Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xuất hiện nhiều mô hình phòng, chống tội phạm huy động được sức mạnh toàn dân. Trong đó, “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm” của phường An Khê (quận Thanh Khê) là một trong những mô hình tiêu biểu.
Một ampli, 1 micro, 2 loa phát thanh, 2 điện thoại di động đã trở thành công cụ phòng, chống tội phạm hiệu quả. |
Sáng kiến từ thực tiễn
Trung tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Công an phường An Khê cho biết, trước năm 2006, phường An Khê thuộc diện quy hoạch, giải tỏa toàn diện. Trong đó, tổ dân phố 62 Phần Lăng là một trong những khu vực phức tạp nhất về an ninh trật tự. Một người dân hồi tưởng: “Lúc đó, nhà cửa thưa thớt, các đối tượng ma túy thường đến đây chích hút nên chúng tôi vô cùng lo lắng, nhiều lúc muốn bán nhà để đi nơi khác. Tuy nhiên, sau khi thành lập tổ dân phố (năm 2007), tình hình có phần ổn định hơn. Đặc biệt, từ tháng 5-2011, Công an phường và chính quyền cơ sở có sáng kiến xây dựng mô hình “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm” thì bà con vô cùng phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Mười - Bí thư Chi bộ 3, Phần Lăng (phường An Khê) chia sẻ: “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm” là sáng tạo rất độc đáo của địa phương. Nó là thiết bị vô tuyến, trong đó dụng cụ gồm 2 chiếc điện thoại, 1 ampli, 1 micro, 2 loa phát thanh được các kỹ thuật viên vi tính gắn kết, kích hoạt và đặt tại nhà Đội trưởng Đội dân phòng tự quản, kiêm tổ phó dân phố. Điều quan trọng là để bảo đảm tính bí mật, an toàn, các thành viên, gia đình trong tổ có điện thoại phải đăng ký với máy chủ. Khi có sự việc, người dân điện báo, trên máy sẽ hiển thị số gọi, nếu là người dân trong tổ, người nhận máy kích hoạt chuyển sang máy điện thoại gắn còi báo động. Khi nghe tiếng còi, người dân trong tổ bật điện, dùng gậy gộc được trang bị ra đường phối hợp với lực lượng dân phòng tự quản vây bắt tội phạm. Ông Mười cho biết thêm, đối với những người đã đăng ký trong danh sách nhưng có hành vi quậy phá sẽ có hình thức xử lý nghiêm, còn những trường hợp không đăng ký thì máy sẽ không kích hoạt.
Hiệu quả đáng ghi nhận
Sau khi xây dựng mô hình “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm” tại tổ 62, Công an phường cũng đã thành lập tổ dân phòng tự quản gần 10 thành viên và trang bị đầy đủ phương tiện cho lực lượng này. Để mô hình đem lại hiệu quả, người dân ở khu vực thường xuyên được tổ chức diễn tập các phương án vây bắt tội phạm. Ông Nguyễn Văn Mười thổ lộ: Trước đây, nhà ai cũng kín cổng cao tường, không ai biết mặt ai. Khi có tội phạm, họ cũng thờ ơ vì sợ bị trả thù nếu đấu tranh tố giác. Tuy nhiên, sau khi có “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm”, tình làng nghĩa xóm gắn bó hơn, mọi người rất xông xáo với công tác tấn công tội phạm. Mỗi lần có báo động, dù có tội phạm hay chỉ là tình huống diễn tập, một phản xạ rất tự nhiên là thức dậy bật điện, cầm gậy mở cửa chạy ra đường. Không chỉ dừng lại ở khu phố, các tổ dân phố lân cận cũng thức dậy, phối hợp chốt chặn, cùng nhau bắt tội phạm.
Từ khi “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm” ra đời đến nay, đã có nhiều đối tượng có hành vi trộm cắp bị nhân dân bắt giữ. Điển hình, tối 13-2-2012, có 2 đối tượng đi xe máy gây ra một vụ cướp giật ở đây, người dân phát hiện, điện thoại ngay đến máy chủ. Lập tức, tiếng còi hú vang, người dân cả khu phố cầm gậy ra đường và bắt gọn 2 tên cướp. Ngoài ra, còn nhiều vụ việc khác đã được nhân dân phát hiện, bắt giữ hoặc truy đuổi khi đối tượng chưa kịp thực hiện hành vi phạm tội. “Ngoài công tác tổ chức báo động vây bắt tội phạm, mô hình “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm” còn là “đài phát thanh” của khu phố khi tổ chức tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, phương thức, thủ đoạn mới của bọn tội phạm để nhân dân biết cách phòng ngừa, cảnh giác”, ông Nguyễn Văn Mười chia sẻ.
Sau một năm ra đời, mô hình “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm” được Công an thành phố đánh giá cao. Vì vậy, mô hình đã được nhân rộng tại 20 tổ dân phố trên địa bàn phường.
Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN