.

Xét xử vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ ở Cồn Dầu: Các bị cáo đều nhận tội

.
Ngày 27-10, Tòa án Nhân dân quận Cẩm Lệ tiến hành xét xử sơ thẩm các đối tượng thường trú tại phường Hòa Xuân gồm: Nguyễn Hữu Minh (sinh năm 1964, trú tổ 23), Nguyễn Hữu Liêm (sinh năm 1963, trú tổ 23), Phan Thị Nhẫn (sinh năm 1965, trú tổ 23), Đoàn Cảng (sinh năm 1965, trú tổ 20), Nguyễn Thị Thế (tức Quy, sinh năm 1960, trú tổ 22), Lê Thanh Lâm (sinh năm 1979, trú tổ 21) và  Trần Thanh Việt (sinh năm 1971, trú thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đã bị truy tố về 2 tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Chống người thi hành công vụ”.
 
Mô tả ảnh.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. (Ảnh: NGỌC PHÚ)
Hội đồng xét xử (HĐXX) do bà Tán Thị Thu Dung, Chánh án Tòa án Nhân dân quận Cẩm Lệ làm chủ tọa. Các luật sư: Nguyễn Trung Điểm, Huỳnh Ngọc Lộc, Nguyễn Trung Kiên thuộc Đoàn Luật sư Đà Nẵng nhận bào chữa cho những bị cáo: Nguyễn Hữu Minh, Phan Thị Nhẫn, Nguyễn Hữu Liêm.

Như tin Báo Đà Nẵng đã đưa (ngày 14-5 và 28-5-2010), đây là những đối tượng đã lợi dụng việc tổ chức đám tang của bà Đặng Thị Tân (sinh năm 1918, trú tổ 21) để kích động, lôi kéo, vận động người dân và gia đình bà Tân phải kiên quyết đưa chôn thi hài bà tại nghĩa trang Cồn Dầu (trong khu vực giải tỏa để triển khai dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân) đã được thành phố cấm an táng người qua đời. Mục đích là chống lại chủ trương của chính quyền thành phố đối với công tác quy hoạch đô thị.

Hành vi thực hiện tội phạm cụ thể của các đối tượng như sau:

1- Nguyễn Hữu Minh: Vận động gia đình bà Tân và những đối tượng quá khích khác kiên quyết đưa thi hài bà Tân vào chôn tại nghĩa địa Cồn Dầu. Minh đã chỉ huy, sắp xếp, dẫn đầu đoàn đưa tang từ nhà thờ đến nghĩa trang Cồn Dầu, phất tay ra hiệu để đội trợ tang tông xe vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, gây ra vụ gây rối trật tự công cộng từ 6 giờ 15 đến 13 giờ 45 ngày 4-5-2010.

2- Nguyễn Hữu Liêm: Vận động gia đình bà Tân phải đưa thi hài bà Tân đi chôn ở nghĩa trang Cồn Dầu, yêu cầu gia đình bà chuẩn bị cơm, nước phục vụ người tham gia đoàn đưa tang, bạt che nắng, dây buộc quan tài vào xe đẩy chở quan tài, tham gia đẩy quan tài vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Liêm đã có hành vi la hét, chửi bới lực lượng chức năng, yêu cầu mở đường để đưa quan tài bà Tân vào nghĩa trang, cùng các đối tượng quá khích gây mất trật tự công cộng.

3- Phan Thị Nhẫn: Vận động gia đình bà Tân phải đưa thi hài bà Tân chôn ở nghĩa trang Cồn Dầu, mặc đồ tang (mặc dù không có quan hệ thân nhân với bà Tân), tham gia đẩy xe chở quan tài tông vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, la hét, chửi bới, kích động mọi người tấn công lực lượng chức năng bằng cả nước phân heo.

4- Đoàn Cảng: Tham gia đưa quan tài bà Tân vào nghĩa trang Cồn Dầu, chửi bới, la hét kích động mọi người chống lại lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, ôm giữ quan tài bà Tân cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, tham gia gây rối trật tự công cộng.

5- Nguyễn Thị Thế: Vận động gia đình bà Tân phải đưa thi hài bà Tân vào chôn ở nghĩa trang Cồn Dầu, tham gia che bạt cho đoàn đưa tang dừng giữa đường, kích động mọi người chống lại lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Thế là người chuẩn bị thức ăn cho những người gây rối nhằm kéo dài thời gian chống đối các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, đồng thời tham gia gây rối trật tự công cộng.

6- Lê Thanh Lâm: Có hành vi chửi bới, kích động những người khác dùng gạch, đá tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, ném đá vào xe ô tô của lực lượng chức năng, tham gia che bạt cho đoàn đưa tang và tham gia gây rối trật tự.

7- Trần Thanh Việt: Dùng gạch, đá tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, hô hào, kích động mọi người làm theo, tham gia gây rối trật tự công cộng.

Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, các bị cáo: Nhẫn, Cảng, Thế, Lâm, Việt lúc đầu trả lời ngây ngô, có lúc làm cả những người đến dự phiên tòa, bật cười, cuối cùng đều thừa nhận cáo trạng luận tội và nhận tội sau khi tòa đối chứng với các lời khai của chính bị cáo đã khai trong hồ sơ bút lục cùng lời khai của các nhân chứng đang có mặt tại tòa. Các lời khai của các bị cáo và nhân chứng tại tòa cho thấy Nguyễn Hữu Liêm và Nguyễn Hữu Minh đóng vai trò cầm đầu, chỉ huy, vận động, tổ chức, kích động mọi người lợi dụng đám tang của bà Đặng Thị Tân gây nên vụ gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Mục đích là chống lại chủ trương quy hoạch đô thị của thành phố là dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.

Đến lượt được xét hỏi, cả hai bị cáo Liêm và Minh đều phản cung và bác bỏ lời khai của nhân chứng đang có mặt tại phiên tòa. Liêm không thừa nhận việc trước ngày bà Tân chết đã đến gặp các con của bà để vận động nếu bà Tân chết thì phải chôn ở nghĩa trang Cồn Dầu. Sau khi bà Tân chết, chính Liêm đã yêu cầu gia đình chuẩn bị thực phẩm, đồ đạc phục vụ cho đoàn người đưa tang để “bà con sẽ ở lại với gia đình 3 ngày” và chuẩn bị dụng cụ để đưa quan tài vượt rào chắn của lực lượng chức năng. Ngay lúc đó, nhân chứng Hồ Tàu, con trai bà Tân và Hồ Thăng Thoảng, cháu bà Tân đều xác nhận hành vi này của Liêm. Mặc dù chối bỏ những việc đã làm nhưng khi tòa hỏi có nhận tội thì Liêm thừa nhận phạm vào hai tội gây rối trật tự và chống người thi hành công vụ.

Đến phần mình, Nguyễn Hữu Minh cũng liên tục nói “không” và chối bỏ những việc đã làm. Nhiều lúc lời khai lúc đầu lại mâu thuẫn với lời khai sau. Minh không thừa nhận vai trò chỉ huy sắp xếp trật tự bất thường trong đoàn  đưa tang và ra hiệu cho đội trợ tang tông thẳng xe chở quan tài vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Minh cho rằng những lời khai của các bị cáo và các nhân chứng có mặt tại tòa về vai trò chỉ huy của mình trong vụ gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ ngày 4-5-2010 là không trung thực. Trong khi đó Minh thừa nhận là không có mâu thuẫn gì với những người này. Minh chỉ thừa nhận tham gia đoàn đưa tang là vi phạm pháp luật.

Tại phần tranh luận, luật sư Nguyễn Trung Kiên bào chữa cho bị cáo Liêm và luật sư Nguyễn Trung Điểm bào chữa cho bị cáo Minh cho rằng, các bị cáo không thể phạm 2 tôi cùng một lúc với hai tội danh như Viện Kiểm sát đã cáo buộc và chỉ phạm một trong 2 tội nói trên. Còn luật sư Huỳnh Ngọc Lộc bào chữa cho bị cáo Nhẫn cho rằng, bị cáo Nhẫn đã thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải. Bị cáo phạm tội do chưa hiểu hết ý nghĩa to lớn của chủ trương di dời giải tỏa của thành phố. Các luật sự cũng đề nghị giảm án cho thân chủ. Đại diện Viện Kiểm sát đã giữ nguyên quan điểm luận tội của mình.

16 giờ 30 cùng ngày, sau khi kết thúc phần tranh luận, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng, các bị cáo đều nhận thấy lỗi lầm của mình gây ra. Qua đó mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ để các bị cáo sớm trở về làm lại cuộc đời.

Với những hành vi nêu trên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Minh: 12 tháng tù giam; Nguyễn Hữu Liêm: 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Phan Thị Nhẫn: 9 tháng tù giam; Nguyễn Thị Thế: 9 tháng tù, cho hưởng án treo; Đoàn Cảng: 9 tháng tù, cho hưởng án treo; Lê Thanh Lâm: 9 tháng tù, cho hưởng án treo; Trần Thanh Việt: 9 tháng tù, cho hưởng án treo.

S.T - N.P
;
.
.
.
.
.