.

Mâu thuẫn nhỏ dẫn đến giết người

.

Tình trạng giết người diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian gần đây đang là thực tế đáng báo động.

Tại phiên tòa xét xử vì một cái dẫm chân trong khi nhảy, 2 nhóm thanh niên đã dùng hung khí chém nhau khiến một người chết tại chỗ.
Tại phiên tòa xét xử vì một cái dẫm chân trong khi nhảy, 2 nhóm thanh niên đã dùng hung khí chém nhau khiến một người chết tại chỗ.

1.001 lý do để giết người

Đầu tháng 7-2012, tại tổ 16B, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà xảy ra vụ án mạng đau lòng. Nguyên nhân bắt đầu từ mối quan hệ giữa Trần Thu H. (SN 1990, trú tỉnh Nam Định, nhân viên của một công ty tại Đà Nẵng) và Võ Hải Triều (SN 1989, trú tổ 1, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Sau thời gian yêu nhau, H. có ý định chia tay Triều để đến với anh Lê Mậu T. (trú Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Tối 30-6 vừa qua, H. và T. rủ nhau đi chơi. Đúng lúc ấy, Triều cũng đến phòng trọ tìm H. nói chuyện. Triều điện thoại cho H. về gặp. Khi H. về đến nhà khoảng 30 phút thì T. cũng về theo để nói rõ với Triều về tình cảm của mình dành cho H. Khi chạm mặt, hai bên nảy sinh mâu thuẫn nên đánh nhau. Được mọi người can ngăn, T. ra về. Song, mới bước ra cổng, Triều chạy theo dùng kéo đâm T. chết tại chỗ.

Trước đó, tối 17-1-2012, Trần Thị Chung (Đà Nẵng) đến quán bà Thảo (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) ăn cháo vịt với anh Lê Vũ B., người đã có gia đình (SN 1976, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Biết chuyện, Lê Ngọc Minh (tức Minh mở, SN 1982, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) - là bạn trai của Chung - rủ bạn tâm giao là Lê Văn Như Chí (SN 1994, trú phường An Khê, quận Thanh Khê) đến gây sự. Lúc này, mọi người trong quán biết chuyện nên khuyên B. ra về. Tuy nhiên, “máu anh hùng” trổi dậy, B. chạy ra sau quán lấy con dao để chém Minh. Không chịu thua, Minh cùng Chí cũng lấy 2 con dao vào quyết chiến. Hậu quả, B. bị Minh đâm chết tại chỗ.

Một số vụ án mạng xảy ra mà khi làm rõ nguyên nhân, cơ quan điều tra thấy hết sức đau lòng. Điển hình như trường hợp cháu dùng dao giết cậu xảy ra tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) vào ngày 25-2-2012 là ví dụ đau lòng. Vốn dĩ hai chị em cùng một mẹ sinh ra, nhưng vì một miếng đất của mẹ mà tranh giành nhau dẫn đến mâu thuẫn. Ngày 25-2-2012, anh Phạm Văn Mười (SN 1974, trú tổ 23B, phường Thọ Quang, tạm trú tại tổ 24A, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) đã đến nhà bà Phạm Thị Hoa (SN 1965 - chị ruột của Mười, trú tổ 23B) để gây sự. Sau cuộc “khẩu chiến” là xung đột bằng vũ lực, được Công an phường vãn hồi nên ai về nhà nấy. Tối đến, bà Hoa kể lại sự việc với con trai là Hồ Tấn Hoàng (SN 1989). Nghe chuyện, Hoàng đùng đùng nổi giận và yêu cầu mẹ điện thoại cho cậu đến nhà mình để gặp. Khi ông Mười vừa bước vào nhà thì Hoàng dùng dao giết chết cậu.

Giải pháp nào để ngăn chặn?

Luật sư Nguyễn Thành Đá, Văn phòng Luật sư Phạm Xuân Tích (Đà Nẵng) cho biết, qua bào chữa cho nhiều bị cáo phạm tội giết người vừa qua, ông nhận thấy hầu hết các đối tượng giết người đều có trình độ thấp, nhận thức pháp luật, xã hội kém; nhiều đối tượng do tác động từ bạn bè, phim ảnh bạo lực. Vì vậy, khi có mâu thuẫn, họ không thể giải quyết được bằng lý lẽ, lý trí mà dùng vũ lực. Trong khi đó, vấn đề quan tâm giáo dục con cái của một số phụ huynh còn hạn chế, thả nổi cho nhà trường và xã hội, khi xảy ra sự việc lại đổ lỗi cho xã hội chứ không nhận trách nhiệm về mình. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng cho rằng, việc phòng ngừa loại tội phạm này gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, rất nhiều người gây án trước đó là người lương thiện, không có tiền án, tiền sự, không có những biểu hiện xấu.

Vì vậy, để ngăn chặn thực trạng này, luật sư Nguyễn Thành Đá cho rằng, các cấp, các ngành và xã hội phải vào cuộc một cách quyết liệt. Trước hết, nhà trường cần phải đặt vấn đề đạo đức học sinh lên hàng đầu, chú trọng môn học giáo dục công dân cho học sinh. Điều quan trọng hơn nữa là gia đình phải là điểm tựa cho con cái. Cha mẹ cần quan tâm, nắm bắt tâm lý con cái; giáo dục con những điều hay lẽ phải, những gì nên và không nên làm.

Còn theo Thượng tá Trần Mưu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Đà Nẵng, để góp sức cùng toàn xã hội hạn chế vấn nạn này, lực lượng Công an cần thực hiện đồng bộ 2 giải pháp đấu tranh kết hợp với phòng ngừa xã hội; chủ động nắm tình hình, hạn chế, xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm. Khi vụ án xảy ra, sẽ tổ chức lực lượng truy xét nhanh, đồng thời đề nghị tòa án xử lý nghiêm khắc, công minh kẻ gây án để làm gương cho những kẻ coi thường luân thường đạo lý và pháp luật.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ
 

;
.
.
.
.
.