(ĐNĐT) - Tại phiên xét hỏi, bị cáo Nguyễn Hữu Phước (30 tuổi, trú tổ 25, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) được “ưu tiên” trả lời trước. Trong quá trình xét hỏi, Phước mới thấy “thầy” Đặng Ngọc Tân chơi không sòng phẳng với mình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nguyễn Hữu Phước vốn làm tài xế lái xe taxi, đã có vợ con. Tuy nhiên, quá trình quen biết với Đặng Ngọc Tân, được Tân dụ dỗ ngon ngọt và hứa chia phần “hời” cho mình sau mỗi vụ trộm cắp, Phước hạ quyết tâm “hành nghề” cùng với Tân. Là một tài xế nên Phước cũng rất điệu nghệ trong quá trình lái xe, vì thế Tân rất yên tâm sau mỗi khi "đánh quả". Theo Phước, mỗi lần đi trộm, 2 “thầy trò” chọn thời điểm là 18 giờ đến 20 giờ. Bởi thời gian này, người dân chưa đi làm về, rất mất cảnh giác. Là một tài xế đắc lực, một “cảnh vệ” hết sức trung thành, nhưng Đặng Ngọc Tân đã không sòng phẳng với đàn em của mình.
Bị cáo Phước trả lời tại phiên tòa |
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Cảnh đã xét hỏi vai trò từng vụ án đối với Nguyễn Hữu Phước. Theo đó, 36 vụ trộm tại địa bàn thành phố Đà Nẵng, Phước có vai trò chở đi và cảnh giới. Trong 36 vụ án này, không có vụ nào "siêu trộm” Đặng Ngọc Tân đột nhập mà không có chiến lợi phẩm đem về. Tuy nhiên, là “cáo già” nên mỗi một vụ trộm, nếu tài sản chiếm hàng tỷ đồng thì Tân chia cho Phước một ít, còn tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến khoảng 500 triệu đồng, Tân bảo với Phước là không có gì, hoặc tài sản ít nên chia cho Phước vài triệu đồng gọi là trả công.
Điển hình như vụ trộm tại đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê), sau khi đột nhập vào nhà dân lấy được 350 triệu đồng, nhưng khi về, Tân bảo chỉ trộm ít tiền mặt nên chia cho Phước 4,5 triệu đồng. Vụ tại số nhà 20 Lê Đình Lý (quận Thanh Khê), Đặng Ngọc Tân đột nhập lấy được 266 triệu đồng nhưng Tân chỉ chia cho Phước 3 triệu đồng. Hay vụ tại đường Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê), Tân đột nhập trộm cắp tổng giá trị tài sản 900 triệu đồng nhưng khi ra ngoài, Tân bảo không có tài sản gì nên cũng không chia cho Phước. Tưởng Tân nói thật nên Phước chở Tân về nhà. Tài sản chiếm được, Tân tiêu xài một mình. Vụ tại đường Ông Ích Khiêm, Tân nói chỉ trộm được mấy chai rượu nên cũng chỉ chia cho Phước 2 triệu đồng. Trong khi vụ trộm này, Tân cũng kiếm gần 100 triệu đồng.
Vụ trộm tại đường Nguyễn Văn Linh, Tân không nói rõ cho Phước là trộm được bao nhiêu và chỉ chia cho Phước 10 triệu đồng. Trong vụ án này, Tân "ôm" hơn 600 triệu đồng. Còn tại hai vụ trộm số 55 -57 Lê Đình Lý, Tân lấy được gần 230 triệu đồng nhưng chỉ chia cho Phước một vụ là 25 triệu đồng, vụ còn lại Tân bỏ túi. Đặc biệt, trong vụ trộm tại nhà bà Phạm Thị Ngọc, số 33 Núi Thành vào tối 6-10-2010, Tân lấy 110 cây vàng. Nhưng khi chia chiến lợi phẩm, Tân bảo Phước là chỉ có 4 cây vàng. Lúc này, Tân tỏ vẻ hào phóng nên chia 2. Phước được 2 cây vàng, bán được 60 triệu đồng. Còn lại Tân đem ra Hà Nội bán được 3,3 tỷ đồng, sau đó đưa cho Nguyễn Bạch Dương (vợ Tân) mở tài khoản đứng tên…
Khi HĐXX hỏi, tại sao bị cáo Đặng Ngọc Tân chia cho bị cáo ít vậy mà không có ý kiến? Phước trả lời: "Dạ, bị cáo tin tưởng anh Tân nên ảnh nói gì bị cáo nghe vậy."
Chủ tọa phiên tòa lại hỏi: Vậy, tại sao anh có nghề nghiệp ổn định, sao không tu chí làm ăn mà phải theo Đặng Ngọc Tân phạm tội. Bị cáo có biết như vậy là vi phạm pháp luật không? Phước đáp: Dạ, bị cáo biết nhưng "lỡ đâm lao rồi thì phải theo lao".
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hữu Phước tỏ vẻ hối hận trước hành vi của mình nên đã khai báo thành khẩn. Đến 11 giờ cùng ngày, HĐXX đã kết thúc phiên xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Hữu Phước và kết thúc phiên xét xử buổi sáng. Buổi chiều 6-6, phiên tòa tiếp tục xét hỏi bị cáo Đặng Ngọc Tân và Nguyễn Bạch Dương.
NGỌC PHÚ