.
Liên quan đến vụ giả danh Cảnh sát hình sự:

Không được mua, bán trang phục Công an nhân dân

.

(ĐNĐT) - Ngày 5-6, Công an quận Ngũ Hành Sơn cho biết, đã tạm giữ hình sự nghi can Bùi Văn Tiến (SN 1987, trú xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) để củng cố hồ sơ, bàn giao cho Công an huyện Lạc Sơn theo lệnh truy nã. Tiến bị Công an quận Ngũ Hành Sơn bắt giữ vào ngày 4-6. Tại thời điểm bị bắt, Tiến mang sắc phục Cảnh sát hình sự với quân hàm thiếu tá, cùng một khẩu súng bắn đạn bi, nhiều giấy tờ giả mạo thẻ ngành Công an.

Trao đổi với phóng viên ĐNĐT, một cán bộ Công an quận Ngũ Hành Sơn cho biết, Bùi Văn Tiến khai nhận mua trang phục Cảnh sát và lon thiếu tá tại đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) với giá 700.000 đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi tại quận Thanh Khê, có duy nhất một cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuộc Công ty 19-5 Xí nghiệp Miền Trung (Bộ Công an). Anh Hoàng Văn Quý, cửa hàng trưởng khẳng định: “Sau khi nghe thông tin đối tượng giả danh Cảnh sát hình sự và mua bộ quần áo đó tại địa bàn quận Thanh Khê, chúng tôi tiến hành kiểm tra cảnh phục xem có mất mát gì không và làm việc với các nhân viên, họ khẳng định rằng chưa bao giờ thấy người thanh niên này đến cửa hàng”.

Được biết, Công ty 19-5 có một cửa hàng mua, bán sản phẩm duy nhất tại đường Điên Biên Phủ,  giới thiệu sản phẩm trang phục lực lượng Công an nhân dân khu vực miền Trung-Tây Nguyên và nhận bảo hành cảnh phục này. Quá trình hoạt động, Công ty 19-5 đề ra quy định “không được phép mua, bán trang phục lực lượng Công an nhân dân”. Ở cửa hàng giới thiệu sản phẩm này, có cho phép bán một số mặt hàng quần sơ mi thời trang, mũ bảo hiểm và một số trang phục hoạt động của lực lượng Công an xã, Kiểm lâm, dân phòng theo quy định.

Quân phục lực lượng Công an được giới thiệu tại cửa hàng 19-5
Trang phục lực lượng Công an được giới thiệu tại cửa hàng 19-5

Nói về chuyện quản lý việc may mặc trang phục Công an nhân dân, một lãnh đạo Công an thành phố cho biết vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Công an thành phố. “Trang phục Công an, mỗi năm, Bộ Công an cấp theo quy định chung. Mỗi người được cấp trang phục đều ghi tên tuổi, đơn vị công tác, kích cỡ…”, vị lãnh đạo này nói. Theo lãnh đạo Công an thành phố, việc quản lý trang phục Công an nhân dân nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung lẽ ra phải có một bản quyền riêng. Nhưng hiện nay, có nhiều đơn vị không phải lực lượng vũ trang nhưng vẫn có quân hàm, quân hiệu nên rất dễ gây hiểu nhầm cho người dân. Vì vậy, theo lãnh đạo Công an thành phố, cần có chế độ quản lý quân phục của lực lượng vũ trang, tránh tình trạng buông lỏng, tiếp tay cho bọn tội phạm lợi dụng hoạt động gây án.

Vậy, Bùi Văn Tiến mua chiếc áo Cảnh sát và quân hàm thiếu tá ở đâu? Điều này cơ quan Công an sẽ tiến hành điều tra làm rõ. Qua đó, kiến nghị Bộ Công an, Chính phủ xử phạt nghiêm các hành vi mua, bán chui trang phục của Công an.

Theo Tổng Cục Cảnh sát Bộ Công an, những năm qua, tình trạng tội phạm giả danh Công an diễn biến phức tạp. Ở thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an cũng đã bắt giữ 2 vụ. Thủ đoạn phạm tội chủ yếu của bọn tội phạm này thường là cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình thức thể hiện rất đa dạng, có lúc chúng giả danh là Cảnh sát hình sự, có khi lại là Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động. Khi giả danh là Công an, hầu hết các đối tượng đều nhằm mục đích vụ lợi, có được lòng tin của người bị hại, để dễ dàng chiếm đoạt tài sản. Đối tượng giả danh thường nhằm vào những người đi đường, có hành vi vi phạm Luật Giao thông; các gia đình có người thân đang trong vòng lao lý có nhu cầu cần chạy án; những người có nhu cầu xin việc làm...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.