.

Luật Cạnh tranh có nguy cơ bị… thủ tiêu?

.

(ĐNĐT) - Đó là cảnh báo được đưa ra tại cuộc hội thảo “Thực tiễn áp dụng Luật Cạnh tranh trong một số lĩnh vực chuyên ngành” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng ngày 6-11


Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Vũ Bá Phú cho hay, điều 7 Luật Cạnh tranh quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh và Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Nhưng thời gian gần đây, khi luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành được xây dựng mới hoặc được điều chỉnh, cùng với sự hình thành các cơ quan quản lý chuyên ngành thường có xu hướng hình thành các quy định điều tiết về cạnh tranh trong các lĩnh vực chuyên ngành và do cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện.

“Các quy định này dẫn đến những mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Cạnh tranh, gây khó khăn cho Chính phủ trong việc áp dụng các quy định của Luật cạnh tranh trong các lĩnh vực chuyên ngành”, ông Vũ Bá Phú nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huyên (Bộ Tư pháp), khi xây dựng Luật Cạnh tranh năm 2004, nhóm chuyên gia soạn thảo dự án luật đã ý thức rõ những điều trên, nên trong văn bản luật đã có quy định xử lý tình huống khi có sự xung đột giữa luật này và các luật khác điều tiết về cạnh tranh thì ưu tiên áp dụng Luật Cạnh tranh. Đây là một trong số ít những quy định không gặp phải nhiều ý kiến phản biện trong quá trình xây dựng luật.

Tuy vậy, sau 4 năm thi hành Luật Cạnh tranh, đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng các luật chuyên ngành (bưu chính, viễn thông, các tổ chức tín dụng, chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm…) được đặt ra các ràng buộc khác với Luật Cạnh tranh. Luồng ý kiến này dựa vào lập luận các luật vừa nêu được xem là luật chuyên ngành so luật cạnh tranh. Mà theo nguyên tắc chung, khi có sự khác nhau giữa luật chung và luật chuyên ngành thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành.

Bên cạnh đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2008) có quy định, trong trường hợp có sự khác nhau giữa các văn bản ngang cấp (ví dụ cùng hình thức luật) thì văn bản ban hành sau sẽ được ưu tiên áp dụng. Như vậy, các luật ban hành sau Luật Cạnh tranh hoàn toàn được ưu tiên so với Luật Cạnh tranh.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huyên cho rằng: “Khẳng định Luật Cạnh tranh là luật chung, còn các luật khác là luật chuyên ngành là điều không hoàn toàn đúng. Cả trên phương diện luật thực định và khoa học pháp lý Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận quan điểm này. Trên thế giới, luật cạnh tranh từ lâu đã được xem là luật “xuyên suốt” (transversal) giữa luật công và luật tư, là công cụ điều tiết của nhà nước đối với nền kinh tế. Do đó, Pháp, Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ và nhiều nước EU đều coi luật cạnh tranh là một ngành luật hết sức đặc thù, không phải là một nhánh của luật thương mại hay luật dân sự như nhiều người vẫn hình dung”.

Đặc biệt, ông cho rằng, quy định như vừa nêu trên của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2008) “quả thực là có vấn đề”. Vì cách xử lý như vậy sẽ làm phá vỡ tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, các luật sẽ phải liên tục đuổi theo nhau để được ưu tiên sử dụng. Hơn nữa, nếu chấp nhận quá nhiều ngoại lệ thì sẽ không đảm bảo tính hiệu quả của các biện pháp điều tiết cạnh tranh của nhà nước.

“Và do vậy, có nguy cơ Luật Cạnh tranh sẽ bị thủ tiêu!”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huyên nhấn mạnh.

Ông kiến nghị, trong quá trình ban hành các luật điều tiết, cần tăng cường tham vấn cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của chính sách cạnh tranh. Các cơ quan có thẩm quyền thẩm định/thẩm tra các dự án luật điều tiết ngành (Bộ Tư pháp, các Uỷ ban của Quốc hội). Đặc biệt, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần sớm được nghiên cứu, sửa đổi nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế và tránh các tranh cãi pháp lý không cần thiết.

Theo bà Kumiko Tanaka, chuyên gia thường trú Cơ quan Cạnh tranh lành mạnh Nhật Bản tại Việt Nam, ở Nhật Bản, việc trả lời câu hỏi cơ quan nào xử lý các vấn đề phát sinh là khá đơn giản. Vấn đề cạnh tranh thì do cơ quan cạnh tranh xử lý; các vấn đề khác không thuộc cạnh tranh thì do cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý; nếu vấn đề liên quan tới cả hai thì do hai cơ quan xử lý.

Tại Liên minh châu Âu (EU), phạm vi áp dụng luật cạnh tranh được xác định theo nhóm các quan hệ sản xuất, phân phối, tiêu thụ. Các chính sách điều tiết cạnh tranh được áp dụng một cách chặt chẽ; các chính sách điều tiết chuyên ngành không được đặt ra thêm các ràng buộc pháp lý liên quan đến cạnh tranh mà chủ yếu xử lý các khía cạnh pháp lý khác như đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, tuân thủ các ràng buộc của WTO…

Ủy ban châu Âu (EC) là cơ quan duy nhất có thẩm quyền điều tiết cạnh tranh tại EU để đảm bảo sự can thiệp được tổ chức một cách đồng bộ, tránh chồng chéo có thể phát sinh nếu như có nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền điều tiết.

 Cẩm An 
 

;
.
.
.
.
.