.
Giáo dục thanh-thiếu niên hư, vi phạm pháp luật bằng cách nào?

Kỳ 2: Giải pháp giúp trẻ thành người tốt

.

Thông qua sự phối hợp của nhiều cấp, ngành, hội, đoàn thể, công tác cảm hóa, giáo dục, quản lý những thanh - thiếu niên hư, vi phạm pháp luật ngày càng được thắt chặt. Không chỉ góp phần ngăn chặn những hành vi nguy cơ cao có thể dẫn đến phạm pháp mà còn giúp đỡ, định hướng các em phấn đấu trở thành công dân tốt.

Phát hiện, ngăn chặn hành vi nguy cơ cao

Việc phụ đạo sau giờ học đã giúp các em học sinh tập trung vào nhiệm vụ học tập.

Theo báo cáo của Công an quận Cẩm Lệ, trên địa bàn quận hiện có 38 em vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy tố. Trong số đó, 33 em đã giao cho gia đình và phân công từng hội, đoàn thể giáo dục, quản lý. Một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn hành vi phạm pháp của các em mà phía Công an đề xuất là phải kịp thời theo dõi, phát hiện những biểu hiện có nguy cơ cao dễ dẫn đến vi phạm pháp luật.

Chẳng hạn như: bỏ học đi chơi đêm, chơi trò chơi điện tử, la cà quán xá, tụ tập băng nhóm, thường xuyên vào các điểm Internet… Quận Cẩm Lệ hiện có 54 thiếu niên thuộc diện có nguy cơ vi phạm pháp luật và nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ thì con đường dẫn đến các hành vi phạm pháp không còn xa.

Việc xử lý các hành vi phạm pháp của thanh-thiếu niên là chuyện đơn giản đối với các cơ quan chức năng. Cái khó hơn cả chính là việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để các em sa vào con đường phạm pháp. Ở quận Cẩm Lệ, việc phân loại hai đối tượng: bỏ học và đang đi học đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc phân công các đơn vị, hội, đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, quản lý.
 
Đối với những em còn đang đi học, Công an quận và phường phối hợp với các trường và gia đình nắm tình hình sinh hoạt, học tập của từng em để quản lý. Với những trường hợp đã nghỉ học, Công an quận tổ chức đối thoại trực tiếp với các em ở từng phường để từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng em và có kế hoạch cụ thể để giúp đỡ nhằm đưa các em tránh xa những hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi nguy cơ cao ở thanh-thiếu niên không chỉ phụ thuộc vào đối tượng mà còn đòi hỏi việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với những tụ điểm dễ phát sinh hành vi phạm pháp. Những khu tái định cư với sự xáo trộn về mặt dân cư gây bất ổn cho tình hình an ninh trật tự, những tụ điểm quán xá, Internet, chơi game online thâu đêm… tạo ra những mối nguy hại, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thanh-thiếu niên, nhất là với những đối tượng đã hư hỏng.

Không thể ngăn chặn hiệu quả những nguy cơ cao dễ dẫn đến phạm tội ở thanh-thiếu niên nếu không thắt chặt quản lý đối với những địa điểm, những khu vực dân cư hoặc hình thức kinh doanh không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Hạn chế thấp nhất việc đưa trẻ vào trại giam hoặc trường giáo dưỡng là mục tiêu quan trọng và để thực hiện mục tiêu này, nhất thiết phải quan tâm ngăn chặn ngay từ lúc các em có biểu hiện hư hỏng.

Sức mạnh của giáo dục cộng đồng

Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Hội Cựu chiến binh là đơn vị được giao trách nhiệm chính trong việc giáo dục, quản lý thanh-thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Qua hoạt động thực tiễn, ông Đặng Thành Nhơn, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hải Châu nhận xét: “Giáo dục cộng đồng có tác động rất lớn đối với những thanh-thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Gia đình phối hợp chặt chẽ với cộng đồng xã hội, các tổ chức, đoàn thể sẽ giúp các em sớm thay đổi hành vi và sống lành mạnh hơn”.

Nếu như lực lượng Công an chủ yếu xử lý vi phạm và thực hiện các biện pháp quản lý mang tính cưỡng chế, răn đe thì các hội, đoàn thể phần lớn dùng các biện pháp cảm hóa, thuyết phục, động viên một cách gần gũi, nhẹ nhàng, tình cảm. Ông Phạm Đức Tuệ, Hội Cựu chiến binh phường Thuận Phước cho rằng:

“Sự có mặt của người cựu chiến binh ở nhà đối tượng vi phạm pháp luật, thanh-thiếu niên hư sẽ tạo ấn tượng gần gũi và thân thiện hơn so với sự hiện diện của lực lượng Công an. Mình là người sống cùng trong địa bàn, như là chú, là bác trong gia đình nên khi tiếp cận với các cháu sẽ dễ hơn, nói chuyện, tâm sự có sức thuyết phục và lan tỏa hơn nhiều. Mình đến nhà các cháu thì người ngoài nhìn vào không biết gia đình đó có đứa con hư, bản thân họ cũng không cảm thấy e ngại với bà con xóm giềng”.

Ở những nơi có trường hợp thanh-thiếu niên hư hỏng, phạm pháp, Hội Cựu chiến binh là đơn vị tập hợp các lực lượng để giúp đỡ các em. Trong đó, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đóng vai trò phối hợp rất quan trọng, không chỉ là quản lý mà còn trực tiếp đến tận nhà tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và lịch sinh hoạt hằng ngày của từng em.

Trong mỗi nhóm được phân công giúp các đối tượng này có cả tổ dân phố, chi bộ Đảng tại địa phương và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Nhiều mô hình giúp đỡ đã được thực hiện như mô hình “2+1” tức: 1 cựu chiến binh, 1 cựu quân nhân, 1 thanh-thiếu niên chậm tiến; hoặc mô hình “3+1”: 1 cựu chiến binh, 1 cựu quân nhân, 1 tổ chức đoàn thể phối hợp quản lý, giáo dục 1 đối tượng...

Sự quan tâm của cộng đồng xã hội không chỉ cảm hóa, động viên, giúp trẻ trở thành người tốt mà còn đánh động vào nhận thức của mỗi bậc phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý con em mình. Theo nhận định ông Dương Minh Chí, Hội Cựu chiến binh thành phố thì một số gia đình vẫn còn che giấu khuyết điểm của con cái, thiếu sự quan tâm, chăm sóc và không muốn hợp tác trong việc quản lý, giáo dục con em mình. Tuy nhiên, trước sự tác động từ các lực lượng chính trị, xã hội trong cộng đồng thì bản thân người làm cha, làm mẹ cũng nhận thấy được hiệu quả của việc phối hợp với chính quyền để giúp con em mình tiến bộ.

Hành trình giúp đỡ, cảm hóa, quản lý những thanh-thiếu niên hư, vi phạm pháp luật còn rất gian nan. Bằng sức mạnh của giáo dục cộng đồng cộng với tác động từ phía gia đình, nhà trường, trong thời gian đến, Đà Nẵng phấn đấu hạn chế thấp nhất tình trạng thanh-thiếu niên hư, phạm pháp, bỏ học, từng bước giúp các em trở thành những công dân tốt của xã hội.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.