.

Triệt phá đường dây làm giả chứng chỉ

.

Trước tình hình làm giả giấy tờ, đặc biệt là các loại chứng chỉ tiếng Anh, Tin học… trên địa bàn quận Liên Chiểu diễn biến phức tạp, lãnh đạo Công an quận đã chỉ đạo lực lượng trinh sát các đội nghiệp vụ vào cuộc điều tra, qua đó lần ra một đường dây “sản xuất” chứng chỉ giả.

Một số văn bằng đã được làm hoàn thiện. 				Ảnh: N.PHÚ
Một số văn bằng đã được làm hoàn thiện. Ảnh: N.PHÚ

Tiệm photocopy đáng ngờ

Đầu tháng 10-2012, lực lượng Công an quận Liên Chiểu phát hiện tiệm photocopy số 502 Tôn Đức Thắng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), do Phạm Ngọc Thạch (SN 1990, trú xã Hai Riêng, Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, tạm trú số nhà nói trên) có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành xác minh.

Lúc 9 giờ ngày 13-10, lực lượng an ninh, Công an kinh tế, Cảnh sát hình sự của Công an quận Liên Chiểu đã ập vào tiệm photocopy. Tại thời điểm bị bắt, ngoài chủ tiệm photocopy Phạm Ngọc Thạch, còn có Nguyễn Văn Việt (SN 1985, trú xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, tạm trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu); tang vật thu giữ tại chỗ gồm 36 chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ các loại, qua giám định đều là chữ ký, con dấu giả. Các chứng chỉ đều ghi nơi cấp: Trường CĐ Phương Đông Quảng Nam. Cơ quan Công an đã thu giữ một màn hình máy tính, máy in và một USB chứa các dữ liệu văn bằng chứng chỉ cùng toàn bộ chứng chỉ giả nói trên.

Chứng chỉ in ra như thật

Tại cơ quan Công an, Phạm Ngọc Thạch khai chỉ nhận in màu và ép plastic thuê cho Nguyễn Văn Việt với giá 7.500 đồng/chứng chỉ. Tuy nhiên, qua mở rộng vụ án, người đứng sau Nguyễn Văn Việt là Phạm Trọng Trường (SN 1989, trú xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nhân viên kinh doanh của một công ty TNHH có trụ sở ở đường Điện Biên Phủ, Đà Nẵng).

Trường đã bị bắt ngay sau đó. Tang vật thu giữ tại nơi ở của Trường (tổ 47, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) là 29 chứng chỉ đã hoàn thành nhưng chưa gửi cho người mua.

Trường khai nhận, ngoài việc tự liên hệ với người mua bằng còn nhận hàng chục “khách hàng” do Nguyễn Xuân Sỹ (SN 1989, trú Hương Văn, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế), sinh viên của một trường ĐH dân lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cung cấp. Sỹ cũng liên hệ với người mua bằng, sau đó giao cho Trường để hưởng hoa hồng chênh lệch. Sỹ nhận của người mua 260.000 đồng/chứng chỉ, rồi giao cho Trường 180.000 đồng/chứng chỉ, còn mình hưởng 80.000 đồng/chứng chỉ. Tại thời điểm bị bắt, Sỹ tàng trữ 8 chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ trình độ các loại.

Sau khi nhận được tiền, tên tuổi, địa chỉ, ảnh 3x4cm của người mua, Phạm Trọng Trường đã thuê Nguyễn Văn Việt đi làm. Việt lại thuê một người tên Dũng (trú quận Sơn Trà) in bìa cứng, dùng kỹ thuật scan các chứng chỉ thật do Trường CĐ Phương Đông Quảng Nam mà Việt đã từng học cấp, rồi đến tiệm photocopy của Thạch in màu, ghi tên tuổi, năm sinh, địa chỉ, xếp loại rồi ép plastic. Các chứng chỉ in ra đều như thật, mắt thường khó phân biệt. Theo Công an quận Liên Chiểu, những người mua chứng chỉ thường trú chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Ngoài việc làm giả chữ ký, con dấu của Trường CĐ Phương Đông Quảng Nam, nhóm đối tượng này còn làm giả con dấu của Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng.

Ngày 4-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Liên Chiểu cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Việt, Phạm Trọng Trường và Nguyễn Xuân Sỹ về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 2, Điều 267 Bộ luật Hình sự, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.