.

Đưa 38 đối tượng vào cơ sở giáo dục Hoàn Cát

.

Ngày 16-11, Chủ tịch UBND thành phố ký quyết định đưa 38/45 đối tượng vào cơ sở giáo dục Hoàn Cát (tỉnh Quảng Trị) thời hạn từ 12-24 tháng.

Công an, Thành Đoàn Đà Nẵng đưa các thanh-thiếu niên chưa ngoan tham quan tại Trường giáo dưỡng số 3, Bộ Công an.
Công an, Thành Đoàn Đà Nẵng đưa các thanh-thiếu niên chưa ngoan tham quan tại Trường giáo dưỡng số 3, Bộ Công an.

Đại tá Trần Mưu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Đà Nẵng, cho biết 38 đối tượng đều phạm tội nhiều lần nhưng ở mức độ nhẹ, nhiều lần bị xử phạt hành chính, được áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường. Trong đó, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự về các tội trộm cắp, cướp giật, cố ý gây thương tích, mua bán ma túy, sử dụng trái phép các chất ma túy. Dù địa phương đã dùng đủ biện pháp nhằm giúp họ trở thành người lương thiện nhưng mọi nỗ lực dường như vô vọng.

Võ Đình Phương (32 tuổi, ở phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. Học xong lớp 9, Phương bỏ ngang. Không tìm việc làm, Phương lang thang tụ tập bạn bè đi vũ trường, ăn nhậu, không có tiền thì đi trộm cắp. Năm 1997, do Phương nhiều lần trộm cắp, nhưng giá trị tài sản không lớn nên Công an phường lập hồ sơ đề nghị đưa Phương đi cải tạo 24 tháng tại cơ sở giáo dục Hoàn Cát.

Gần 10 năm sau, do nhiều lần gây rối trật tự công cộng nên một lần nữa Phương bị đưa đi cải tạo 18 tháng. Ra trại, không vợ con, Phương tiếp tục lang thang nhậu nhẹt, trộm cắp, rồi bị Công an phường bắt giữ, phạt hành chính 1,5 triệu đồng. Phương bị đưa vào giáo dục tại địa phương theo Nghị định 163 của Chính phủ với thời hạn 6 tháng. Trong thời gian đó, Phương lại đột nhập vào nhà dân trộm 1 điện thoại di động. Chủ tịch UBND quận Thanh Khê có báo cáo đề nghị Chủ tịch UBND thành phố áp dụng biện pháp đưa Phương đi cơ sở giáo dục với thời hạn 2 năm.

Đối với Nguyễn Tấn Hưng, “thành tích” còn nổi trội hơn với 6 tiền án. Hồ sơ của Công an ghi rõ: Năm 1993, Hưng bị TAND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phạt 12 tháng tù giam về hành vi “trộm cắp tài sản”. Nhưng mới thụ án vài tháng, Hưng trốn khỏi nơi giam giữ. Năm 1994, Hưng bị TAND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng xử phạt 23 tháng tù giam về hành vi trốn trại. Năm 1996, Hưng lại bị tòa án xử phạt 3 năm tù giam về hành vi trộm cắp. Từ năm 2005-2009, Hưng 2 lần bị đưa đi cơ sở giáo dục Hoàn Cát và một lần bị TAND quận Hải Châu xử phạt 6 tháng tù giam.

Theo thống kê của Công an địa phương, từ tháng 2-2013 đến nay, Hưng 3 lần vi phạm pháp luật, trong đó 2 lần trộm cắp tài sản, một lần dùng dao dọa chém người khác.

Trong 38 đối tượng đi cải tạo có một phụ nữ duy nhất là Võ Thị Thùy Trâm (còn gọi là Trâm điên, 40 tuổi, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê). Chồng mất sớm, lười lao động, Trâm sống buông thả. Để có tiền tiêu xài, Trâm thường đi trộm cắp vặt.

Trưa 21-8-2012, Trâm vào chợ Tân Lập (phường Vĩnh Trung) dắt trộm một xe đạp, bán được 84.000 đồng. Hành vi của Trâm bị Công an phường phát hiện, bắt giữ và xử phạt hành chính 1 triệu đồng.

3 tháng sau, Trâm lại trộm xe đạp tại thôn Câu Hà (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Sau nhiều lần bị Công an xử phạt hành chính, Trâm tiếp tục bỏ nhà đi lang thang, rồi trộm cắp tài sản. Lần này, Trâm bị đưa đi cơ sở giáo dục Hoàn Cát thời hạn 12 tháng.

Đại tá Trần Mưu cho biết: “Việc đưa các đối tượng đi cải tạo là mong muốn các đối tượng thức tỉnh, sống làm người lương thiện. Đồng thời, đây cũng là hình thức nhằm răn đe, giáo dục, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.