.

Ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em

.

Từ đầu năm 2012 đến nay, tình trạng xâm hại trẻ em trong cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đang báo động. Điều này gây lo lắng, bất an cho các bậc phụ huynh, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Bốn nghi can có hành vi hiếp dâm tập thể trẻ vị thành niên đã bị pháp luật xử lý thích đáng. (Ảnh chụp tại một phiên tòa ở Đà Nẵng)
Bốn nghi can có hành vi hiếp dâm tập thể trẻ vị thành niên đã bị pháp luật xử lý thích đáng. (Ảnh chụp tại một phiên tòa ở Đà Nẵng)

Không dám để trẻ ở một mình

Đó là chia sẻ của nhiều bậc phụ huynh khi chúng tôi hỏi về việc trông giữ con cái hằng ngày. Chị N. (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cho biết, qua theo dõi các phương tiện truyền thông, tình trạng các bé bị xâm hại khiến những bậc làm cha làm mẹ thật sự lo lắng. Rất nhiều vụ án mà hung thủ chính là những người quen biết.

Chị Lê Thị A. (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cho biết, chị có con gái học cấp 1, do nhà neo người nên trước đây thường để cháu ở nhà một mình. Tuy nhiên, nay chị không dám rời mắt khỏi cháu. Hằng ngày, mỗi khi cháu tan học, chị tranh thủ đến đón rồi đưa về cơ quan đợi chị hoàn tất công việc để cùng về nhà. Chị không còn có ý nghĩ con đã lớn, có thể tự về nhà hay ở nhà một mình.

Theo Công an thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 16 vụ án xâm hại thân thể, trong đó có 4 vụ hiếp dâm trẻ em, 3 vụ giao cấu trẻ em, 1 vụ dâm ô trẻ em. Điển hình, vào đầu năm 2012, tại khu chung cư phường Thuận Phước xảy ra vụ cháu bé 8 tuổi bị cậu bé hàng xóm 15 tuổi dở trò đồi bại...

Chủ động quản lý con cái

Luật sư Nguyễn Thành Đá, Văn phòng Luật sư Phạm Xuân Tích (Đà Nẵng) chia sẻ: “Không cháu bé nào bị xâm hại thân thể mà thoát được cảnh khủng hoảng tinh thần, hoặc cháu sẽ bị rối loạn nặng nề về sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng đến khả năng học tập, hòa nhập cộng đồng. Mặc dù đối tượng gây án sẽ bị trừng trị thích đáng, nhưng sẽ không bao giờ bù đắp, xóa nhòa những hậu quả nặng nề mà các cháu gánh chịu, thậm chí ám ảnh cả cuộc sống sau này”.

Cũng theo Luật sư Đá, các vụ việc xâm hại trẻ em gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, cho thấy tình trạng tha hóa đạo đức đến mức nghiêm trọng. Ngoài ra, điều này cũng để lộ nhược điểm của công tác giáo dục là lo dạy chữ mà đặt nhẹ việc dạy nhân cách cũng như dạy kỹ năng sống. Ngoài ra, sự chủ quan của gia đình có trẻ nhỏ tạo nên những tình huống “như sắp đặt sẵn” để kẻ phạm tội thực hiện hành vi. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý, giáo dục chưa thực sự đồng bộ, thường xuyên, chưa có biện pháp cụ thể để đẩy lùi tình trạng này.

Để ngăn chặn thực trạng này, trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Mưu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, các ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện chương trình đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác bảo vệ con cái, không để tội phạm lợi dụng sơ hở gây án. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát hình sự rà soát đưa vào diện quản lý nghiệp vụ các đối tượng tình nghi nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Các ngành chức năng tăng cường quản lý văn hóa phẩm chặt chẽ và tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh cho giới trẻ. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần quan tâm đặc biệt đến con trai trong độ tuổi dậy thì, không buông lỏng giáo dục và hướng các em đến với các hoạt động vui chơi lành mạnh, thể dục thể thao.

Bài và ảnh: NGÔ HỒNG PHONG

;
.
.
.
.
.