi kéo vào những nhóm bạn xấu, la cà quán xá, chơi trò chơi điện tử… Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tác động và ảnh hưởng xấu đến những trẻ vị thành niên nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ sa vào con đường phạm pháp.

Trong thực tế cuộc sống, mỗi trẻ vị thành niên đều có tâm lý, hoàn cảnh gia đình khác nhau và việc xác định đúng nguyên nhân dẫn đến hư hỏng, phạm pháp sẽ giúp cho công tác quản lý, giáo dục các em trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng, nhiệm vụ cảm hóa những đối tượng này quả là một hành trình khó khăn và gian nan.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.