.

Xử lý vận chuyển gia súc bằng xe máy

.

Trước việc vận chuyển thực phẩm gia súc đã giết mổ bằng xe máy trên các tuyến đường thành phố Đà Nẵng về các chợ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), UBND thành phố đã chỉ đạo Công an phối hợp với Chi cục Thú y thành phố kiểm tra, xử lý kiên quyết.

Lập biên bản cảnh cáo 2 trường hợp chở heo đã giết mổ trên đường phố.
Lập biên bản cảnh cáo 2 trường hợp chở heo đã giết mổ trên đường phố.

Buổi đầu ra quân, 20 trường hợp vi phạm

Rạng sáng 6-8, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an thành phố Đà Nẵng) phối hợp với lực lượng CSGT, Chi cục Thú y thành phố Đà Nẵng đồng loạt ra quân xử lý việc vận chuyển gia súc bằng xe máy trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các tuyến đường: Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Văn Thái, Trường Chinh, Điện Biên Phủ, Cách mạng Tháng Tám…

Theo ghi nhận của chúng tôi, bắt đầu khoảng 2 giờ, tại các tuyến đường nói trên có hàng chục phương tiện xe máy chở đầy heo đã giết mổ phóng nhanh trên đường phố. Có trường hợp vừa chở heo, vừa chở người; nhiều trường hợp để những tảng thịt heo vắt trên ghi-đông, sau yên xe thành đống cao, máu chảy lênh láng; có trường hợp để chân heo xạc xuống đất kéo lê trên đường…

Trên đường Điện Biên Phủ, cơ quan chức năng phát hiện xe máy do ông Trương Th. (trú quận Liên Chiểu) chở trên xe máy 9 con heo thịt (đã qua giết mổ) có tổng trọng lượng trên 400kg, máu me bê bết nên tiến hành lập biên bản. Được biết, ông Th. thường xuyên chở heo thuê từ các lò mổ ở địa bàn quận Liên Chiểu về bỏ tại chợ Đống Đa vào mỗi sáng sớm. Mặc dù biết chở vậy là không bảo đảm vệ sinh, nhưng ông Th. và nhiều người khác vẫn cố tình vi phạm.

Tương tự, kiểm tra trên các tuyến đường khác chỉ trong vòng 3 giờ đồng hồ (từ 2-5 giờ sáng), lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 20 trường hợp vi phạm chủ yếu với các lỗi nói trên.

Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố, cho biết thời gian qua, thịt heo từ cơ sở giết mổ phần lớn vẫn còn được vận chuyển bằng phương tiện xe máy, không có thùng chứa theo quy định nên không bảo đảm ATVSTP; bên cạnh đó, những người vận chuyển còn chở quá tải, cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Hiện tại trên toàn thành phố có 45 hộ tự chở heo bằng xe máy tới cơ sở giết mổ và đi tiêu thụ; 104 xe thồ chuyên chở thuê, 82 hộ thường mua thịt heo và chở về bằng xe máy để phân phối, tiêu thụ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở

Theo lãnh đạo Phòng PC49, nhằm thực hiện nghiêm túc Quyết định số 15 ngày 9-4-2012 của UBND thành phố Đà Nẵng về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và ATVSTP trong hoạt động giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố, Phòng PC49 đã phối hợp với CSGT, Chi cục Thú y thành phố, Công an các quận, huyện tăng cường công tác đấu tranh với các hành vi nói trên. Việc triển khai sẽ được lực lượng chức năng làm thường xuyên và liên tục từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Đặng Hữu Quế, Phó trưởng phòng PC49, đối với các hành vi vi phạm nói trên, hiện nay lực lượng chức năng chỉ mới dừng lại ở khâu lập biên bản cảnh cáo, nhắc nhở và tổ chức cam kết mọi người thực hiện đúng theo tinh thần Quyết định số 15 của UBND thành phố. Nếu tái phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý hành vi chở quá tải. Đến ngày 1-1-2014, nếu vận chuyển không sử dụng phương tiện chuyên dùng sẽ xử lý nghiêm khắc theo Nghị định 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về ATVSTP.

Chi cục Thú y thành phố đã tổ chức in ấn hàng trăm tờ rơi tuyên truyền về việc triển khai Quyết định 15 của thành phố về thực hiện 8 nội dung nghiêm cấm hành vi trong kinh doanh, vận chuyển động vật. Tuy nhiên, cũng theo Chi cục Thú y thành phố, nên chăng thành phố cần phải có chính sách hỗ trợ để khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư trang bị các phương tiện chuyên dùng thay thế các phương tiện không bảo đảm để vận chuyển thịt gia súc, gia cầm từ cơ sở giết mổ, nơi kinh doanh đến nơi tiêu thụ…

Điều 14, Nghị định 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nêu rõ: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với việc sử dụng phương tiện vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm chế tạo bằng vật liệu làm ô nhiễm thực phẩm.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.