.

Thanh - Thiếu niên vi phạm pháp luật: Đâu là nguyên nhân?

.

Năm 2010, số đối tượng vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi bị khởi tố hình sự chiếm tỷ lệ gần 10% trong tổng số các vụ án. Tỷ lệ tuy không lớn, song các vụ án do những đối tượng này gây ra có tính chất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

1.001... nguyên nhân phạm tội

Mô tả ảnh.
Các đối tượng phạm tội bị Công an quận Sơn Trà bắt giữ.

Lúc 19 giờ ngày 21-3-2010, Nguyễn Tấn Thắng (16 tuổi, trú tại tổ 25, phường Mân Thái) cùng nhóm bạn đến chơi tại quán Internet Gia Bảo. Do có xích mích nhỏ trong khi chơi nên giữa Trần Minh Hậu (bạn của Thắng) và Đỗ Văn Rin (trú tại tổ 21 phường Thọ Quang) lời qua tiếng lại. Bênh vực bạn, Thắng rút dao thủ sẵn trong người đâm vào bụng, ngực, vai Rin khiến nạn nhân bất tỉnh tại chỗ. Giám định pháp y, Rin bị thương tích vĩnh viễn 45%.

Chưa hết, sau khi bỏ trốn, Công an quận Sơn Trà đã phát lệnh truy nã đối với Thắng, song gần 1 tháng sau Thắng đã liên tiếp phạm tội khi dùng dao đâm anh Nguyễn Khánh Thịnh, trú tại phường Mỹ An gây thương tích 4%; đâm anh Trần Duy Khang, trú tại phường An Hải Bắc gây thương tích 10%. Đầu tháng 11-2010, Thắng bị TAND quận Sơn Trà tuyên phạt 5 năm tù giam. Nguyên nhân dẫn đến hành động côn đồ nói trên của Thắng bắt nguồn từ games bạo lực. Hằng ngày, Thắng mải mê với món games này, nên đã tác động xấu đến tâm lý, tính cách, hành động..., một điều tra viên Công an Sơn Trà cho biết.

Giữa tháng 7-2010, Công an quận Sơn Trà đã khám phá thành công một vụ án trộm cắp tài sản do nhóm tội phạm có tuổi đời từ 15 đến 17 thực hiện. Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm trộm nhí này đã thực hiện hàng chục vụ trộm với trị giá tài sản chiếm được trên 150 triệu đồng. Số tiền chúng kiếm được chủ yếu để ăn chơi, nhảy nhót ở các vũ trường, quán bar. Giữa tháng 10, Công an quận Cẩm Lệ phá thành công vụ cướp giật gồm Tán Vũ (17 tuổi), trú thôn Gò Hà, xã Hòa Khương; Trương Thanh Lợi (16 tuổi), trú  thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang khi chúng thực hiện một vụ cướp táo tợn trên đường Cách mạng Tháng Tám. Qua đấu tranh, bọn chúng khai nhận, chỉ trong vòng 2 tháng đã thực hiện hơn 10 vụ cướp giật. Nguyên nhân đi cướp cũng là để thỏa mãn niềm đam mê ăn chơi, đua đòi với bạn bè.

Trường hợp  N.T.H.T (15 tuổi), hiện ở Trại Giáo dưỡng số 3, Bộ Công an thì nguyên nhân dẫn đến phạm tội bắt nguồn từ gia đình. T. sinh ra trong một gia đình bình thường ở quận Thanh Khê. Ba làm nghề đi biển, mẹ ở nhà nội trợ. Lúc em mới được 1 tuổi, ba mẹ ly dị. Một thời gian sau mẹ đi bước nữa, em về sống với mẹ và bố dượng. Có thêm em bé, tình thương của mẹ và ba dượng dành cho T. ít hẳn đi, thậm chí nhiều lúc phải chịu sự mắng nhiếc của bố dượng. Hận đời, T. bỏ học đi bụi đời rồi tham gia trấn lột tài sản của các học sinh cùng trang lứa. Kết quả là em phải nhận mức “án” vào Trại Giáo dưỡng 24 tháng…

Trên đây chỉ là những ví dụ về tình trạng thanh-thiếu niên (TTN) phạm tội trong thời gian qua. Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn đến phạm tội của các em có thể bắt nguồn từ ảnh hưởng của xã hội, như các trò chơi bạo lực, lối sống ăn chơi đua đòi của một bộ phận nhỏ thanh-thiếu niên… thì còn một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là sự dạy dỗ, chỉ bảo về đạo đức, lối sống trong từng gia đình đã ít được quan tâm.     

Hãy chung tay ngăn chặn

Có thể nhìn nhận rằng, việc TTN vi phạm pháp luật ngày một nhiều là do công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa thường xuyên, chỉ mang tính hình thức, rập khuôn, chú trọng công tác “chống” hơn “phòng”. Vì vậy, theo các ngành chức năng, cần phải có các biện pháp giáo dưỡng hợp lý, răn đe, uốn nắn, định hướng và giáo dục cho các TTN đã từng phạm tội và có nguy cơ phạm tội nhận thức được bản thân, làm chủ bản thân, tăng cường giáo dục tư tưởng, giáo dục pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật; nâng cao trình độ văn hóa, giúp các em có được niềm tin vào cuộc sống, yêu thích và tôn trọng lao động cũng như giá trị do lao động mang lại. Bên cạnh đó, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc giáo dục cho các em.

Theo Thượng tá Trần Mưu, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Đà Nẵng, nhà trường cần xem trọng và tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho học sinh. Gia đình cần tăng cường trách nhiệm trong quản lý và giáo dục con cái, kiểm tra các hoạt động hằng ngày của các em để kịp thời uốn nắn, sửa chữa các lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, không để các em bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường tiêu cực. Phải xây dựng một gia đình thực sự là tổ ấm cho các em lớn khôn và trưởng thành, không vi phạm pháp luật, không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, Công an các cấp cần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, liên tục phát động quần chúng tấn công trấn áp tội phạm; kịp thời phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm nguy hiểm. Triển khai tốt việc dạy nghề cho các đối tượng ở các trại giam, đưa chương trình việc làm vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng vừa ra khỏi các trường giáo dưỡng hoặc trại giam nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Làm được như vậy, việc TTN phạm tội sẽ giảm đáng kể, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.