.

Khi "cơn lốc" ma túy đi qua

.

Những năm gần đây, ma túy tấn công mạnh vào thành phố Đà Nẵng; số con nghiện, người sử dụng mới, số người tham gia buôn bán ma túy ngày càng tăng lên. Hòa Vang là địa phương vốn yên bình, nhưng khi “cơn lốc” ma túy quét qua, khái niệm bình yên chỉ còn trong quá vãng...

Cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn ma túy xã Hòa Châu gặp gỡ, trò chuyện với gia đình Nguyễn Đăng T.
Cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn ma túy xã Hòa Châu gặp gỡ, trò chuyện với gia đình Nguyễn Đăng T.

Làng quê không bình yên

Hơn 10 năm trước, người dân xã Hòa Châu nghe khá lạ tai với hai từ ma túy. Nhưng không lâu sau đó, xã Hòa Châu bắt đầu “dậy sóng” vì ma túy. Ông Lê Đức Bánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu nhớ lại: “Đầu năm 2004, một đám thanh niên địa phương thường xuyên tụ tập tại các quán cà-phê ven đường ĐT 605. Lúc đó, người dân cứ nghĩ đám trẻ lông bông, không có việc làm tập trung ngồi chơi. Chỉ đến khi Công an ập đến bắt giữ đám thanh niên vì có hành vi mua bán, sử dụng ma túy thì người dân mới giật mình”.

Sau khi ma túy tìm đường xâm nhập về xã Hòa Châu, người dân nơi đây biết sợ và đề phòng. Bà T.T.S (ở thôn Quang Châu) rùng mình nhớ lại: “Khi nghe địa phương phát hiện có người nghiện ma túy, gia đình tôi lo lắm. Trong nhà có đứa con độ tuổi thanh niên, đi đâu, làm gì, gia đình chúng tôi cũng phải quản. Thế nhưng, đến một ngày, Công an còng tay nó đưa về nhà lục soát, gia đình mới ngỡ ngàng…”. Anh Ngô Tấn Lành, cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn ma túy xã Hòa Châu, cho biết tính đến nay không ít thanh niên trong các thôn Phong Nam, Quang Châu, Lệ Sơn… “dính” ma túy. Hiện tại, địa phương đang quản lý 21 đối tượng sau cai, 16 đối tượng bị xử lý hành chính về hành vi sử dụng ma túy.

Trong khi đó, xã Hòa Phong phát hiện người sử dụng ma túy từ trước những năm 2000. Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết trước đây thanh niên một số thôn tại xã đi làm vàng tại huyện Nông Sơn, hành trang mang về có cả “nàng tiên nâu”. Sự mới mẻ của thứ hàng lạ lẫm đó đã lôi kéo một số thanh niên sử dụng. Thêm vào đó, số thanh niên lêu lổng thường về thành phố chơi bời, chích hút, có một số đối tượng thường xuyên tái nghiện. Con số nghiện mới và tái nghiện cứ tăng lên mặc cho những nỗ lực của địa phương.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đến năm 2010, các xã Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Nhơn… đã bị ma túy “tấn công” mạnh, không ít thanh niên trở thành nô lệ của “nàng tiên nâu”. Theo Trung tá Nguyễn Văn Tăng, Phó trưởng Công an huyện Hòa Vang, hiện nay tình hình ma túy trên địa bàn huyện có chiều hướng diễn biến phức tạp với 9/11 xã sống cùng ma túy.  

Đời tàn, nợ nần chồng chất

Khi “cơn lốc” ma túy đi qua các địa bàn nông thôn, không ít thanh niên phải chôn vùi cuộc đời mình, làm khổ gia đình. Lê Tấn Đ. (SN 1979, trú thôn Phong Nam, xã Hòa Châu) - người đầu tiên của xã bị phát hiện sử dụng ma túy (năm 2004), đến nay vẫn chưa thể nào thoát ra khỏi “cơn lốc” kinh hoàng. Hai năm cai nghiện trở về địa phương rồi tái nghiện nên Đ. lại “nhập trại”. Lần đó, Đ. quyết tâm lắm nên được ra trước thời hạn. Được sự giúp đỡ của các hội đoàn thể, Đ. nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, được chính quyền địa phương hỗ trợ tiền, mở quán cắt tóc. “Quán nằm cạnh đường ĐT605, thanh niên thường đến tụ tập, trong đó có cả những đối tượng sử dụng ma túy. Trong tay có sẵn mảnh đất gia đình cho, Đ. đem bán được gần 300 triệu đồng. Có tiền lại không thể cưỡng nỗi sự rủ rê của bạn bè, những giây phút “lên tiên” do ma túy luôn ám ảnh trong đầu, Đ. lại chìm vào “làn khói trắng”. Bị Công an bắt giữ, Đ. không đi tập trung cai nghiện mà xin cai nghiện bằng Methadone”, anh Ngô Tấn Lành, cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn ma túy xã Hòa Châu cho biết.

“Dù đã già nhưng ngày nào tôi cũng chở con đi uống thuốc giống như người cha chở đứa trẻ đi học, bởi để nó đi một mình lại sợ những điều không hay. Suốt một năm như vậy, con tôi đã tiến bộ rõ rệt. Về sau không đủ sức đi cùng và cũng tin tưởng con, tôi đành để nó đi một mình, không ngờ…”, ông Lê T. B. (cha của Đ.) buồn rầu nói.

Sau khi cai nghiện bằng chất thay thế Methadone, Đ. rất tiến bộ và được thành phố giới thiệu đi báo cáo điển hình toàn quốc về hiệu quả của việc cai nghiện này. Vậy mà không ngờ sức cám dỗ của ma túy quá mãnh liệt, bởi vào tháng 9-2012, Đ. lại tái nghiện, bị đưa đi cai nghiện tập trung với thời hạn 2 năm. Song, không ai dám chắc lần này Đ. có thể dứt khỏi ma túy.

Còn Nguyễn Đăng T. (22 tuổi, ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu) đã làm khổ gia đình khi trót ngập chìm trong những cơn “phê” thuốc. T. tâm sự: “Sau nhiều lần cùng bạn bè ra thành phố uống cà-phê, nhậu nhẹt, đi vũ trường, em thử dùng ma túy đá. Tính ra cũng  hàng chục lần như vậy. Không đi làm, không dám xin tiền gia đình, em vay nóng để có tiền sử dụng ma túy. Số tiền em vay nóng lên hơn 100 triệu đồng”.

Nợ nần của T. đều đổ lên bố mẹ. Thương con, bà Ngô Thị H. (mẹ của T.) còng lưng đi trả nợ thay.

Nỗ lực giúp người nghiện hoàn lương

Trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có 111 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có nhiều đối tượng đang quản lý sau cai. Ông Lê Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng công tác quản lý sau cai, nên mỗi khi đối tượng hết thời hạn tập trung cai nghiện, xã cử cán bộ lên trung tâm làm công tác tiếp nhận đưa về địa phương tiến hành các thủ tục đưa vào quản lý; đồng thời chỉ đạo các đoàn thể xã hội, Công an, khu dân cư… phân công nhau quản lý đối tượng, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, kết hợp với việc gọi, thử test thường xuyên”.

“Ngày nào chúng tôi cũng đến gia đình họ, đến nỗi họ xem mình như người nhà. Chính nhờ sự sát sao đó mà thời gian gần đây nhiều đối tượng cảm thấy ăn năn, hối cải, hoàn lương”, một cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội xã Hòa Phước chia sẻ. Trường hợp Nguyễn Q.N. (SN 1985, ở thôn Miếu Bông) sau khi cai nghiện về được các ngành, đoàn thể đến động viên, hướng nghiệp, giờ đây có nghề lái xe mức lương cao. Tương tự, Phùng Q.T. (SN 1991, ở thôn Miếu Bông) sau khi về địa phương được chính quyền địa phương hỗ trợ 4 triệu đồng nên T. đi học nhạc, chụp ảnh đám cưới, nay ổn định cuộc sống, rời xa ma túy.

Trong khi đó, bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết ngoài việc động viên thì lãnh đạo xã thường xuyên chỉ đạo các hội, đoàn thể đến hướng nghiệp, ai cần đi học nghề sẽ hỗ trợ học nghề, ai cần đi làm việc sẽ tiến hành xin việc. Trường hợp ông Lê T. (ngụ thôn An Tân, xã Hòa Phong) sau khi đi cai nghiện về, Công an xã đã hỗ trợ 2 triệu đồng và giới thiệu đi học nghề trồng nấm. Để giúp ông T. phát triển nghề nấm, xã Hòa Phong đang đề nghị huyện cho ông vay 20 triệu đồng.

Qua tìm hiểu, lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang cho biết, những trường hợp hoàn lương sau 5 năm không tái nghiện sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ trường hợp (đã hỗ trợ 8 trường hợp). Riêng trong năm 2013 đã hỗ trợ, giải quyết cho 15 người nghiện ma túy, phụ nữ hoàn lương, nhiễm HIV vay vốn với tổng số tiền 72 triệu đồng và một số vật dụng thiết yếu của cuộc sống trị giá 10 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, trong 111 đối tượng liên quan đến ma túy của địa bàn huyện Hòa Vang đã có 37 đối tượng công nhận hết thời hạn quản lý sau cai, 11 đối tượng hòa nhập cộng đồng, tiến bộ.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.