.

Tội phạm người nước ngoài ở Đà Nẵng

.

Liên tiếp trong vòng một tháng, lực lượng Công an thành phố đã phát hiện nhiều người nước ngoài hoạt động trá hình tại Đà Nẵng.

Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, He Dechao giả làm nhà sư để đi xin tiền của dân.
Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, He Dechao giả làm nhà sư để đi xin tiền của dân.

8 giờ 30 ngày 7-8, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72 Công an thành phố Đà Nẵng) phối hợp với Đội An ninh Công an quận Thanh Khê kiểm tra hành chính tại nhà số 45 Điện Biên Phủ do bà Nguyễn Thành Anh Thuận sở hữu. Ngay thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện tại tầng 3 có 19 “game thủ” đang say sưa trước màn hình. Được biết, ngôi nhà này được doanh nghiệp Taran (trụ sở số 6 Trần Đăng Ninh, quận Hải Châu) thuê, do một người Việt Nam làm giám đốc nhưng ông chủ lại là 2 người Hàn Quốc có tên Kim Jongpil (SN 1971) và Kang Buseok (SN 1974). Công ty Taran được Sở Kế hoạch-Đầu tư cấp phép hoạt động với hình thức kinh doanh điện tử. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng lại hoạt động trá hình nhằm kiếm lợi bất chính. Phòng PA72 đã xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với 2 người Hàn Quốc về hành vi nhập cảnh và hoạt động trái mục đích cũng như phạt về hành vi không khai báo tạm trú, tạm vắng; đồng thời đề nghị cơ quan chức năng tước giấy phép hoạt động của công ty trên.

Cùng thời điểm, Công an quận Sơn Trà phát hiện Li Muzi (SN 1984) cùng Xu Xiande (SN 1985, cùng quốc tịch Trung Quốc) thuê nhà số 47 Đỗ Huy Uyển, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà để ở. Sau đó, Li Muzi đã thành lập Công ty TNHH MTV phát triển du lịch H.M.T.A Việt Nam và cho Nguyễn Thị Q.N (trú Đà Nẵng) đứng tên làm giám đốc, còn Li Muzi đứng sau điều hành. Công ty này đã đón khách du lịch quốc tế một cách trái phép, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động du lịch của các công ty lữ hành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Cũng thời gian này, Công an phường Thạch Thang (quận Hải Châu) bắt quả tang Peng Yurui và He DeChao (cùng SN 1952, quốc tịch Trung Quốc) giả nhà sư đi khất thực, xin tiền của người dân. Tại thời điểm bị bắt, Peng Yurui đã xin được 1,4 triệu đồng.

Mới đây nhất, ngày 11-9, Công an quận Sơn Trà phát hiện 2 người Trung Quốc đi bán hàng dạo trên địa bàn quận nên lập biên bản xử lý, sau đó giao Phòng PA72 điều tra theo thẩm quyền. Các đối tượng trên đã bị cơ quan chức năng cho xuất cảnh khỏi đất nước.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Hữu Do, Trưởng Phòng PA72 cho biết, thời gian gần đây, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thông qua nhiều con đường, nhiều nhất là hình thức bảo lãnh từ các sứ quán, các Công ty du lịch lữ hành. Khi được cấp thị thực, visa, nhập cảnh vào Việt Nam dưới hình thức đi du lịch nhưng trên thực tế họ thị sát thị trường để kinh doanh hoặc hoạt động với các hình thức trá hình khác. Một bộ phận lợi dụng người Việt Nam đứng tên để mở công ty rồi đứng sau thao túng, điều hành và kiếm lợi bất chính. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, các đối tượng lợi dụng vấn đề rào cản ngôn ngữ nên có thái độ bất hợp tác, nhiều đối tượng còn liều lĩnh chống đối. Khi bị xử phạt hành chính thì họ viện lý do không có tiền để chây ì. Không dừng lại ở đó, một số trường hợp khi trục xuất, lực lượng chức năng phải “áp tải” ra tận biên giới, mất nhiều thời gian. Cùng với những khó khăn đó, việc phát hiện những người nước ngoài hoạt động trá hình cũng không dễ. Bởi lẽ, khi đến Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, những trường hợp này thường thuê nhà trọ, nhà nghỉ nhưng không khai báo tạm trú. Để che đậy hành vi, họ cho tiền để chủ nhà trọ, nhà nghỉ không ghi tên vào sổ quản lý. Khi hành vi sai trái bị phát hiện, những người này cũng “mất tích” và không để lại dấu vết. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách quản lý người nước ngoài ở địa bàn thành phố Đà Nẵng còn mỏng, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế nên gặp không ít khó khăn trong vấn đề phát hiện, xử lý.

“Những vụ việc vừa qua được phát hiện nhờ tinh thần cảnh giác cao độ của người dân. Vì vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là cần phải phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong vấn đề đấu tranh, tố giác. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý tạm trú người nước ngoài ở các địa phương, qua đó kịp thời xử lý nghiêm các hành vi không khai báo tạm trú, tạm vắng”, Đại tá Trần Hữu Do nói.

Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN

;
.
.
.
.
.