.

Tội phạm lừa đảo người nước ngoài

.

Trong xu thế hội nhập, Việt Nam được nhiều nhà đầu tư, khách du lịch nước ngoài tìm đến. Bên cạnh những tín hiệu vui là nỗi lo tội phạm có yếu tố nước ngoài xâm nhập, gây bất an cho xã hội. Đà Nẵng cũng không nằm ngoài thực trạng đó.

Phòng PC45 lập biên bản bắt quả tang đối tượng Ling Seng Koey trong vụ 3 người nước ngoài lừa đảo tại Indochine Riveside Tower.
Phòng PC45 lập biên bản bắt quả tang đối tượng Ling Seng Koey trong vụ 3 người nước ngoài lừa đảo tại Indochine Riveside Tower.

Những thủ đoạn tinh vi

Báo cáo mới nhất từ Tổng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết, từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra hơn 100 vụ phạm pháp hình sự với 165 đối tượng liên quan đến người nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý là tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao với các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như làm giả thẻ ATM để rút tiền, dùng thẻ tín dụng giả để thanh toán tiền hàng, nhằm chiếm đoạt tiền của các ngân hàng. Điển hình, ngày 5-8, một người nước ngoài đang dùng thẻ ATM giả để rút tiền tại máy ATM (đường Trần Cao Vân - Hai Bà Trưng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) đã bị bắt. Đối tượng khai nhận tên Cipriar, quốc tịch Romania. Khám xét khách sạn mà đối tượng này thuê ở, cơ quan Công an phát hiện rất nhiều thiết bị đánh cắp thông tin thẻ ATM và thiết bị làm giả thẻ ATM.

Trước đó một ngày, tối 4-8, các cơ quan Công an thành phố Đà Nẵng phối hợp với quần chúng nhân dân bắt giữ 3 đối tượng quốc tịch Malaysia là Chong Kon Hoi (47 tuổi), Ling Seng Koey (23 tuổi) và Wong Kar Wei (30 tuổi) có hành vi lừa đảo tại cửa hàng Thế giới kim cương (Tòa nhà Indochine Riverside Tower, số 74 Bạch Đằng, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Thủ đoạn của chúng là mua các mặt hàng đắt tiền, sau đó dùng thẻ tín dụng giả để thanh toán. Bọn chúng đã thực hiện trót lọt 6 vụ, với số tiền hơn 130 triệu đồng. Khi thực hiện vụ thứ 7 thì bị nhân viên của cửa hàng Thế giới kim cương nghi ngờ nên kiểm tra thông tin từ Ngân hàng Vietcombank và phát hiện thẻ tín dụng giả. Qua kiểm tra, cơ quan Công an thu giữ 20 thẻ tín dụng giả từ các ngân hàng trên cả nước.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đây là một thủ đoạn mới của bọn tội phạm công nghệ cao xâm nhập vào Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản của các chủ thẻ tín dụng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thanh toán điện tử cũng như thương hiệu và uy tín của nhiều ngân hàng thương mại trong nước. Thời gian chúng hoạt động chủ yếu vào khoảng từ 12-23 giờ hằng ngày và các ngày nghỉ, mỗi giao dịch cách nhau từ 20-30 giây.

Đấu tranh không dễ

Thượng tá Trần Mưu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, ở Đà Nẵng, loại tội phạm này xuất hiện tuy chưa nhiều như các nơi khác nhưng đây sẽ là địa bàn màu mỡ mà bọn tội phạm nhắm đến. Tuy nhiên, việc đấu tranh với tội phạm này không dễ, bởi lẽ khi đến các địa phương hoạt động, các đối tượng thường thuê nhà nghỉ, khách sạn nhỏ để ở, cho tiền nhân viên để không ghi tên tuổi, địa chỉ vào sổ đăng ký. Khi hành vi lừa đảo bị bại lộ, chúng không hề để lại dấu vết. Hơn nữa, việc bất đồng ngôn ngữ cũng như rào cản quốc tế sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc điều tra, khám phá. Vụ 3 đối tượng quốc tịch Malaysia gây án tại Đà Nẵng là một điển hình.

Theo Phòng Xuất nhập cảnh Công an thành phố Đà Nẵng, các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường hàng không, sau đó đến Đà Nẵng thuê khách sạn tại đường Hùng Vương. Bọn chúng đặt cọc trước cho khách sạn này 200 USD và yêu cầu không ghi tên tuổi, quốc tịch. Khi đối tượng còn lại trong vụ án tẩu thoát, cơ quan Công an không lấy được thông tin về đối tượng.

“Để ngăn chặn loại tội phạm này, các cơ sở dịch vụ cần phải nâng cao cảnh giác, khi giao dịch với người nước ngoài nên cẩn thận, nhất là khi khách hàng đề nghị thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế”, Thượng tá Trần Mưu chia sẻ. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản đề nghị các Tổ chức thanh toán thẻ có biện pháp rà soát lại những giao dịch thanh toán đáng ngờ qua POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ), trong đó cần chú ý đến những đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ có số lượng giao dịch liên tục với nhiều thẻ khác nhau vào thời gian bất thường trong ngày, hoặc trường hợp doanh số tăng đột biến và thiếu chứng từ chứng minh cung cấp hàng hóa, dịch vụ hợp lệ. Nếu có những biểu hiện như vậy cần báo với ngân hàng cũng như cơ quan Công an để ngăn chặn.

Chúng tôi sẽ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lồng ghép tuyên truyền về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo công nghệ cao cho người dân, các tổ chức tín dụng nâng cao cảnh giác; đồng thời tăng cường quản lý người nước ngoài tại các địa bàn dân cư, kết hợp việc xử lý nghiêm khắc các khách sạn, nhà nghỉ có hành vi vi phạm Luật Cư trú”, Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an thành phố nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.