.

Tội phạm tài chính, ngân hàng gây tổn thất hàng nghìn tỷ

Theo Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, tội phạm lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang "nổi lên" với nhiều thủ đoạn tinh vi, như: làm hồ sơ giả, móc nối với cán bộ ngân hàng để chiếm đoạt, huy động vốn của nhiều doanh nghiệp.

Trong báo cáo trước Quốc hội chiều 22-10, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã phát hiện 891 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, tội phạm về chức vụ (tăng 583 vụ so với năm 2011), với 1.936 tội phạm (tăng gần gấp đôi so với năm 2011). Công an đã khởi tố một loạt vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinashin; vụ tham ô, tham nhũng xảy ra tại Công ty Xây lắp Dầu khí, tham nhũng tại Công ty dệt kim Đông Phương, chi nhánh một số Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...

Cơ quan điều tra cũng đã bắt giam ông Nguyễn Đức Kiên để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và kinh doanh trái phép; khởi tố ông Trần Xuân Giá và một số lãnh đạo ngân hàng ACB về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước. Cảnh sát cũng đã tổ chức truy bắt bị can Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch Vinalines bỏ trốn.

“Tội phạm kinh tế, tài chính, ngân hàng đã gây tổn thất hàng nghìn tỷ đồng, tác động đến hệ thống tài chính tiền tệ. Đáng chú ý là hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo làm hồ sơ giả, móc nối với cán bộ ngân hàng để chiếm đoạt, huy động vốn của nhiều doanh nghiệp”, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết.

Người đứng đầu ngành công an cũng thừa nhận, công tác điều tra một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng được dư luận quan tâm còn chậm, nhiều vụ án phải điều tra lại nhiều lần và kéo dài. Nguyên nhân do cán bộ còn thiếu, năng lực trình độ, tinh thần trách nhiệm hạn chế, thậm chí một số cán bộ còn vi phạm pháp luật.

Dự báo năm 2013 với bối cảnh kinh tế xã hội có diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa đấu tranh phòng chống tội phạm. Ông kiến nghị Quốc hội sửa đổi hoạt động giám định tư pháp bởi đây là vướng mắc trong điều tra vụ án tham nhũng; bổ sung thẩm quyền của cơ quan điều tra với một số người có dấu hiệu bỏ trốn; sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng tăng hình phạt với người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, mặc dù các vụ án tham nhũng, vi phạm kinh tế đã phát hiện với số lượng lớn nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình. Việc thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả, nhiều vụ việc được phát hiện chỉ sau khi dư luận, báo chí lên tiếng. Các sai phạm lớn chưa được điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng chưa nghiêm minh, chủ yếu xử lý kỷ luật, có nguy cơ bỏ lọt tội phạm.

Bên cạnh đó, công tác xét xử các vụ án tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao, nhiều vụ án phức tạp nên công tác xét xử kéo dài, qua nhiều cấp xét xử song không giải quyết dứt điểm gây bức xúc trong dư luận, một số tòa án địa phương còn có biểu hiện cả nể người vi phạm.

VnExpress

;
.
.
.
.
.