.

Đo nồng độ cồn: Không dễ!

.

Một tối tháng 12, chúng tôi có dịp đi cùng tổ CSGT Công an thành phố đo nồng độ cồn. Suốt 3 tiếng đồng hồ quan sát, chúng tôi nhận thấy, việc xử lý nồng độ cồn không hề dễ dàng.

Tổ làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn đối với Nguyễn Đình P.
Tổ làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn đối với Nguyễn Đình P.

19 giờ 30, tổ xử lý nồng độ cồn của Đội Tuần tra - Dẫn đoàn (Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng) do Thượng úy Nguyễn Thiên Hoàng làm tổ trưởng xuất phát. Cùng đi có 3 cán bộ CSGT, 4 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động (Phòng PC65) hỗ trợ. Địa điểm được chọn dừng đón, đo nồng độ cồn là đường 2 tháng 9. Thượng úy Trần Thanh Hải, người dày dạn kinh nghiệm được giao dừng đón phương tiện; Thượng úy Nguyễn Phúc Sinh cầm máy camera ghi âm, ghi hình những trường hợp vi phạm; Trung úy Hồ Phú Cường đảm nhận việc đưa ống thổi và nhận biết kết quả; tổ trưởng Hoàng có nhiệm vụ lập biên bản xử phạt hành chính.

Đúng 20 giờ, tổ cảnh sát bắt đầu làm nhiệm vụ. Một phương tiện xe máy đầu tiên được dừng lại do vi phạm làn đường. Trung úy Cường dùng máy đo nồng độ cồn thì máy báo kết quả: 00,0. Tổ xử lý lập biên bản xử phạt lỗi vi phạm làn đường.

Dưới ánh đèn đường phản chiếu, từ xa có một thanh niên điểu khiển đi xe máy rất nhanh. Thượng úy Trần Thanh Hải đoán người này có sử dụng rượu, bia nên yêu cầu dừng xe. Tuy nhiên, người thanh niên chạy xe lách qua một xe máy khác và phóng nhanh. “Chạy kinh quá. Trường hợp đó thì đo nồng độ cồn “dính” là cái chắc”, Thượng úy Hải khẳng định. Thượng úy Hải cho biết, mình có thể nhìn, đoán những người đi trên đường có biểu hiện sử dụng rượu, bia vượt quá mức cho phép. Tuy nhiên, nhiều người khi phát hiện công an làm nhiệm vụ thì tăng tốc hoặc len lỏi vào nơi đông phương tiện, gây khó cho công tác dừng đón. Quan sát của chúng tôi, có khá nhiều trường hợp như vậy.

Càng về khuya, lượng phương tiện lưu thông trên đường 2 tháng 9 càng nhiều. Đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn để dừng, đón kiểm tra. Theo quan sát, hơn 70% số phương tiện được dừng đo nồng độ cồn có vi phạm. Có người ở mức độ nhẹ nên chỉ phạt các lỗi khác, có người thì vượt quá quy định nên lập biên bản xử phạt.

21 giờ 20, một thanh niên điều khiển xe máy chạy hướng cầu sông Hàn về quận Cẩm Lệ với tốc độ cao. Thượng úy Hải ra hiệu dừng xe. Một thanh niên đi xe BKS 92…2896 bước xuống nồng nặc mùi bia. Trung úy Cường đưa máy cho người thanh niên này thổi nhưng bị từ chối. Người thanh niên tên Nguyễn Đình P. (SN 1979) nói lý lẽ trong tình trạng say khướt. Giải thích hết lời, P. vẫn không chịu thổi. Khi Thượng úy Nguyễn Phúc Sinh đưa máy quay đến ghi hình, P. mới chịu thi hành. Máy đo nồng độ cồn báo kết quả: 123,6 miligam, vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần. Nhưng P. không chịu ký biên bản, mà ra ngoài gọi điện cho một ai đó rồi tiếp tục quay lại “cãi”. Hơn 15 phút, tổ làm nhiệm vụ phải “rắn”, P. mới chấp hành và ký vào biên bản xử phạt với 3 lỗi: sử dụng nồng độ cồn vượt mức cho phép; không mang giấy tờ; đi sai phần đường, làn đường.

Đến 22 giờ, tổ làm nhiệm vụ trở về đơn vị. Hơn 20 biên bản được lập, trong đó có khá nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn...

Trung tá Lê Văn Lực, Đội trưởng Đội tuần tra - Dẫn đoàn cho biết, thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an thành phố, từ đầu tháng 10 đến hết ngày 31-12-2013, Đội thường xuyên tổ chức ra quân xử lý nồng độ cồn. “Tuy nhiên, việc đo nồng độ cồn còn gặp khó bởi khi dừng phương tiện, người say rượu hay cãi, nói to, gây điểm nóng. Khi đưa miệng vào ống thổi thì thổi không đúng quy trình. Những trường hợp như vậy thường phải có máy ghi âm, ghi hình để làm bằng chứng xử lý. Ngoài ra, với những trường hợp la lối, không chấp hành, lực lượng buộc phải “cưỡng chế” đưa về trụ sở để làm việc”, Trung tá Lực nói.

Trung tá Lực cũng cho biết, lực lượng sẽ lồng ghép việc xử lý với công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông khi uống rượu, bia, qua đó giúp họ nhận thức được rằng, khi đã uống rượu, bia thì không nên lái xe, cách tốt nhất là nhờ người lái giúp hoặc đón taxi về, tránh gây tai nạn giao thông, để lại hậu quả xấu cho gia đình, xã hội.

Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nêu rõ:

- Phạt tiền từ 8-10 triệu đồng nếu người điều khiển ô-tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/lít khí thở; phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người điều khiển ô-tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.

- Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/lít khí thở; phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.