.
Thanh tra thành phố Đà Nẵng

Giải quyết tốt đơn thư khiếu nại về đền bù giải tỏa

.

Sau ngày thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương đến nay, thành phố đã thực hiện 277 dự án khai thác quỹ đất, thu hồi với tổng diện tích 11.488 ha đất, đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư cho hơn 82.700 hộ dân, tổng giá trị đã chi cho công tác này khoảng 5.000 tỷ đồng. Để cụ thể hóa chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng của Chính phủ, hằng năm thành phố Đà Nẵng đều ban hành các quyết định về chính sách đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất.

Thanh tra quận Liên Chiểu tiếp dân. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư còn những tồn tại, vướng mắc từ cơ sở, dẫn đến phát sinh những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, thỉnh cầu của công dân, đòi hỏi các cơ quan chức năng của thành phố phải vào cuộc để làm sáng tỏ. Với vai trò là cơ quan tham mưu, trong những năm qua, Thanh tra thành phố Đà Nẵng đã thực hiện khá tốt việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư trên địa bàn thành phố.

Ông Phan Tấn Tuyền, Chánh Thanh tra thành phố Đà Nẵng cho biết, từ năm 2002 đến nay, Thanh tra thành phố đã tiến hành thẩm tra, xác minh và báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND thành phố xem xét giải quyết 634 vụ khiếu nại, tố cáo, trong đó có 531 vụ (chiếm 83,75%) thuộc lĩnh vực đền bù, giải tỏa. Ngoài việc tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, để việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả cao, ngành Thanh tra thành phố luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến, hướng dẫn nhân dân tận tình và đề xuất để UBND thành phố giải quyết thấu tình đạt lý, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ngoài việc căn cứ vào các quy định của pháp luật, thanh tra thành phố còn vận dụng các biện pháp khác như hòa giải, tuyên truyền, thuyết phục để đạt hiệu quả, tạo sự tin tưởng, thoải mái cho công dân cũng như các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết các vấn đề về giải tỏa, đền bù. Nhiều trường hợp đã tạo điều kiện để công dân đối thoại trực tiếp với đơn vị thực hiện việc đền bù, giải tỏa để tháo gỡ những vướng mắc, sau đó công dân đã đồng ý nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công và rút đơn khiếu nại. Đối với những trường hợp khiếu nại tồn đọng, có tính chất phức tạp, Thanh tra thành phố đề nghị đưa ra Hội đồng giải quyết khiếu nại tồn đọng về nhà đất để xem xét.

Do đó, một số trường hợp với sự tham mưu của ngành Thanh tra, UBND thành phố đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại nhưng đương sự không đồng ý và khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án Nhân dân hoặc khiếu nại đến cơ quan hành chính thì 100% trường hợp đều được cấp Tòa sơ thẩm, phúc thẩm tuyên bác đơn khởi kiện hoặc cơ quan hành chính cấp trên không chấp nhận đơn khiếu nại và thống nhất với việc giải quyết của Chủ tịch UBND thành phố. Thanh tra thành phố còn đóng vai trò chủ đạo trong việc đề xuất UBND thành phố xem xét xử lý đối với những đơn khiếu nại tồn đọng, kéo dài.

Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 15 trường hợp ở nhiều dự án khác nhau khiếu nại, tố cáo liên quan đến đền bù, giải tỏa đã được Chủ tịch UBND thành phố xem xét giải quyết theo đúng trình tự thủ tục quy định nhưng các hộ không đồng ý và liên tục khiếu nại đến các cơ quan Trung ương. Đến nay, các trường hợp khiếu nại trên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản trả lời, Thanh tra Chính phủ có kết luận và Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo chấm dứt giải quyết các khiếu kiện nói trên, khẳng định việc giải quyết của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng là có cơ sở và đúng pháp luật.

Đề cập về những kinh nghiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về giải tỏa đền bù, ông Phan Tấn Tuyền cho biết, công tác giải quyết khiếu kiện phải đặt dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa chính quyền với các đoàn thể, Mặt trận, huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị. Đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, công tác dân vận, phải làm sao để mỗi cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải là cán bộ tuyên truyền pháp luật và làm tốt công tác dân vận, nhất là việc hòa giải ngay từ cơ sở.

Thực tế cho thấy, để làm tốt công tác này, Thanh tra phải nhập cuộc ngay từ đầu khi tham gia xây dựng cơ chế, chính sách; phải tổ chức công khai hóa các quy định pháp luật có liên quan, trong đó phải xem trọng việc phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật về đất đai, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, nhờ vậy đã hạn chế rất nhiều đơn gửi vượt cấp hoặc gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh việc đi sâu, đi sát, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, thắc mắc khiếu kiện của công dân, phải đặt mình vào trường hợp của công dân khiếu kiện, tổ chức đối thoại cởi mở, phải gắn với việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tạo mọi điều kiện để cán bộ và nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, tham gia vào việc quản lý Nhà nước; các chủ trương, chính sách, pháp luật phải được công khai, bàn bạc, kiểm tra và giám sát…

LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.