.

Khó khăn trong công tác thi hành án dân sự

Yêu cầu doanh nghiệp thi hành bản án dân sự theo quyết định của tòa án thì doanh nghiệp chây ỳ với lý do không có tiền. Khi cán bộ thi hành án dân sự (THA) phát hiện ra tài khoản của doanh nghiệp phải THA và yêu cầu phong tỏa nhưng chỉ vài giờ sau, tiền trong tài khoản đã bị tẩu tán. Nếu tài khoản bị phong tỏa, doanh nghiệp sẽ nói rằng đó là tiền lương, tiền công của người lao động hoặc dùng “chiêu” cho người lao động đến “nằm vạ” tại cơ quan THA để gây sức ép. Với những chiêu này, cơ quan THA dân sự chỉ có bó tay. Đó là một trong những khó khăn của công tác THA dân sự hiện nay.

Chính quyền không hợp tác không thể THA

Theo ông Võ Văn Tân, Cục trưởng Cục THA dân sự thành phố, THA dân sự là công tác phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và người có quyền lợi ích liên quan. Việc THA không thể thành công nếu thiếu sự đồng thuận, hợp tác của chính quyền cơ sở.

Ông Tân nêu vụ việc ở tổ 26 phường Đ., quận Sơn Trà. Bà L.T.T được tòa án tuyên buộc phải trả lại ngôi nhà đang ở cho người khác theo bản án phúc thẩm số 16/DSPT ngày 23-4-2004. Thế nhưng từ đó đến nay đã hơn 6 năm, cơ quan THA vẫn chưa tổ chức THA được vì vấp phải sự chống đối quyết liệt của bà T. và có sự đồng tình của Ban điều hành tổ dân phố, cán bộ cấp ủy chi bộ khu dân cư. Dư luận ở tổ dân phố này cho rằng bản án đó không công bằng, do đó việc THA gặp rất nhiều khó khăn và kéo dài đến nay.
 
Có vụ đã có chỉ đạo bằng văn bản của UBND thành phố nhưng chính quyền cơ sở không có thiện chí hợp tác với cơ quan THA. Khi được cơ quan này mời họp bàn để tổ chức THA, chỉ cử cán bộ văn phòng đi thay. Ông Võ  Văn Tân cho biết, thông thường thì hoàn cảnh của người phải THA khó khăn hơn người được THA. Vì vậy, người phải THA dễ nhận được sự thông cảm, đồng tình của dư luận trong việc chống lại quyết định của tòa án mặc dù bản án đã tuyên và có hiệu lực. Nhiều đương sự có đủ điều kiện để THA cũng dựa vào tâm lý dư luận cố tình chây ỳ, không tự nguyện THA hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân làm đơn khiếu nại, tố cáo không đúng pháp luật nhằm trì hoãn việc THA.

Việc THA cũng gặp nhiều khó khăn vì giá trị THA không tương xứng với tài sản đương sự đang sở hữu. Chẳng hạn, giá trị THA là 10 triệu đồng nhưng đương sự không có tài sản có giá trị tương đương mà có tài sản khác lớn hơn rất nhiều lần như ngôi nhà đang ở có giá trị hàng trăm triệu đồng. Đây là vụ việc có giá trị THA dưới 20 triệu đồng nhưng chiếm số lượng lớn trong tổng số vụ có điều kiện THA.

Doanh nghiệp phải THA tìm mọi cách tẩu tán tài sản

Theo ông Tân, ngay từ khi tòa bắt đầu thụ án dân sự để xét xử thì nhiều doanh nghiệp đoán chắc sẽ thua và phải THA thì họ đã hành động trước. Trong thời gian xét xử, họ chuyển tài sản sang đứng tên người khác. Tòa xử xong cũng là lúc tài sản được tẩu tán hết, lúc đó doanh nghiệp được xem như không có điều kiện để THA.

Nhiều doanh nghiệp không còn tài sản để THA nhưng vẫn hoạt động bình thường. Khi phát hiện doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng, chấp hành viên của cơ quan THA đến xác minh để phong tỏa thì ngân hàng hẹn làm việc sau vài giờ. Trong thời gian này, doanh nghiệp được “đánh động” đã rút hết tiền. Khi xác minh chỉ còn tài khoản trống không.

Có trường hợp như Công ty Cơ khí ô-tô nọ khi bị phong tỏa tài khoản thì cho rằng tài khoản đó là tiền lương, tiền công của người lao động (theo quy định là không được phong tỏa, quy trữ). Mặt khác, công ty này để cho người lao động kéo đến “nằm vạ” ở cơ quan THA. Cơ quan THA đành phải chịu thua. Từ những khó khăn nói trên dẫn đến án dân sự tồn đọng tăng về số lượng và kéo dài thời gian.

Ông Tân đề nghị để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác THA dân sự cần làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Luật THA dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, nhân dân. Bản án đã tuyên, pháp luật phải được thực thi để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, công dân.
 
Công tác THA rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền phường, xã đến tổ dân phố trong việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm giám đốc doanh nghiệp trong những vụ việc mà đương sự phải THA là doanh nghiệp Nhà nước có điều kiện THA nhưng không tự giác thi hành.

Đoàn Sơn

;
.
.
.
.
.