Mặc dù chính quyền thành phố có rất nhiều chủ trương, biện pháp giảm tai nạn giao thông (TNGT), nhưng tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp. Số người chết do TNGT vẫn tăng, để lại nhiều hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội.
Lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm làn đường. |
Những tai họa bất ngờ
Đến bây giờ, người dân tại khu vực ngã tư đường Lê Trọng Tấn - Trường Chinh (quận Cẩm Lệ) vẫn bàng hoàng về vụ tai nạn khiến hai nạn nhân chết tại chỗ vào tối 8-1-2013. Lúc đó, em Trần Trương Bảo Tr. (17 tuổi, trú phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) điều khiển xe đạp, chở sau là Hòa Minh Đ. (4 tuổi) đi từ khu sân bay về đường Lê Trọng Tấn thì bị ô-tô 7 chỗ do Nguyễn Đức Lộc (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) điều khiển tông vào khiến cả hai chết tại chỗ. Nhiều người đi trên đường không dám nhìn thảm cảnh hãi hùng đó. Cha mẹ của hai em nhỏ đã ngất xỉu khi hay tin. “Nếu tài xế ô-tô làm chủ được tốc độ thì sẽ không gây ra hậu quả như vậy”, một cán bộ CSGT điều tra vụ việc chia sẻ.
Sau đó ba ngày, anh Lưu Phạm Công Th. (21 tuổi, trú thôn 4, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) điều khiển xe máy chở mẹ ruột là Phạm Thị T. (47 tuổi) từ quê ra Đà Nẵng để khám bệnh. Khi đến khu vực cầu vượt Hòa Cầm (Đà Nẵng) thì bị ô-tô tải BKS 63L-6344 cán chết tại chỗ. Khi cả hai mẹ con chết, bà T. vẫn ôm chặt con trai mình. Hình ảnh ấy khiến những người chứng kiến thắt ruột thắt gan...
Một trường hợp khác, đang đi trên đường tránh Túy Loan, anh Nguyễn Chiên (SN 1979) và Nguyễn Cúc (SN 1976, cùng trú thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đã bị ô-tô BKS 49B-001.98 do Đoàn Thanh Hùng (trú thành phố Đà Lạt) tông, khiến cả hai chết tại chỗ. Tai họa ập đến bất ngờ, hai nạn nhân - hai trụ cột gia đình bỏ lại vợ dại con thơ.
Trên đây chỉ là 3 trong hàng trăm vụ tai nạn đau lòng xảy ra trong thời gian vừa qua, để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, hậu quả nặng nề cho xã hội.
Đi tìm nguyên nhân
Theo thống kê của Công an thành phố, 9 tháng đầu năm năm 2013 (tính từ ngày 16-11-2012 đến 16-8-2013) đã xảy ra 126 vụ TNGT, làm chết 98 người, bị thương 78 người, thiệt hại hơn 900 triệu đồng. So với cùng kỳ, tăng 13 vụ, chết tăng 14 người. Nguyên nhân chủ yếu do chạy quá tốc độ: 21 vụ, chết 20 người; đi không đúng phần đường, làn đường: 18 vụ, chết 13 người; tự gây tai nạn: gần 20 vụ; không chú ý quan sát: 11 vụ, chết 8 người; bộ hành: 5 vụ, chết 3 người… Thời gian xảy ra nhiều nhất là từ 18-24 giờ: 46 vụ, chết 38 người.
Đại tá Nguyễn Đến - Trưởng phòng CSGT (Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt nhằm thiết lập trật tự an toàn giao thông. Lực lượng CSGT cũng như Cảnh sát khác đã vào cuộc một cách triệt để, triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề để xử lý, đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn gia tăng cả về số vụ lẫn số người chết. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là lỗi của người tham gia giao thông.
“TNGT xảy ra là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông. Điển hình như trường hợp vụ TNGT tại ngã ba Huế vào ngày 25-8 làm hai mẹ con chị Trần Thị Mỹ Lệ chết tại chỗ. Nếu chị Lệ chú ý quan sát, giảm ga, người điều khiển phương tiện ô-tô quan sát phía sau theo kính chiếu hậu thì sẽ không có vụ việc đau lòng xảy ra”, một cán bộ CSGT cho biết.
Theo cơ quan chức năng, đoạn ngã ba Huế từ đường Tôn Đức Thắng qua đường ray thuộc đoạn đường dốc, mỗi lần ô-tô đi qua phải lấy đà. Trong khi đó, lưu lượng xe máy chạy từ hướng Liên Chiểu về trung tâm thành phố đông, mà ô-tô thường rẽ phải để về đường Trường Chinh. Nếu cả hai đều chủ quan, không quan sát sẽ gây TNGT. Trong nhiều năm qua, hàng chục vụ TNGT chết người ở ngã ba Huế đều có cùng một nguyên nhân như thế.
Điều đáng quan ngại, hầu hết các vụ TNGT chết người trong thời gian qua trên địa bàn thành phố đều xảy ra ở những tuyến đường rộng, thoáng và đẹp. Theo lý giải của ngành chức năng, do đường rộng nên cánh tài xế ô-tô cũng như người điều khiển xe máy chủ quan nên chạy nhanh. Khi gặp chướng ngại bất ngờ thì không làm chủ được tốc độ, gây ra TNGT đau lòng. “Ngay cả tại các tuyến đường ở các khu công nghiệp vắng người nhưng TNGT chết người vẫn xảy ra. Công nhân thấy đường vắng là phóng nhanh, khi gặp xe ngược chiều thì không làm chủ được tốc độ, gây ra tai nạn chết người”, Đại tá Nguyễn Đến lý giải...
Vì vậy, điều cốt lõi nhất nhằm giảm TNGT, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý của ngành Công an thì cần phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông bằng cách đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền đến từng đối tượng, trong đó đặc biệt là lứa tuổi thanh niên, sinh viên, học sinh..., và cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, ngành Giao thông vận tải cần phải khảo sát, khắc phục các “điểm đen” TNGT. Có như vậy, từ nay đến cuối năm mới đạt được mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ TNGT theo chủ trương của Chính phủ.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ