.

Nói không với rượu bia: Chưa đủ!

.

Sau khi Tháng An toàn giao thông với chủ đề “Văn hóa giao thông” vừa kết thúc, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phát động tiếp chiến dịch hành động “nói không với rượu bia” khi điều khiển các phương tiện giao thông. Đây là quyết tâm rất lớn của cơ quan chức năng, “đánh” thẳng vào vấn đề được xã hội quan tâm trong suốt thời gian qua là nạn say xỉn và TNGT.

Với mật độ lưu thông dày đặc như thế này, nếu uống ruợu bia rất dễ gây TNGT.

Không phải đến thời điểm hiện nay, vấn đề uống ruợu bia say xỉn rồi gây ra TNGT mới được phát hiện và nói tới, mà từ rất lâu, đây thực sự là vấn nạn nhức nhối của xã hội. Thế nhưng, việc giải quyết vấn đề này hoàn toàn không đơn giản, bởi lẽ trong Luật Giao thông đường bộ (cũ), mặc dù có quy định nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện giao thông, nhưng theo chính các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông, việc quy định nồng độ cồn trong máu như vậy là quá dễ dãi và nếu so với mức trung bình của thế giới thì chúng ta cao từ 2-3 lần.

Điều này cũng có nghĩa, nếu uống đến độ nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định thì cũng ở mức 2-3 chai bia loại 500 ml. Với lượng bia như thế này, không ít người điều khiển phương tiện giao thông không đủ tỉnh táo. Vì thế, rất ít trường hợp say xỉn bị CSGT lập biên bản về lỗi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức quy định.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng không được trang bị máy đo nồng độ cồn trong máu, nên thường bỏ qua lỗi này. Trừ những trường hợp quá say xỉn đến nỗi không điều khiển được phương tiện giao thông mới lập biên bản xử phạt và tạm giữ phương tiện không cho đi tiếp.

Xuất phát từ tồn tại này mà Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, đã có quy định nồng độ cồn không quá 50mg/100ml máu. Điều này được hiểu là khi điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu, vì chỉ cần uống khoảng một chai bia 500ml đã vi phạm về nồng độ cồn trong máu.

Đặc biệt, ngay sau khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực, Cục CSGT Đường bộ cũng đã tiến hành phân bổ và tập huấn sử dụng máy đo nồng độ cồn trong máu đến lực lượng CSGT trên toàn quốc. Tại Đà Nẵng, theo Thượng tá Lê Quốc Dân, Phó trưởng Phòng CSGT – Công an thành phố cho biết, đến nay, các tổ, đội thuộc Phòng CSGT thành phố đã được trang bị máy và tập huấn sử dụng.
 
Tuy nhiên, ông Dân cũng nói rằng, chủ yếu là tinh thần tự giác của người điều khiển phương tiện giao thông, không uống ruợu bia để bảo vệ chính mình, người thân cũng như những người khác trên đường.

Vì với hàng nghìn quán nhậu trên khắp địa bàn thành phố, không có lực lượng CSGT nào kiểm tra hết được. Khó khăn nhất của lực lượng CSGT hiện nay là mặc dù luật đã có hiệu lực mấy tháng nay, thế nhưng việc tiến hành đo nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông vẫn chưa thể thực hiện vì còn phải chờ Nghị định của Chính phủ ban hành.

Gần như trở thành quy luật, cứ đến khoảng cuối năm thì tình trạng TNGT do say xỉn lại tăng lên. Xuất phát thực tế này mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phát động chiến dịch hành động “nói không với rượu bia” khi điều khiển phương tiện giao thông vào thời điểm này. Đây là điều vô cùng cần thiết và cũng rất cần sự chung tay của toàn xã hội, không những bản thân mình mà còn vận động người thân thực hiện quy tắc “uống ruợu bia thì không điều khiển phương tiện giao thông”.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.